03:03, 01/03/2018

Nhớ về công dân danh dự Alexandre Yersin

Ngày 1-3, Hội ái mộ Yersin tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất bác sĩ Alexandre Yersin (1-3-1943 – 1-3-2018).

Ngày 1-3, Hội ái mộ Yersin tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất bác sĩ Alexandre Yersin (1-3-1943 – 1-3-2018). Đến dự có ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng khoảng 250 đại biểu là hội viên Hội ái mộ Yersin, Hội Adaly (Pháp), Hội ái mộ Yersin ở Thụy Sĩ, tập thể giáo viên, học sinh Trường THCS Yersin Nha Trang, Trường THCS Yersin Cam Lâm…

 

Các đại biểu về dự lễ kỷ niệm.
Các đại biểu về dự lễ kỷ niệm.
 
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân trước tượng tài A.Yersin ở Công viên Yersin Nha Trang và mộ của ông tại Suối Dầu (huyện Cam Lâm). Đây cũng là dịp để mọi người ôn lại thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của bác sĩ A.Yersin cho nền y học thế giới cũng như tình cảm của ông dành cho người dân Nha Trang - Khánh Hòa và tình cảm của người dân Nha Trang - Khánh Hòa dành cho ông.

 

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm bác sĩ A.Yersin tại Công viên Yersin.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm bác sĩ A.Yersin tại Công viên Yersin.

 

Ông Đào Công Thiên dâng hoa tưởng niệm tại mộ bác sĩ A.Yersin.
Ông Đào Công Thiên dâng hoa tưởng niệm tại mộ bác sĩ A.Yersin.

 

A.Yersin sinh năm 1863 tại Thụy Sĩ, sau khi xuất sắc đậu bằng Tiến sĩ ở Đại học y khoa Paris ông đã lên tàu đi thám hiểm thế giới. Tháng 8-1891, 1 năm sau ngày nhận bằng Tiến sĩ, ông đã đặt chân đến Nha Trang. Để sau đó, khi hành trình của con tàu kết thúc, ông đã quay lại Nha Trang và quyết định chọn nơi đây để sống, làm việc suốt cuộc đời hơn 50 năm tại đây.
 
A.Yersin đã công bố 55 công trình khoa học; là người có công đầu tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch; ông đã sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang và quản lý toàn bộ hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương; ông là người sáng lập trường y khoa đầu tiên ở Hà Nội; ông cũng đã du nhập nhiều loại cây quý vào trồng ở Việt Nam; người phát hiện ra Hòn Bà (Khánh Hòa), cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng)… Đặc biệt, ông đã dành một tình cảm đặc biệt đối với người dân Nha Trang – Khánh Hòa và luôn có những việc làm thiết thực để giúp đỡ người dân nghèo trong cuộc sống thường ngày. Người dân Nha Trang – Khánh Hòa vì thế đã trìu mến gọi ông bằng cái tên “ông Năm”. 

 

Những người bạn nước ngoài cũng về dự lễ kỷ niệm.
Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin ở nước ngoài cũng về dự lễ kỷ niệm.
 
Ngày 1-3-1943, bác sĩ A.Yersin qua đời, di chúc của ông để lại chỉ mong muốn được an táng đơn giản ở Suối Dầu, không phô trương, nhưng đám tang của ông vẫn là đám tang có số người đưa tiễn đông nhất, xúc động nhất từ xưa đến nay ở Nha Trang. Hàng năm, người dân Nha Trang – Khánh Hòa lại trân trọng kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông một cách tôn kính với tấm lòng tri ân sâu sắc. 
 
Hiện nay, ở Khánh Hòa vẫn còn hiện diện nhiều di tích về ông như ngôi nhà làm việc trên đỉnh Hòn Bà, bảo tàng Yersin, trại chăn nuôi Suối Dầu, mộ phần của ông ở Suối Dầu… Nhiều công trình trường học, tuyến đường, công viên mang tên ông. Hình ảnh của ông được đưa vào thờ tự ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn (Cam Lâm), tượng của ông được đặt trang trọng ở công viên Yersin (Nha Trang). Một số tổ chức xã hội mang tên ông và ở Khánh Hòa có học bổng Yersin để động viên những học sinh chăm ngoan, học giỏi. Năm 2013, bác sĩ A.Yersin được Chính phủ truy tặng danh hiệu Công dân danh dự Việt Nam.

 

Giáo viên 2 Trường THCS Yersin ở Nha Trang và Cam Lâm chụp hình lưu niệm bên mộ bác sĩ A.Yersin.
Giáo viên 2 Trường THCS Yersin ở Nha Trang và Cam Lâm chụp hình lưu niệm bên mộ bác sĩ A.Yersin.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thế Trâm – Chủ tịch Hội ái mộ Yersin, trong thời gian qua, hoạt động của hội ngày càng đa dạng, gắn liền tình cảm gắn bó đặc biệt của A.Yersin trước đây là vì cuộc sống người nghèo. Ra đời hơn 27 năm qua, Hội ái mộ Yersin đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật với mong muốn mang lại được niềm vui cho mọi người.  Còn ông Jacques Henri Penseyres – Chủ tịch Hội ái mộ Yersin ở Thụy Sĩ cho rằng, A.Yersin là một nhà khoa học vĩ đại. Bảo toàn được các di sản khoa học và văn hóa của người để lại ở Khánh Hòa là nhiệm vụ chung. Về phía Hội ái mộ Yersin ở Thụy Sĩ cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần làm lan tỏa tinh thần Yersin đến với đông đảo mọi người. 
 
Nhìn về cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin, điều đọng lại trong tâm trí, tình cảm mọi người đó chính là hình ảnh một ông Năm Yersin là người Tây mà không sống như Tây, không phải người Việt mà sống như người Việt.
 
Giang Đình