06:11, 04/11/2017

Chuyện về người hát "Xa khơi"

Ngày còn nhỏ, mỗi khi nhắc đến ca khúc Xa khơi, mẹ tôi vẫn thường nhắc đến tên nghệ sĩ Tân Nhân (1932 - 2008) với niềm ngưỡng mộ. Khi lớn lên, tôi biết thêm một số thông tin về nghệ sĩ Tân Nhân; tuy nhiên, phải đến khi đọc tập hồi ký - thơ Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi (Nhà xuất bản Văn học, 2017) tôi mới hiểu thêm về chuyện đời, chuyện nghề của nữ danh ca huyền thoại này.

Ngày còn nhỏ, mỗi khi nhắc đến ca khúc Xa khơi, mẹ tôi vẫn thường nhắc đến tên nghệ sĩ Tân Nhân (1932 - 2008) với niềm ngưỡng mộ. Khi lớn lên, tôi biết thêm một số thông tin về nghệ sĩ Tân Nhân; tuy nhiên, phải đến khi đọc tập hồi ký - thơ Nghệ sĩ Tân Nhân  & Xa khơi (Nhà xuất bản Văn học, 2017) tôi mới hiểu thêm về chuyện đời, chuyện nghề của nữ danh ca huyền thoại này.


Người của những bài ca khát vọng thống nhất


“Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê”, nghệ sĩ Tân Nhân đã hát như “rút ruột rút gan” khúc ca Câu hò bên bờ Hiền Lương bởi quê bà ngay bên kia bờ sông Bến Hải.

 

NSƯT Tân Nhân
NSƯT Tân Nhân


Sinh ra ở làng Mai Xá, huyện Gio Linh, Quảng Trị, 14 tuổi, cô nữ sinh Đồng Khánh (Huế) Trương Tân Nhân tham gia đội tuyên truyền cách mạng. Mặt trận Huế bị vỡ, cô lên chiến khu rồi ra vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh. Vào học trường Huỳnh Thúc Kháng, tiếng hát của cô nữ sinh đã làm say đắm bao thầy cô, bạn học cùng thời. Sau đó, Tân Nhân gia nhập Đoàn văn công Bình Trị Thiên rồi chuyển về Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam với vài trò ca sĩ chuyên hát đơn ca. Những ca khúc như: Giữ trọn tình quê, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Ru con..., đặc biệt là Xa khơi do Tân Nhân thể hiện đã trở thành ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ.


Trong hồi ký, nghệ sĩ Tân Nhân kể lại, năm 1962, bà được Đoàn Ca múa nhạc Trung ương phân công hát Xa khơi bởi ca khúc này mang âm hưởng dân ca miền Trung. Với giọng hát vàng của Tân Nhân, trong phút chốc Xa khơi trở thành bài hát được yêu thích nhất cả nước. “Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ. Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ. Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền. Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền...”, những lời ca như làn sóng dập dềnh vỗ mạn thuyền được nữ nghệ sĩ luyến láy điêu luyện, làm bật lên nỗi nhớ nhung da diết của lứa đôi trong những ngày đất nước còn chia cắt, của tình yêu quê hương đất nước.

 

Có một du kích tận Đồng Tháp viết thư về Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị phát và dạy hát cho mọi người cùng thuộc. Bên cạnh tài năng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Xa khơi hay đến vậy là bởi nghệ sĩ Tân Nhân đã hát bằng tấm lòng của người con miền Nam xa cách quê hương suốt mấy chục năm trời. “Đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ... Bước ra sân khấu như tắm trong nắng chiều của biển, với mặt biển lung linh. Những ký ức tuổi thơ của tôi trỗi dậy khiến tim tôi rung lên, từng đường gân thớ thịt chan hòa theo tiếng hát...”, nghệ sĩ Tân Nhân hồi tưởng.

 

Bìa sách Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi
Bìa sách Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi

 

“Tổ quốc ơi!
Tôi ca hát vì Người”


Gặp trắc trở trong tình cảm khi tuổi đời còn trẻ, nhưng nghệ sĩ Tân Nhân đã chôn chặt nỗi đau trong lòng, vượt qua biết bao khó khăn để cống hiến cho nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng nước nhà. Trong phần tự sự Tôi ca hát vì Người - Tổ quốc, người nghệ sĩ đáng kính ấy đã bày tỏ: “Ở một đất nước bao đời nô lệ và đói nghèo, một ca sĩ cách mạng cũng trăn trở, cũng vấp ngã, nhưng vẫn phải kiên cường khí phách như những chiến sĩ trên mặt trận. Và chính cuộc đời, bổn phận, lương tâm buộc anh phải tiến bước. Tiếng hát của tôi không nói hết được lòng tôi, nhưng cùng với tiếng hát, cả cuộc đời đầy nỗ lực của tôi sẽ diễn đạt ý nguyện: Tổ quốc ơi! Tôi ca hát vì người”.


Trong những năm chống Mỹ, tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân, đặc biệt là ca khúc Xa khơi đã tiếp thêm niềm tin, giúp nhiều người lính vượt qua những gian khó. Nhà báo - cựu chiến binh Lê Bá Dương cho biết: “Với thế hệ chúng tôi, Xa khơi có một vị trí thật đặc biệt. Nếu như những bài ca hùng tráng thúc giục chúng tôi lên đường ra trận, thì Xa khơi bồi đắp làm dày thêm tình yêu quê hương đất nước, thêm quyết tâm chiến đấu thống nhất nước nhà”. Trong tập sách Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi, người lính Nguyễn Trọng Luân đã kể rằng khi được nghe Xa khơi ở một binh trạm, dù mới bị thương chưa hồi phục nhưng ông cảm thấy “khỏe ra như hôm nào hành quân ra trận”. “Chúng tôi có những câu thơ, câu hát mà vịn vào đấy mới có thể đi đến đích cuối cùng chiến thắng. Với tôi, có một ngày như thế khi tôi đã nghe Xa khơi và tiếng hát nữ nghệ sĩ Tân Nhân giữa rừng...”, Nguyễn Trọng Luân kết lại câu chuyện về Xa khơi.


Cuộc đời đầy nỗi truân chuyên, đắng đót, nhưng cho đến cuối đời khi nhìn lại con đường đã qua, nghệ sĩ Tân Nhân vẫn thốt lên câu thơ “Ta yêu đời biết mấy, đời ơi”.


THÀNH NGUYỄN