10:10, 24/10/2017

Nghệ thuật truyền thống: Cần đổi mới cách đào tạo diễn viên

Tuy đã có nhiều thay đổi nhưng theo đánh giá chung, chất lượng đào tạo các ngành của sân khấu truyền thống chưa cao. Đã có nhiều đề xuất để các sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng làm nghề...

Tuy đã có nhiều thay đổi nhưng theo đánh giá chung, chất lượng đào tạo các ngành của sân khấu truyền thống chưa cao. Đã có nhiều đề xuất để các sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng làm nghề...


Những ngày này, TP. Nha Trang đang rộn ràng với  Hội thi tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc 2017. Sự góp mặt của 35 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc, với nhiều loại hình nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca, nhã nhạc, kịch, xiếc, ca, múa, nhạc là dịp để nhìn nhận lại chất lượng đào tạo của các trường chuyên về nghệ thuật, nhất là các ngành nghệ thuật truyền thống.

 

Chất lượng đào tạo chưa cao


Theo Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), hiện nay cả nước có 50 cơ sở đào tạo nghệ thuật từ trình độ trung cấp trở lên. Phần lớn các trường đều có ngành đào tạo nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc, truyền thống như: diễn viên tuồng, chèo, rối, cải lương, dân ca và nhạc công sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Nhìn chung, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; chương trình đào tạo vẫn còn nhiều bất cập (do quy định khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo), học sinh được học thường nặng về lý thuyết, ít được thực hành. Bên cạnh đó, lực lượng các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia giảng dạy ngày một ít đi do tuổi tác và do những chế độ, chính sách về giảng viên chưa thật hợp lý. Các giảng viên trẻ tuy có bằng cấp nhưng nhiều người chưa đủ kinh nghiệm… Thực tế đó khiến chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống ngày càng thấp, sinh viên ra trường không đủ năng lực phục vụ trong các đơn vị nghệ thuật truyền thống, dân tộc từ Trung ương đến các địa phương.


NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đánh giá: “Ngoài số ít sinh viên xuất sắc, vẫn còn tồn tại việc đào tạo không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội, các đơn vị nghệ thuật. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật khi nhận các em về đều phải “đào tạo lại” mới sử dụng được. Điều đó đã làm lãng phí nguồn lực của xã hội, dẫn đến sự giảm sút uy tín của nhà trường, nên số lượng sinh viên theo học các ngành này ngày càng ít, chất lượng đầu ra không cao”.  


Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VH-TT-DL cho biết: Thời gian gần đây, khi được giao tự chủ, nhiều trường đã có những thay đổi trong cách thức xây dựng chương trình giảng dạy, cũng như phương pháp giảng dạy ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: tăng các tiết học có thực hành, mời các nghệ sĩ xuất sắc về giảng dạy theo kiểu truyền nghề trực tiếp… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đào tạo các ngành truyền thống cần phải thay đổi một cách toàn diện hơn.

 

Một tiết mục biểu diễn tại Hội thi tài năng trẻ các cơ sở đào tạo nghệ thuật toàn quốc 2017

Một tiết mục biểu diễn tại Hội thi tài năng trẻ các cơ sở đào tạo nghệ thuật toàn quốc 2017

 

Cần thay đổi phương thức đào tạo


Một hướng đi hợp lý nhất mà Vụ Đào tạo đã đề xuất với Bộ VH-TT-DL cho triển khai thí điểm đó là kết hợp giữa các trường và nhà hát đào tạo. Từ năm 2014, Bộ VH-TT-DL ban hành chủ trương tạo điều kiện cho các nhà hát truyền thống (chèo, cải lương, tuồng) của Trung ương trực tiếp tới các địa phương tuyển diễn viên, nhạc công học hệ trung cấp. Học sinh trúng tuyển sẽ theo học văn hóa cơ bản ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; các nhà hát quản lý chỗ ở, lo kinh phí học tập cũng như tạo điều kiện để các em được sống trong môi trường nghệ thuật qua việc dàn dựng vở diễn mới cũng như gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát trực tiếp truyền nghề. “Việc phối hợp giữa các trường nghệ thuật và nhà hát không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên được sống trong môi trường nghệ thuật, mà còn tăng trách nhiệm của các nghệ sĩ tham gia giảng dạy… Và gần như các em sẽ có nơi làm nghề sau khi ra trường”, bà Lê Thị Thu Hiền bày tỏ.


Bên cạnh đó, nhiều người đề nghị cần xếp lại chương trình đào tạo chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc cho hợp lý; tăng giờ thực hành diễn xuất có sự hướng dẫn của các nghệ nhân, nghệ sĩ; có chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp. “Chỉ tiêu đào tạo cho các chuyên ngành hàng năm của nhà trường phải được xây dựng từ nhu cầu của xã hội, của các nhà hát để từ đó các học viên tốt nghiệp có cơ hội kiếm việc làm. Chuyên ngành nào thì nên để các trường và nhà hát về tuyển sinh ở vùng miền có truyền thống về nghệ thuật đó”, NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết.


Phát biểu tại lễ khai mạc hội thi, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phát hiện, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ về nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc.


XUÂN THÀNH