07:10, 07/10/2017

Di sản văn hóa thế giới thành Thăng Long và chùa Một Cột

Ngày 10-10-1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng, quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Một ngày trùng lặp với sự kiện lịch sử định đô Thăng Long cách ngày này 944 năm khi vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) hạ chiếu rời kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) lên thành Đại La.

Ngày 10-10-1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng, quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Một ngày trùng lặp với sự kiện lịch sử định đô Thăng Long cách ngày này 944 năm khi vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) hạ chiếu rời kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) lên thành Đại La.


Sử sách kể lại rằng năm 1010, một lần nhà vua ngự thuyền trên sông hướng về bắc thành thì thấy đám mây ngũ sắc cuồn cuộn hình rồng bay lên… Kinh thành Đại La được đổi tên là Thăng Long thành từ đấy. Đến đời Lý Thái Tông (1028 - 1054), vào năm 1049, một đêm vua Lý nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua cùng lên… Thấy vậy, vua Lý cho lập một ngôi chùa hình bông sen thờ Phật Quan Âm và có tên là chùa Diên Hựu, mang ý nghĩa phúc hạnh dài lâu. Chùa được xây dựng trên một cột đá lớn tỏa ra 4 hướng là những tay đòn, cột kèo gỗ đỏ, 4 mái cong đầu đao mang hình rồng… như một tòa sen lớn giữa hồ vuông Linh Chiểu. Ngôi chùa tồn tại hơn 905 năm thì bị quân Pháp cho tay sai nổ mìn phá hủy trước khi chúng rút khỏi Hà Nội (11-9-1954). Chính phủ ta về tiếp quản thủ đô đã giao ngay cho Bộ Văn hóa xây dựng lại chùa Một Cột theo đúng kiến trúc cổ và hoàn thành tháng 4-1955.

 

FDC vua Lý Thái Tổ với thành Thăng Long

FDC vua Lý Thái Tổ với thành Thăng Long

 

Chùa Một Cột đã sớm trở thành một thắng cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới, được đưa lên tem bưu chính Indochine (thời Pháp thuộc). Đó là bộ tem chùa Một Cột đầu tiên được phát hành năm 1939, trong dịp hội chợ triển lãm quốc tế San Francisco - 1939 tại Hoa Kỳ. Bộ tem 1 mẫu với 4 tem thay màu đổi giá từ 6 cent đến 39 cent, lưu hành trên 3 nước Đông Dương.

 

Trang tem vua Lý Thái Tổ với kinh thành Thăng Long. Tem chùa Một Cột của Việt Nam và Sri Lanka

Trang tem vua Lý Thái Tổ với kinh thành Thăng Long. Tem chùa Một Cột của Việt Nam và Sri Lanka


Bộ tem chùa Một Cột thứ 2 là của Bưu chính nước Việt Nam độc lập, phát hành ngày 22-12-1957, gồm 1 mẫu với 2 tem thay màu cùng giá 150 đồng, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Bộ thứ 3 phát hành ngày 15-11-1968 với 6 mẫu là 6 tem mang hình ảnh kiến trúc chùa cổ Việt Nam, trong đó có mẫu tem chùa Một Cột giá mặt 30 xu, do họa sĩ Trần Lương thiết kế, in ốp sét nhiều màu tại Hungarie. Bộ thứ 4 phát hành ngày 20-4-1988 với đề tài du lịch. Bộ tem có 7 mẫu là 7 tem và 1 blốc, trong đó có tem chùa Một Cột với du khách tham quan, giá mặt 5 đồng do họa sĩ Việt Tuấn thiết kế. Bộ thứ 5, ngày 21-12-2002 phát hành chung 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc nhân dịp 10 năm lập quan hệ hữu nghị - hợp tác Việt - Hàn. Bộ tem có 2 mẫu là 2 tem chùa Một Cột (Việt Nam) và chùa Dabo (Hàn Quốc) cùng giá mặt 800 đồng, do họa sĩ Vũ Kim Liên và Sojeong thiết kế. Bộ thứ 6 phát hành ngày 16-1-2012 với đề tài kiến trúc phong cảnh, gồm 3 mẫu với 6 tem, trong đó có 2 tem mang hình chùa Một Cột đỏ 2.000 đồng, xanh 3.000 đồng do họa sĩ Trang, Du, Tuấn thiết kế. Ngoài ra còn có bộ tem của Sri Lanka phát hành ngày 12-5-2017 với 20 tem về chùa Phật giáo nổi tiếng của 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có chùa Một Cột để chào mừng Đại lễ Vesak do Liên hợp quốc tổ chức.


Cùng với các bộ tem kể trên còn có các mẫu tem hình vua Lý Thái Tổ và chùa Một Cột, tem rồng vàng thời Lý bay trên thành Thăng Long, tem rồng đá (Bắc Ninh - quê hương của vua Lý Thái Tổ). Ngoài ra còn 7 mẫu tem về các chủ đề khác có phụ họa hình chùa Một Cột và 4 mẫu tem thắng cảnh Tràng An, Hoa Lư, Ninh Bình, kinh đô của Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế.


Với 18 mẫu tem về một sự kiện lịch sử của thời tiền Lý gắn liền với kinh thành Thăng Long - Hà Nội, chùa Một Cột thật xứng đáng là di sản văn hóa của quốc gia và quốc tế… Chùa Một Cột đã được Hội đồng Tổ chức Kỷ lục châu Á họp ngày 10-10-2012 tại Fandahad (Ấn Độ) xác lập kỷ lục “Ngôi chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.


PHẠM KHÁNH HỒNG