10:08, 08/08/2017

Sách tản văn lên ngôi

Không phải ngẫu nhiên những cuốn sách ăn khách thời đọc hôm nay chính là những quyển tản văn, tạp bút … Điểm qua có 4 quyển với 4 góc độ khác nhau của các cây bút: Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Ngọc Tư và Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy thì đúng là thời của tản văn!

Không phải ngẫu nhiên những cuốn sách ăn khách thời đọc hôm nay chính là những quyển tản văn, tạp bút … Điểm qua có 4 quyển với 4 góc độ khác nhau của các cây bút: Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Ngọc Tư và Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy thì đúng là thời của tản văn!

 

Người đọc có phần ngạc nhiên trước tập tạp bút của cây bút “Nỗi buồn chiến tranh” Bảo Ninh. Xuyên suốt mấy chục tạp bút đó là những hồi ức suốt thời trai trẻ của Bảo Ninh về con người, mảnh đất Thủ đô đầu thập niên 1960 cho tới tận hôm nay. Dưới ngòi bút tinh tế có phần hoài cổ của người lính trải qua chiến tranh, Bảo Ninh đã thực sự làm người đọc bồi hồi như xem những thước phim đen trắng thuần khiết của ngày xưa để chiêm nghiệm về cái hiện tại. Anh rất coi trọng quá khứ, qua trang văn thấy anh nâng niu từng góc phố, hàng cây hay một làn gió của quá khứ mà anh đã chứng kiến suốt thời trai trẻ của mình.


Dưới góc độ nhà báo giữ một số trang mục nhàn đàm trên các báo, Bảo Ninh đã thực sự “chiến đấu” với mọi vấn đề gay cấn hôm nay: kiến trúc đô thị, đặt tên đường phố, ngôn ngữ giao tiếp… để mọi người suy nghĩ. Văn của Bảo Ninh rất nhuần nhuyễn, mềm mại nhưng cũng đầy cá tính quyết liệt. Có thể nói đây là một tập sách rất hay của nhà văn Bảo Ninh.


Với Phan Thị Vàng Anh, quả thực người đọc thấy thú  vị tới kính nể sự sắc sảo của chị. Sau nhiều năm tưởng gác bút không ra sách, nhưng thực ra chị vẫn ẩn dưới bút danh đứng trang trên các mục của một số báo để viết mọi vấn đề. Hội tụ kỹ thuật viết điêu luyện của cây bút truyện ngắn lừng danh, tạp bút của chị đạt độ tinh tế đến bất ngờ. Với tạp bút, người viết nếu không tỉnh thì chỉ phê phán một cách định kiến nên sẽ khó thuyết phục thì Phan Thị Vàng Anh xử lý theo phương pháp ẩn dụ, chút hài hước, chế giễu nên người đọc mỉm cười nhưng rồi phải suy nghĩ. Qua tập tạp bút của Phan Thị Vàng Anh, người đọc có thể hiểu một phần mảng xã hội từ đầu năm 2000 tới 2005, với nhiều điều hôm nay vẫn tồn tại.

 

 

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã đưa những lát cắt về tâm hồn người Nam Bộ vào trang văn của mình nhuần nhuyễn tới từng câu chữ. Người đọc sẽ kinh ngạc về khả năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả, nó biến thiên như một thảo nguyên tưởng rối bời nhưng thực ra rất mạch lạc. Nguyễn Ngọc Tư vận dụng ngôn ngữ nói của người Nam Bộ vào trang văn của mình tự nhiên đến tài tình. Chính vì thế, câu chuyện của chị rất đơn giản nhưng cách thể hiện thật cầu kỳ, kỹ thuật viết của chị xứng đáng là bậc thầy!


Thật ngạc nhiên tập tạp bút “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của tác giả Phạm Lữ Ân (Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy) lại là tập sách ăn khách được giới trẻ yêu thích, chưa đầy 5 năm mà cuốn sách tái bản tới 17 lần với số lượng lớn. Có lẽ là nhà báo làm ở tờ báo dành cho tuổi mới lớn nên Phạm Lữ Ân và vợ anh - nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy đã nắm bắt được tâm lý của người đọc trẻ hôm nay để viết những nội dung rất nhẹ nhàng, pha chút triết lý và sự ân cần nên bạn đọc coi như lời tâm sự! Anh từng chia sẻ rằng anh đã chắt chiu từng suy nghĩ của mình để viết, viết chân thành, không lên gân, không dạy dỗ, và mọi thứ cứ để thuận theo tự nhiên, kể cả sự vô lý. Bởi vậy, cuốn sách được trích đọc, sử dụng nhiều trên các trang mạng để minh họa cho những chủ đề của tâm hồn người trẻ hôm nay.


Những dòng văn ngắn gọn, khúc triết nhưng vẫn đậm chất văn học, mang tính thời sự hôm nay thực sự hấp dẫn bạn đọc.


Dương Trang Hương