05:08, 04/08/2017

Có gì ở "Chuyện tình không tên"?

Từ lâu, giới yêu âm nhạc vẫn truyền tai nhau rất nhiều giai thoại xung quanh những tình khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An. Chính vì vậy, khi nhạc sĩ "bật mí" về hoàn cảnh ra đời cũng như những bóng hồng phía sau những tình khúc qua ấn phẩm Chuyện tình không tên thì lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng…

Từ lâu, giới yêu âm nhạc vẫn truyền tai nhau rất nhiều giai thoại xung quanh những tình khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An. Chính vì vậy, khi nhạc sĩ “bật mí” về hoàn cảnh ra đời cũng như những bóng hồng phía sau những tình khúc qua ấn phẩm Chuyện tình không tên thì lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng…


Chuyện tình không tên (Phương Nam book phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành) chỉ dày hơn 170 trang. Tập sách gần như một tự truyện được thể hiện dưới hình thức những bức tình thư gửi người xưa. Có tất thảy 15 bức tình thư và đều bắt đầu bằng “Em yêu dấu”. “Đại từ Em được An dùng trong những lá thư là để nói chung đến những bóng hồng đã đi qua đời An. Có thể đó là người tình, có thể là người trở thành vợ, có khi chỉ là em gái, bạn gái…”, nhạc sĩ chia sẻ. Ông không muốn nhắc đến tên tuổi cụ thể bởi điều đó “có thể gây xáo trộn ít nhiều cuộc sống gia đình của họ”.

 

Bìa sách Chuyện tình không tên

Bìa sách Chuyện tình không tên


“Tình vui theo gió mây trôi”


Qua tập sách, người đọc đã phần nào hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời các ca khúc của Vũ Thành An. Tình khúc thứ nhất (lời Nguyễn Đình Toàn) là ca khúc đánh dấu mối tình của người nhạc sĩ tài hoa với cô sinh viên năm thứ 3 luật khoa Sài Gòn. Người con gái ấy cũng là cảm hứng để Vũ Thành An phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Đình Toàn thành tình khúc Em đến thăm anh đêm ba mươi nổi tiếng.


 Lời hát “Tình vui theo gió mây trôi” trong Tình khúc thứ nhất đã trở thành định mệnh, vì sự chênh lệch về tuổi tác, gia thế, trước sức ép của gia đình, người yêu của Vũ Thành An đã đành dứt tình với nhạc sĩ. Trong cơn đau đến xé lòng, người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên Bài không tên cuối cùng trên quãng đường ngắn từ trường luật về nhà ông ở đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần). Bài hát nhanh chóng nổi tiếng, đi kèm với nó còn có nhiều giai thoại. Ra đời đầu tiên nhưng lại được gọi là Bài không tên cuối cùng, điều đó có nghĩa Vũ Thành An đã đặt hết tình cảm của mình vào mối tình này. Tại sao lại là “không tên”? Ông giải thích đó là cách ông muốn giấu tên những bóng hồng sau các bài hát; thứ nữa là muốn gây sự chú ý với công chúng bằng kiểu đặt tên khác lạ.


Bài không tên số 2 là kỷ niệm của nhạc sĩ với một người con gái nhà giàu. Họ yêu nhau rất chân thành, nhưng rồi một ngày nhạc sĩ bất ngờ nhận được thư chia tay khi đang trong quân ngũ. Một chiều, nhạc sĩ đã tìm đến nhà người yêu đúng lúc vừa tan lễ hỏi. Ông tê điếng cả người và lẳng lặng ra về, nhưng vẫn tin rằng “Em vẫn còn yêu anh”. Đó là khởi nguồn của những ca từ day dứt: “Đời một người con gái. Ước mơ đã nhiều. Trời cho không được mấy. Đến khi lấy chồng. Chỉ còn một mối tình mang theo”… Chuyện tình không tên còn hé lộ những bóng hồng đằng sau Tình xưa gái Huế - bài không tên số 11, Đà Lạt xanh - bài không tên số 14…


“Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc”


Bài không tên số 4 là bóng hình của một trong những phát thanh viên đầu tiên của Đài Truyền hình Sài Gòn. Đó là người phụ nữ đẹp nhưng gặp trắc trở tình cảm, một mình nuôi mấy đứa con thơ. Yêu mến người thiếu phụ ấy, có lần nhạc sĩ đã hỏi cưới làm vợ. “… Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng. Và chúng ta… không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa…”. Lời hỏi cưới đó, ông vẫn chưa quên và tin rằng “Em cũng vẫn còn nhớ” nên ông đã viết: “Lời anh nói sẽ còn mãi đây. Chuyện mai sau xin gửi trên cây”.  


Bài không tên số 5 là chuyện ông với người vợ có gia cảnh nghèo khó. Những tưởng họ sẽ gắn bó suốt đời, nhưng rồi những biến đổi thời cuộc đã thêm một lần phân ly. Đời đá vàng là ca khúc được vắt nối từ những suy tư về ước vọng của chính ông, đến sự cảm thông dành cho người vợ thứ hai. “Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc là lời cảm thông anh dành cho Em - người vợ của anh. Em đã mất chồng từ khi còn quá trẻ, đã một mình đơn độc, bươn chải nuôi dạy hai đứa con khôn lớn trước khi gặp anh. Trong suốt bao năm chiến tranh, với bao mất mát, nhưng Em vẫn vững vàng chịu đựng và trung trinh sống”, nhạc sĩ bày tỏ. Hoàn thành lời thứ nhất từ trước năm 1975, nhưng phải đến năm 1993, nhạc sĩ mới hoàn thành được Đời đá vàng.


Điều mà nhiều người đánh giá cao ở Chuyện tình không tên không chỉ là những thông tin mà nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ mà còn là ở cách sống, cách yêu. Tất cả những mối tình của ông dù đậm sâu hay thoáng qua đều không vượt khỏi khuôn khổ lễ giáo. Ông nhắc đến những bóng hồng đời mình tình cảm sâu nặng, trân trọng những giây phút được bên nhau. Và gấp cuốn sách, người đọc thấy thêm yêu đời yêu người như lời thơ ông viết trong tình khúc Tạm biệt “Hãy vui những ngày còn nhau”.


THÀNH NGUYỄN