05:07, 15/07/2017

Một Huế khác…

Đường đời vẫn luôn gọi bước chân đi. Đi chỉ đơn giản là đi thôi, mà cũng có thể là một lúc nào đấy muốn mở lòng mình, lắng nghe mình, cảm về một khoảnh khắc nào đấy chẳng bao giờ nghĩ tới trong cuộc đời mình. Vậy thì hãy cùng cảm, cùng lắng nghe họ với những câu chuyện dọc đường trong ngẫm ngợi riêng mình…

Đường đời vẫn luôn gọi bước chân đi. Đi chỉ đơn giản là đi thôi, mà cũng có thể là một lúc nào đấy muốn mở lòng mình, lắng nghe mình, cảm về một khoảnh khắc nào đấy chẳng bao giờ nghĩ tới trong cuộc đời mình. Vậy thì hãy cùng cảm, cùng lắng nghe họ với những câu chuyện dọc đường trong ngẫm ngợi riêng mình…


Một Huế khác…


Trong cuộc đời, có những nơi ta đến rồi đi, để rồi lãng quên như bao địa danh khác mà những bước chân lang bạt của ta từng ghé. Cũng có những vùng đất, hoặc tình cờ, hoặc chuyến đi có chủ đích mà bạn bè vẫn giễu là giang hồ vặt, bước chân ta đã đưa ta tới cứ hẹn ngày quay lại. Lạ lùng, vùng đất ấy có gì mà cứ mỗi lần tới nơi là một lần có những cảm xúc khác nhau, để chưa định ngày về mà đã nhớ, đã tự hẹn lòng... Có thể mỗi vùng đất có một nét duyên riêng, nhưng nhiều khi lòng ta không cảm được, như những gương mặt ta gặp trong đời, biết bao nhiêu gương mặt gặp ta hàng ngày mà ta vẫn vô tình đi lướt qua nhau.

 

Nhớ lần đầu đến với Huế, mặc định trong đầu cũng như bao người khác, đó là chốn thần kinh một thuở, với cung điện, đền đài, lăng tẩm, với những địa danh hồi giờ chỉ được biết qua sách giáo khoa, qua sách báo… Ở cái tuổi tràn ắp những mộng mơ, bước chân cứ lần hồi dạo theo những vàng son cũ, để mà tưởng tượng ra những lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, những võng lọng đế vương, để mà hình dung ra những lụa là gấm vóc trong bóng tà dương. Nhìn những căn nhà cổ còn sót lại, những biệt phủ của những ông hoàng bà chúa một thời, cứ ngỡ như lát nữa thôi, sẽ hiện ra đoàn người nghiêm nghị, với áo mão, cân đai, với kiệu hoa lọng tía…


Có một Huế mặc định trong lòng du khách khi thả hồn theo dòng Hương mơ mộng. Câu thơ trong sách giáo khoa từ thuở xưa “Trời trong veo, nước trong veo, trên dòng Hương giang, em buông mái chèo…” lay lay trong tâm trí, cho dẫu bây giờ thuyền rồng thì cũng nổ máy ầm ầm. Những câu chữ trong bài ký quá nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến du khách chỉ trầm tư suốt từ Thủy Biều về qua Vĩ Dạ, mắt dõi trông hai bên bờ xanh mướt, để tự hỏi mình câu thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền” có cần phải đi tìm nghĩa đen không?

 

Vùng đầm phá Cầu Hai nhìn từ đỉnh Bạch Mã

Vùng đầm phá Cầu Hai nhìn từ đỉnh Bạch Mã

 

Cứ ngỡ đất cố đô đã được mặc định với những đặc trưng kiểu như thế.


Nhưng có một Huế khác, rất khác với những mặc định của đa số du khách khi nghĩ về Huế. Có thể đó là không gian đầm ấm, thân thương của Hue Ecolodge. Một resort nhỏ được thiết kế tinh tế, giữ nguyên hồn cốt của một ngôi làng, nằm nép dưới màu xanh cây và trái thanh trà triền miên của mạn Thủy Biều. Ai đã từng lớn lên ở miền quê, khi bước chân về đây ngỡ được về nhà, cứ muốn bước ra sân để hái chút rau dại đem vào cho mẹ nấu bữa cơm chiều, cứ muốn được nhẩn nha với ấm trà sáng bên hiên, để hít căng lồng ngực bầu không khí thấm đẫm hương thơm... bầu không khí cứ bắt người ta nhớ về người mình thương yêu, nhớ và nhớ.  


Có một Huế khác, rất khác khi thả mình trong bầu không khí nguyên sơ mát rượi, ngập tiếng ve rừng của Vườn quốc gia Bạch Mã. Nơi rừng thanh núi vắng, trong ngày điện chỉ có mấy tiếng chạy máy nổ, sóng điện thoại khi có khi không, con người được trở về trọn vẹn với thiên nhiên, với tiếng chim rừng khắc khoải. Được hào hứng lội 6km đường rừng chỉ để ngắm Ngũ hồ, ngắm thác Đỗ Quyên. Được hào hứng leo lên tận Hải vọng đài đặt trên đỉnh Bạch Mã cao 1.450m phóng tầm mắt về vùng đầm phá Cầu Hai khi tỏ khi mờ qua làn sương núi. Để thấy đất nước mình đẹp quá, để thấm thía câu giang sơn cẩm tú.


Tự hỏi mình sao bao nhiêu năm cứ dễ dãi tuân theo những mặc định về một vùng đất. Sao không chịu khám phá để mở lòng mình, chỉ với trời xanh, mây trắng, gió ngàn… để tìm cho mình một góc nhìn khác. Sao không chịu lắng lòng mình theo một cảm thức riêng mà cứ chấp nhận cảm theo số đông.


Có vậy mới thấy một góc khác của Huế, để dùng dằng đi, nhớ…


Thủy Ngân