07:07, 15/07/2017

Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến: Duyên nợ với tranh khắc gỗ

Học chuyên ngành sơn dầu, nhưng họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến lại thành danh với tranh khắc gỗ. Những bức tranh khắc gỗ in trên giấy, trên lụa của ông mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, để lại cho người xem nhiều xúc cảm…

Học chuyên ngành sơn dầu, nhưng họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến lại thành danh với tranh khắc gỗ. Những bức tranh khắc gỗ in trên giấy, trên lụa của ông mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, để lại cho người xem nhiều xúc cảm…

 

Đến thăm căn nhà 5B Lê Thành Phương, Nha Trang của họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến vào chiều muộn, tôi thấy người nghệ sĩ già vẫn miệt mài cầm đục tỷ mẩn đi những đường khắc trên ván. Hỏi chuyện, họa sĩ cho biết đang làm bức tranh Chợ tình để dự triển lãm mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên sắp tới. Dường như, với ông niềm đam mê với tranh khắc gỗ chưa bao giờ vơi cạn.


Họa sĩ Quang Tuyến sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng quê ông rất nghèo, việc học vẽ rất khó khăn. Tốt nghiệp phổ thông, ông khăn gói ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Học chuyên ngành sơn dầu, nhưng ông lại rất yêu thích đồ họa. “Trong trường người ta có dạy về tranh khắc gỗ nhưng không chuyên sâu. Vì thế, khi có thời gian rảnh, tôi lại lên làng tranh Đông Hồ để gặp các nghệ nhân, học hỏi về kỹ thuật làm tranh cũng như tư duy tạo hình của người xưa”, họa sĩ Quang Tuyến nhớ lại. Nhờ đó, đến khi tốt nghiệp ông có thể vẽ được sơn dầu, lụa, khắc gỗ. Định cư ở Khánh Hòa từ năm 1980, ông làm họa sĩ ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh. Nhưng chỉ được vài năm, ông xin nghỉ để chuyên tâm với nghiệp vẽ.  


Hơn 40 năm bén duyên với tranh khắc gỗ nhưng đến bây giờ, chất liệu này vẫn cuốn hút ông như thuở ban đầu. Cứ sau mỗi bức tranh, họa sĩ Quang Tuyến lại nghiền ngẫm để tìm đề tài cho tác phẩm tiếp theo với cách thức tạo hình, phối màu khác nhau. Ông thường dành tranh khắc gỗ để diễn tả những lễ hội, hoạt động sinh hoạt văn hóa. Lễ hội Katê rộn ràng với màn hòa tấu trống ginăng và kèn saranai, không gian lễ hội Tây Nguyên với mái nhà rông cao vút cùng tiếng chiêng vang vọng từ đại ngàn, lễ hội cầu ngư của xứ Trầm Hương… được ông tái hiện thật sinh động và tinh tế trên phiến gỗ mỏng. Ông còn dùng khắc gỗ để thể hiện những đêm hát ca trù, hội chèo ở sân đình hay những phiên chợ miền cao.

 
Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến đang làm bản khắc bức tranh Chợ tình

Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến đang làm bản khắc bức tranh Chợ tình

 

Dù từng vẽ nhiều thể loại như: sơn dầu, lụa, màu nước nhưng cứ nhắc đến họa sĩ Quang Tuyến, người yêu mỹ thuật nhớ ngay đến những bức tranh khắc gỗ. Cũng phải thôi, bởi những tác phẩm nổi tiếng của ông: Nghề truyền thống (giải B triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2002), Lễ hội Katê (giải B (không có giải A) triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2012), Những cô gái chùa Tháp, Mưa… đều là tranh khắc gỗ. Nhiều người nhận xét, tranh khắc gỗ của họa sĩ Quang Tuyến rất duyên dáng và đậm đà tình dân tộc. Các nhân vật trong tranh khắc gỗ của ông thường rất hồn nhiên vui tươi, tạo hình nhân vật và mảng miếng, màu sắc đậm tính dân tộc. “Tôi vẽ sơn dầu, lụa cũng ổn nhưng chỉ khi làm tranh khắc gỗ tôi mới thấy thỏa sức sáng tạo. Để có được một bức tranh đẹp, người làm tranh không chỉ vất vả trong việc làm bản khắc, mà còn tỉ mỉ trong việc in tranh. Tuy nhiên, chính sự vất vả đó đã đem lại cho tôi nhiều cảm hứng”, họa sĩ Quang Tuyến nói.


Sau một lúc chuyện trò, người họa sĩ già lại cặm cụi bên bản khắc. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những cô gái xòe ô che nắng, những chàng trai người Mông khum người múa khèn dần hiện lên một cách sinh động… Rời phòng tranh khi phố đã lên đèn, tôi tự nhủ sẽ sớm quay trở lại để được ngắm nhìn bức tranh Chợ tình của ông. Và tôi đã hiểu vì sao ông lại mê đắm với tranh khắc gỗ đến thế!


XUÂN THÀNH