05:07, 29/07/2017

Được mùa tiểu thuyết lịch sử

Thời gian gần đây, các nhà văn Việt Nam đã cho ra đời khá nhiều tiểu thuyết lịch sử. Không chỉ là những cây bút gạo cội, nhiều cây bút trẻ cũng mạnh dạn thử sức với tiểu thuyết lịch sử với nhiều bút pháp mới…

Thời gian gần đây, các nhà văn Việt Nam đã cho ra đời khá nhiều tiểu thuyết lịch sử. Không chỉ là những cây bút gạo cội, nhiều cây bút trẻ cũng mạnh dạn thử sức với tiểu thuyết lịch sử với nhiều bút pháp mới…


Tiểu thuyết lịch sử luôn đem lại nhiều hứng thú cũng như thách thức với người viết. Đây là thể loại khó nên trong văn học Việt Nam hiện đại chỉ có số ít nhà văn thành công với thể loại này như: Nguyễn Huy Tưởng (Đêm hội Long Trì, Lá cờ thêu sáu chữ vàng), Hà Ân (Trăng nước Chương Dương, Bên bờ Tức Mặc, Người Thăng Long), Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ), Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly)… Tuy nhiên, những năm gần đây, văn học trong nước có vẻ như đang “được mùa” tiểu thuyết lịch sử. Từ các bậc vua chúa, danh tướng cho đến danh sĩ, văn nhân… lần lượt trở thành đối tượng để các nhà văn khai thác. Đơn cử như nhà văn Nguyễn Thế Quang với 2 tác phẩm: Nguyễn Du, Thông reo ngàn hống (viết về Nguyễn Công Trứ), Phùng Văn Khai với tiểu thuyết Phùng vương (viết về Phùng Hưng). Đặc biệt, khoảng một năm trở lại đây, nhiều tiểu thuyết lịch sử ra đời với những góc nhìn đa dạng. Nhà văn Lưu Sơn Minh liên tiếp ra mắt 2 tiểu thuyết Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản. Khi viết Trần Khánh Dư, Lưu Sơn Minh đã xây dựng nên một võ tướng tài hoa nhưng ngang tàng, ngạo nghễ, cô độc. Trong khi đó, tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản là phiên bản phát triển từ truyện dài lịch sử cùng tên đã ra mắt 12 năm trước của tác giả. Hiện nay, nhà văn đang viết tiếp bộ tiểu thuyết lịch sử về trận huyết chiến Bạch Đằng Giang (3 tập).

 

Đầu năm 2017, nhà văn Vũ Thanh giới thiệu 2 bộ tiểu thuyết lịch sử: Én liệng Truông Mây và Nhất thống sơn hà (được xem như phần I và phần II của trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt). Én liệng Truông Mây viết về cuộc khởi nghĩa của chàng Lía và các nghĩa sĩ Truông Mây (tại huyện Hoài Ân - Bình Định) giai đoạn giữa thế kỷ XVIII. Nối tiếp theo, Nhất thống sơn hà, tác giả đã xây dựng bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của lực lượng khởi nghĩa Tây Sơn từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Trong đó, tác giả tập trung vào các chiến thắng: Rạch Gầm - Xoài Mút, trận Ngọc Hồi - Đống Đa, mối lương duyên giữa Quang Trung - Nguyễn Huệ với Ngọc Hân công chúa. Hiện nay, nhà văn Vũ Thanh đang viết tiếp bộ Gia Định tam hùng (phần III của Tây Sơn tam kiệt).

 
Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản được bạn đọc đánh giá cao.
Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản được bạn đọc đánh giá cao.

 

Mới đây, Thâm Giang Trần Gia Ninh (tên thật là Trần Xuân Hoài) ra mắt cuốn tiểu thuyết Kim Thiếp Vũ Môn, tác phẩm nói về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt Nam trong thăng trầm của lịch sử. Cũng mang cảm hứng lịch sử, Nhân gian nằm nghiêng của nhà văn trẻ Đặng Hằng là tác phẩm có nhiều nét mới trong nghệ thuật. Chọn lối viết xuyên không, Đặng Hằng đã có góc nhìn mới, táo bạo về các nhân vật lịch sử như: Trần Nhân Tông, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản... với đầy đủ tốt xấu đan xen trong mỗi con người. Nhiều độc giả đánh giá cao tiểu thuyết này bởi tác giả tuy trẻ tuổi nhưng vốn kiến thức văn hóa, lịch sử khá dày, thể hiện qua những đoạn miêu tả hội thề Đồng Cổ, hát ả đào, sinh hoạt chợ búa hay miêu tả về trang phục…


Điều thú vị, các tiểu thuyết lịch sử như: Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Nhân gian nằm nghiêng… được độc giả đón nhận, trong đó có nhiều độc giả trẻ.  Vì sao tiểu thuyết lịch sử “được mùa”? Có lẽ sự cởi mở của xã hội đã giúp các nhà văn bớt e dè hơn trong sáng tác, mạnh dạn hơn trong việc “giải thiêng” các nhân vật lịch sử. Trao đổi với người viết, nhà văn Lưu Sơn Minh cho biết muốn thông qua những cuốn sách của mình kể lại với bạn đọc trẻ về lịch sử của Tổ quốc theo một cách gần gũi, thân thương hơn. Nhà văn rất vui và bất ngờ khi nhiều bạn đọc trẻ tuổi cũng thích thú với các tác phẩm của mình. Điều đó cho thấy lớp trẻ vẫn quan tâm đến lịch sử theo cách của riêng họ.

 

THÀNH NGUYỄN

 



Một góc nhìn khác về người anh hùng trẻ tuổi

Với độc giả, hình tượng Trần Quốc Toản đã quen thuộc qua tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ: “Từ nhỏ tôi không thích cách nhìn nhận Trần Quốc Toản như một thiếu niên anh dũng và hồn nhiên xông vào chiến trận. Bởi theo tôi, Trần Quốc Toản phải là một dũng tướng lập được nhiều chiến công mới được lưu danh vào sử sách. Chính vì vậy, tôi đã xây dựng Trần Quốc Toản là một vị dũng tướng trẻ tuổi, mưu lược tham gia ba trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương)”. Trong tác phẩm, tác giả còn xây dựng lai lịch rõ ràng cho Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản (trong chính sử không ghi rõ xuất thân của Trần Quốc Toản); khai thác những trăn trở, dằn vặt, uẩn ức của vị vương hầu về thân thế, uẩn khúc của dòng họ.