08:06, 02/06/2017

Tra ơi!

Ở Nha Trang, cây tra được trồng ở đường biển, nhất là đoạn Viện Pasteur, đoạn chạy qua Hòn Chồng - Hòn Đỏ, trong công viên Yến Phi, công viên Yersin…
 

Ở Nha Trang, cây tra được trồng ở đường biển, nhất là đoạn Viện Pasteur, đoạn chạy qua Hòn Chồng - Hòn Đỏ, trong công viên Yến Phi, công viên Yersin…
 
Hàng tra trước Viện Pasteur Nha Trang. Ảnh: MINH KHANG
Hàng tra trước Viện Pasteur Nha Trang. Ảnh: MINH KHANG
Cây tra (tên khoa học là Coccoloba uvifera) khác nhiều so với cây bàng (Terminalia catappa) dù hai cây được chọn trồng bên biển. Cây bàng dáng cao, hiên ngang, tỏa bóng. Cây tra thâm thấp, cành cũng đâm thấp. Tra biết tỏa uốn làm duyên. Cây bàng lên nhanh trong khi cây tra 3 - 4 năm mới bắt đầu sức sống, cả chục năm mới đạt chiều cao 3 - 4m. Cây bàng thay lá, mùa xuân áo đỏ, mùa hạ áo xanh. Tra quanh năm xanh bóng, thỉnh thoảng một lá vàng khô lặng lẽ rời cành. Cây bàng gợi cho ta cảm thức về mùa, còn tra mang đến cho ta triết cảm vượt phôi pha. Yêu bàng thường là yêu mình, yêu tra là yêu những gì bên ngoài mình, yêu những gì vĩnh cửu, an nhiên. 
 
Tra khiêm cung mà ân cần. Cứ nhìn cây tra bên đường đoạn ngó sang Hòn Chồng thì biết. Bao lần ngang đó, không thể không ngừng xe, ngắm tra và ngắm Hòn Chồng xa xa. Đá trơ gan tuế nguyệt đã đành, tra vẫn một dáng mấy thuở. Từ hồi nảo hồi nào, tra vẫn cứ vậy, tán lá không lao xao, thân đứng nghiêng nghiêng mà không chao đảo. Đã có quá nhiều tay săn ảnh được tra đãi cho những tấm để đời. Để dự thi, tham gia liên hoan ảnh nghệ thuật, để đặt avatar, để bạn bè khen tặng, xuýt xoa… 
Cây tra gốc gác từ Trung Mỹ. Không biết nó được nhập cư Nha Trang và một số bờ biển Việt Nam chính thức tự bao giờ. Riêng với Nha Trang, có lẽ tra có từ lúc ông Năm Yersin khám phá ra Nha Trang trong đám lau lách bên bờ biển khơi chăng? Hình như tra đã theo chân người Pháp đến ngụ và trụ lại, làm nên vẻ đẹp độc đáo của Viện Pasteur Nha Trang. Bãi giữ xe của viện nằm giữa mấy gốc tra cổ thụ u nần. Và bao giờ cũng thế, từ đâu đó trong thân gốc cổ lỗ, mấy nhánh lá non vụt hiện ra như tươi cười với bạn. Bạn không thể không mỉm cười với nhánh tra non và bất giác ngước nhìn ra biển, nắng sáng đang dát trên mặt biển êm như một mặt hồ. Bạn sẽ tin rằng cuộc sống đang đi tới, không cớ gì ta chịu đứng lại bên lề!
 
Tra được dân gian gọi bằng một cái tên rất đúng và rất thơ: nho biển. Hoa tra hình chuỗi, trắng ngà, ngắt ba nhành hoa tra bạn sẽ có một bộ trang sức rất nền nã và sang trọng: hai cái hoa tai và một mặt dây chuyền. Thật độc đáo. Đến khi đậu trái, tra cũng cho trái chùm như nho. Trái tra khi chín da màu nâu tím gần gần như trái nho, bên trong đỏ nhạt, ngòn ngọt pha chút chan chát.
 
Lá tra hình phiến tròn, đủ dày để làm cái quạt tay, đủ rộng để thành cái quạt che đầu. Giấc mơ làm cô giáo thuở bé thơ với hai cái khăn lông cột hai sợi dây thun trên vai thành hai tà áo dài tha thướt không thể thiếu cái bóp đầm của má và cái lá tra làm quạt che đầu. Chả hiểu sao những thứ có vẻ không ăn nhập gì với nhau đó lại đi thành bộ. Với bà chị kế và trên chiếc xe đạp mi-ni những trưa trốn ngủ, đi học về ngắt chiếc lá tra đội đầu và phe phẩy gió. Hai cây số từ trường về nhà rôm rả bạn bè ngắn ơi là ngắn. 
 
Tuổi học trò thích ép xương lá vào trang sách vở. Cả chiếc lá thuộc bài để đỡ phải tụng bài. Tra không ép được, bởi lá tra dày. Có ai đã từng ngâm lá tra trong nước vo gạo để chất diệp lục tan rã, còn lại những gân lá liu khiu như một bài thơ muôn kiếp? Riêng tôi xin nhặt một lá vàng tra để lên trang sách, mãi mãi lá không chết, không bay…
 
Tra thành phố tôi và của lòng tôi!
 
CHẾ DIỄM TRÂM