08:06, 02/06/2017

Mùa ô ma chín

Hồi đó, khi cả nhà chuyển từ Hà Nội về Nha Trang, mẹ mua một căn nhà trong hẻm. Nhà nhỏ nhưng bù lại phía sau có một khu vườn sum suê cây trái: khế, mận, ổi, dừa... 

Hồi đó, khi cả nhà chuyển từ Hà Nội về Nha Trang, mẹ mua một căn nhà trong hẻm. Nhà nhỏ nhưng bù lại phía sau có một khu vườn sum suê cây trái: khế, mận, ổi, dừa... Đặc biệt, trong vườn còn có một cây lạ mà Út không biết tên. Lá cây xanh ngắt, rậm rạp, tỏa bóng râm mát rượi một góc vườn. Những chùm quả tròn có cái mỏ nhọn, lúc lỉu trên cành. Mẹ nói, đó là cây ô ma, hay còn gọi là cây lê ki ma. Cây này ngoài Bắc gọi là cây trứng gà, đợi trái chín, ăn ngon như trứng gà vậy. 
 
Minh họa: XUÂN ĐINH
Minh họa: XUÂN ĐINH
 
Đợi mãi rồi những trái ô ma cũng già. Đó là khi màu xanh nõn chuyển dần sang màu xanh lá cây đậm. Lác đác có những trái hườm, với chút màu vàng cam trên bề mặt vỏ. Bà nội làm một cây khoèo bằng tre dài, có gắn cái móc sắt để hái. Út đứng chờ, đón từng trái ô ma, đặt vào thau nước để ngâm cho ra bớt nhựa. Chừng nửa giờ sau, bà vớt ô ma ra rổ, để ráo nước rồi chuyển sang dú trong lu. 
Mấy ngày sau, ô ma đồng loạt chín. Trái nào trái nấy tròn vo, vàng ươm, thơm dìu dịu. Bà chọn những trái to nhất, ngon nhất, đặt lên bàn thờ. Sau đó, bà chia cho trẻ con trong nhà và trẻ con hàng xóm. Một phần nữa, bà đem đi biếu bà con trong hẻm, gọi là “chút quà cây nhà lá vườn”. Ai cũng vui vẻ xuýt xoa: “Ngon quá! Cảm ơn bà!”. 
 
 
Cầm trái ô ma bà nội đưa, Út bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài. Bên trong là lớp cơm ô ma màu cam mịn màng, hấp dẫn. Cắn một miếng, cơm ô ma như tan trong miệng, bở tơi như lòng đỏ trứng gà mà ngọt lừ. Ăn hết lớp cùi là cái hột tròn màu nâu nhạt như hột mít nhưng to hơn. Chưa đã thèm, Út ăn thêm 1, rồi 2, 3 trái. Cũng như Út, bọn trẻ con đứa nào cũng thích, thi nhau ăn đến no mà không ngán. 
 
Ăn chán chê mà vẫn còn bao nhiêu là quả chín, bà nội đem ra chợ bán. Trưa về, bà đưa tiền cho mẹ, miệng xuýt xoa: “Bà vừa bán rẻ vừa cho, nhưng không ngờ ô ma bán chạy đến thế”. Từ đó, mỗi năm, đến mùa ô ma chín, mẹ lại có thêm ít tiền đi chợ. 
 
Mấy năm sau, bà mất. Đến mùa ô ma chín, chẳng còn ai hái ô ma để dú. Vả lại, bây giờ có bao nhiêu thứ quả khác ngon hơn nên bọn trẻ con cũng không thèm ăn ô ma nữa. Ô ma chín rụng đầy một góc vườn. 
Một hôm, Út ngồi học bài bên ô cửa sổ nhìn ra vườn. Ô ma chín rụng lộp độp xuống đất, vỡ nát. Thấy tiếc, Út gập sách, xách khoèo đi hái ô ma. Út cũng bắt chước bà, đem ngâm nước rồi dú trong lu… 
 
Mấy hôm sau, đúng Chủ nhật, Út gánh 2 rổ ô ma ra chợ. Ô ma của Út chín đều, có những quả nứt toe, vàng ươm, trông rất hấp dẫn. Vậy mà, Út ngồi từ sáng đến trưa cũng chẳng ai ghé hàng của Út, dù chợ đông như thế. Út cũng mời, cũng chào mỏi miệng nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy. 
 
Trưa trật, Út buồn bã xếp những trái ô ma vào rổ, gánh về. Rồi, Út chọn những quả to nhất, ngon nhất, đặt lên bàn thờ bà nội. Út thắp nén hương vái bà, miệng lầm rầm khấn: “Nội ơi, bây giờ không còn ai ăn ô ma nữa… Nội à!”. 
 
Phương Nga