01:06, 14/06/2017

Góc nhìn mới của Ái Duy

"Thương nhau hai tiếng cố nhân" (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2017) là cuốn sách mới của nhà văn Ái Duy, trong đó bao gồm 9 truyện ngắn và 20 tản văn được tác giả sáng tác trong vài năm gần đây.

“Thương nhau hai tiếng cố nhân” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2017) là cuốn sách mới của nhà văn Ái Duy, trong đó bao gồm 9 truyện ngắn và 20 tản văn được tác giả sáng tác trong vài năm gần đây.


Cũng giống nhiều truyện ngắn được xuất bản trong các cuốn sách trước như: “Những đóa hồng bị bỏ quên” (Hội Văn nghệ Nha Trang - 1989), “Không buồn” (Nhà xuất bản Hà Nội - 2004), “Mảnh vỡ” (Nhà xuất bản Hà Nội - 2013), 9 truyện ngắn được in lần này của Ái Duy phần lớn đều viết về đề tài tình yêu với bút pháp khá nhẹ nhàng, tiếp tục thể hiện sự tinh tế của tác giả ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, ngoài truyện ngắn, cuốn sách mới xuất bản đã chứng tỏ nhà văn nữ này khá thành công khi chuyển ngòi bút sang thể loại tản văn.

 

20 tản văn được chọn in trong “Thương nhau hai tiếng cố nhân” là 20 bức tranh đầy chất hiện thực của cuộc sống đã và đang diễn ra được thông qua cách cảm, cách nghĩ khá riêng của nhà văn. Đọc các tản văn ấy, ta sẽ bắt gặp những nét độc đáo, thơ mộng của nhiều vùng đất dọc theo chiều dài Tổ quốc. Đó là một Sapa tuyệt vời trong tản văn “Còn thương Sapa” - “nơi mà ta có thể ngửa lòng bàn tay để đón từng vốc mây trời trôi lãng đãng, một nơi mà chỉ cần lơ là cúi xuống khuấy ly cà phê thì cũng đã không kịp ngẩng lên chứng kiến sự biến đổi kỳ diệu của cảnh quan chợt mịt mùng sương khói, chợt trong trẻo, rỡ ràng…”. Đó là hình ảnh của một Nha Trang xưa, cách đây hơn nửa thế kỷ trong tản văn “Góc phố trong ai” với những động cát trùng điệp, loang loáng, mênh mông; là hình ảnh của rừng mai Phước Hải trong “Giữa muôn hồng nghìn tía” - nơi mà “mai vàng ngập tràn chan chứa một vùng” và khi Tết đến, “những đứa trẻ theo thông lệ lại túa vào rừng như đi trẩy hội mùa xuân, tha hồ chặt, bẻ, mang về…”.


Ngoài đề tài vừa nêu, số tản văn còn lại trong cuốn sách phần lớn đề cập đến những kỷ niệm có liên quan đến cuộc sống mà tác giả đã trải qua hay những sự việc diễn ra chung quanh tác giả. Đó là chuyện kể về “bầy con gái không già” vốn là bạn học cũ luôn tìm cách gặp nhau để ôn lại bao chuyện của một thời áo trắng trong tản văn “Bạn gái”; là những kỷ niệm về một gia đình “có đến ba bà già Huế” trong “Nhà có hai bà”; là cảm xúc đầy niềm vui của tác giả khi mỗi sáng đến với biển, để biển mơn man, thanh lọc trong “Tựa lưng vào biển”; là những trang ký ức êm đềm của thời thơ ấu trong “Áo mới”… Không khai thác những nội dung mang tính thời sự mà thường tập trung vào những mảnh, những khoảnh khắc nhỏ của cuộc sống chung quanh; không bình luận nhiều và cũng không gửi gắm những triết lý sâu xa; và dù trong tản văn của Ái Duy đôi lúc có nước mắt rơi, có sự hài hước… song tất cả đều mang lại cho người đọc sự quý trọng, yêu thương nhau.

 

 

Tản văn của Ái Duy hầu hết đều phản ánh hiện thực theo lối tường thuật khá mộc mạc, dân dã. Tuy nhiên, cách kể trong từng tác phẩm luôn được sử dụng lối viết nhẹ nhàng, mượt mà, chứa đầy những cảm xúc bâng khuâng, mênh mang, thậm chí nhiều chỗ khá ám ảnh, giàu chất thơ. Chẳng hạn như đoạn văn sau đây được trích từ tản văn “Thương nhau hai tiếng cố nhân” thể hiện rất rõ điều này: “Có bao nhiêu người đã và sẽ đi qua đời ta là cũng có bấy nhiêu người đã và sẽ trở thành người cũ của ta. Luôn có nước mắt bên cạnh nụ cười. Biết ơn những vết thương lòng khiến ta tan nát để rồi trở nên cứng cáp hơn xưa. Biết ơn những khoảnh khắc thăng hoa đã nâng ta khỏi mặt đất hỗn loạn dù trong chốc lát. Biết ơn người đã rời xa ta, để ta hiểu rằng cuộc sống luôn diệu kỳ, không có cái gì là không thay thế được…”.


Đọc sách “Thương nhau hai tiếng cố nhân”, không khó để nhận ra rằng, ngoài truyện ngắn, truyện dài, bút ký, nhà văn Ái Duy còn khá điêu luyện ở thể loại tản văn. Mỗi tản văn của chị tựa như một bài thơ văn xuôi, có cấu tứ chặt chẽ, luôn tạo sự lôi cuốn người đọc.


Hoàng Anh