10:12, 16/12/2016

Ngày Toàn quốc kháng chiến - những dấu tích lịch sử trên tem

Cách mạng tháng Tám thành công lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945. Toàn dân ta phấn khởi, ra sức xây dựng đất nước độc lập tự do…

Cách mạng tháng Tám thành công lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945. Toàn dân ta phấn khởi, ra sức xây dựng đất nước độc lập tự do… Chẳng được bao lâu, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội ra tối hậu thư đòi Chính phủ ta hạ vũ khí, trao cho Pháp quyền kiểm soát thủ đô…, nếu không sau 24 tiếng - ngày 20-12-1946 “quân Pháp sẽ hành động…”.


Trước tình thế đất nước ngàn cân treo sợi tóc, Chính phủ và Hồ Chủ tịch quyết định phải tiến hành kháng chiến toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, pháo đài ta ở Láng (Hà Nội) nổ súng bắn vào doanh trại, đồn trú của quân Pháp. Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Toàn quân, dân Trung Nam Bắc phải nhất tề xông tới mặt trận cứu nước”. Sáng 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến trên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước và quốc tế - như lời hịch của non sông giục giã mọi người Việt Nam đứng dậy cứu nước. Trong lời kêu gọi của Người có câu nói: “Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu làm nô lệ”.

 

 Mẫu tem Hà Nội vùng đứng lên
Mẫu tem Hà Nội vùng đứng lên


Lời kêu gọi bất hủ ấy còn mãi mãi với lịch sử, được ghi lại trên nhiều mẫu tem phát hành vào các dịp kỷ niệm 25 năm, 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.


Cũng trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Bác Hồ đã viết thư gửi các chiến sĩ Cảm tử quân cùng các chiến sĩ Trung đoàn bảo vệ thủ đô: “Các em là đội Cảm tử. Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh… Các em hăng hái tiến lên, toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em…”. Lời kêu gọi của Bác Hồ được các chiến sĩ, toàn quân dân thủ đô xây dựng trận địa bằng tủ, bàn ghế, đồ đạc lớn… ngăn chặn địch trên khắp các đường phố, cửa ngõ Hà Nội.

 

Trang tem và bì thư kỷ niệm về ngày 19-12-1946
Trang tem và bì thư kỷ niệm về ngày 19-12-1946


Những hình ảnh đẹp về lòng quả cảm, về dũng khí tiến công của Cảm tử quân được tái hiện trên các mẫu tem kỷ niệm 15 năm giải phóng thủ đô (10-10-1969) do họa sĩ Phạm Ngọ thiết kế với hình ảnh Cảm tử quân ôm bom ba càng xông lên trong lửa đạn. Một mẫu tem khác phát hành ngày 19-12-1971 - kỷ niệm 25 năm ngày Toàn quốc kháng chiến - do họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ và Đặng Quang Lạc thiết kế mang hình ảnh chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô với mũ ca-lô vải xanh, áo trấn thủ và chiếc khăn đỏ quàng cổ biểu tượng của chiến sĩ Cảm tử trên đường phố thủ đô rực lửa, trên tem còn có khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.


Ngoài ra còn có các mẫu tem phát hành kỷ niệm 15 năm, 40 năm và 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, các họa sĩ đã thể hiện hình ảnh các nam nữ chiến sĩ tự vệ, quân dân thủ đô, các lực lượng vũ trang xông lên với tinh thần và vũ khí “ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm… cuốc thuổng gậy gộc ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước…” trên các trận địa quyết liệt ở Bắc bộ phủ, nhà bưu điện, chợ Đồng Xuân…


Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến - 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã 70 năm. 70 năm qua, Bưu điện Việt Nam đã phát hành hơn chục bộ tem với 12 mẫu, trong đó có 7 mẫu tiêu biểu của cuộc chiến đấu mở đầu của dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược là dấu tích lịch sử, là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.


PHẠM KHÁNH HỒNG