12:11, 19/11/2016

Người nghệ sĩ tài hoa

Nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Anh - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Khánh Hòa, những người yêu nhạc xứ Trầm hương không hề xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ông từng là nghệ sĩ rất tài hoa, có thể biểu diễn, chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên.

Nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Anh - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Khánh Hòa, những người yêu nhạc xứ Trầm hương không hề xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ông từng là nghệ sĩ rất tài hoa, có thể biểu diễn, chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên.


Nhạc sĩ Ngọc Anh (sinh năm 1951) lớn lên ở Hải Phòng, nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Tốt nghiệp Khoa biểu diễn nhạc cụ truyền thống Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng, ông được phân công về Đoàn Ca múa nhân dân Khu V. Năm 1972, Đoàn Ca múa nhân dân Khu V vào chiến trường miền Nam, ông công tác tại Khu ủy Khu V. Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt đó, người nghệ sĩ sinh trưởng ở miền Bắc đã có dịp đi qua nhiều vùng đất dọc dài đường Trường Sơn, khám phá văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Không ít lần, trái tim người nghệ sĩ trẻ rung động khi vẳng nghe tiếng hát của các cô sơn nữ, tiếng cồng chiêng ngân nga giữa núi rừng bạt ngàn nắng gió. “Trong hành trình đi biểu diễn phục vụ người lính trên dải Trường Sơn, tôi đã bị tiếng cồng chiêng trong lễ bỏ mả và tiếng đàn T’rưng thu hút... Vậy là tôi bỏ công tìm hiểu, tập chơi nhạc cụ của các dân tộc ở Tây Nguyên”, nhạc sĩ Ngọc Anh kể.  

 


Sau năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Anh về công tác ở Đoàn Dân ca Phú Khánh. Sống ở miền biển, nhưng niềm đam mê âm nhạc Tây Nguyên vẫn không vơi trong ông. Có dịp được gặp NSƯT Thảo Giang - nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống xuất sắc của Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai), nghệ sĩ Ngọc Anh đã tìm hiểu sâu về âm nhạc Tây Nguyên. Một thời gian sau, ông có thể biểu diễn nhiều loại nhạc cụ của Tây Nguyên như: đàn T’rưng, K’Long put, Đinh bá, Chapi, goong, cồng chiêng... Khi đàn đá Khánh Sơn được tìm thấy, nhạc sĩ Ngọc Anh đã được NSND Đỗ Lộc truyền dạy cách chơi đàn đá. Với khả năng diễn tấu điệu nghệ, ông đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Năm 2000, ông cùng các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sang biểu diễn giao lưu tại Nhật Bản. Trong chuyến lưu diễn đó, ngón đàn goong điêu luyện của người nghệ sĩ xứ Trầm Hương đã chinh phục khán giả xứ sở hoa anh đào.


Say mê nhạc cụ truyền thống, nhạc sĩ Ngọc Anh đã tìm hiểu cách chế tác nhiều loại nhạc cụ tre nứa của đồng bào Tây Nguyên, cũng như tìm cách cải tiến các nhạc cụ để nâng cao khả năng trình tấu. Trong quá trình biểu diễn, nhạc sĩ nhận ra cây đàn goong truyền thống còn có những hạn chế về âm thanh nên đã cải tiến đàn goong từ 7 dây thành 14 dây để người nghệ sĩ có thể phô diễn được ngón đàn điêu luyện, nói hết tâm tình của mình. Ngoài ra, ông còn cải tiến đàn đá có nốt thăng, nốt giáng, có thể chơi được các bài giọng trưởng, giọng thứ. Với khả năng sáng tác và diễn tấu điêu luyện, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện chương trình “Vũ điệu trên những ngón tay” giới thiệu 12 tác phẩm của nhạc sĩ Ngọc Anh, trong đó có 6 tác phẩm viết cho nhạc cụ do chính ông biểu diễn. Nhạc sĩ Ngọc Anh cho biết: “Nhạc cụ nào cũng khó, muốn chơi hết mình thì càng khó. Tiếng chiêng, tiếng cồng có cái hồn trong đó, mình không thể biểu diễn hay được nếu không say mê âm điệu, giai điệu của đồng bào Tây Nguyên... Đàn đá cũng vậy, ai đánh cũng kêu nhưng muốn biểu diễn đàn đá để thu hút mọi người thì phải biểu diễn bằng tâm hồn, bằng con tim mình. Không thể để âm thanh đàn đá vang lên như một làn gió mà phải ào ạt, phải như con suối, dòng sông”.  


Đam mê âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Ngọc Anh đã sáng tác khá nhiều bản nhạc dành cho đàn goong, mã la, đàn đá, trong đó có tác phẩm Đàn goong và những vũ điệu từng đoạt huy chương vàng tại Liên hoan gặp gỡ Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Ngọc Anh còn sáng tác khá nhiều ca khúc về tình yêu quê hương đất nước, nổi bật là các ca khúc: Người Raglai ơn Đảng, Lá phong ba - lời độc thoại (giải xuất sắc và giải ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Kể từ khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Ngọc Anh dành toàn bộ thời gian của mình cho âm nhạc. Ngoài sáng tác, ông còn thực hiện các công trình nghiên cứu âm nhạc như: Sưu tầm dân ca Raglai tỉnh Khánh Hòa; khai thác những yếu tố âm nhạc trên các nhạc cụ như: tìm tính năng phức điệu của mã la, tìm thang âm trên cây đàn Chapi… Với nhạc sĩ Ngọc Anh, âm nhạc truyền thống đã ăn vào máu, thế nên dù sáng tác, biểu diễn hay nghiên cứu, ông đều  hướng về âm nhạc dân gian Việt Nam để “giữ hồn” dân tộc.


XUÂN THÀNH