05:10, 19/10/2016

Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa: Mới dừng ở số lượng

Qua 8 lần tổ chức, cuộc thi Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa đã có sự phát triển về quy mô, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác mỹ thuật của thiếu nhi trong tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt số lượng tác phẩm chưa đem lại sự gia tăng về mặt chất lượng.

Qua 8 lần tổ chức, cuộc thi Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa đã có sự phát triển về quy mô, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác mỹ thuật của thiếu nhi trong tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt số lượng tác phẩm chưa đem lại sự gia tăng về mặt chất lượng.


Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, cuộc thi chỉ nhận được 13.513 tác phẩm từ 162 đơn vị, đến lần thứ 8 năm 2016, cuộc thi đã thu hút 424 đơn vị (trường học, nhà thiếu nhi, trung tâm bảo trợ xã hội) tham gia với  52.377 tác phẩm (tăng hơn 2.600 tác phẩm so với năm 2015). Trong đó, Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh, Cam Lâm là những địa phương có phong trào phát triển mạnh, số lượng tranh vượt trội so với những địa phương còn lại.

 

Học sinh xem triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật Khánh Hòa 2016
Học sinh xem triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật Khánh Hòa 2016


Bên cạnh sự phát triển về quy mô, chất lượng tác phẩm cũng tăng lên. Cùng với TP. Nha Trang, các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh... đã có sự đầu tư về tranh dự giải. Nhờ đó, khoảng cách về chất lượng tranh của thiếu nhi ở khu vực thành thị và nông thôn, miền núi đã được thu hẹp đáng kể. Với số lượng tranh ngày càng lớn, từ năm 2015, Ban tổ chức đã tăng số lượng giải thưởng từ 225 giải lên 375 giải (mỗi lứa tuổi mầm non, tiểu học và THCS có 25 giải vàng, 25 giải bạc, 25 giải đồng và 50 giải khuyến khích).  


Ban tổ chức đã chọn 225 tác phẩm đạt giải vàng, bạc, đồng ở 3 lứa tuổi để triển lãm tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Những ngày qua, triển lãm đã thu hút sự quan tâm của học sinh yêu thích mỹ thuật. Nhiều phụ huynh đưa con đến Nhà Thiếu nhi sinh hoạt cũng tranh thủ xem tranh. Triển lãm cho thấy tranh của các em rất đa dạng về chất liệu (bột màu, acrylic, màu sáp) và đề tài (phong cảnh quê hương, sinh hoạt đời thường, thế giới động vật, học tập...). Trong đó, nhiều em đã biết lồng ghép vào trong tranh tình cảm với các chú bộ đội ở Trường Sa, những thông điệp về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, tình yêu với quê hương Khánh Hòa cũng như tình cảm với người thân trong gia đình. Ở lứa tuổi mẫu giáo, có thể kể đến các tác phẩm như: Tặng hoa cho mẹ của Trương Hồ Minh An - Nhà Thiếu nhi tỉnh; Bé chăn bò sữa - Nguyễn Hoàng Vy Linh (Trường Mầm non Vĩnh Thái, Nha Trang). Lứa tuổi tiểu học có các tác phẩm: Múa lân - Vũ Trường An (Trường Tiểu học Cam Nghĩa 1, Cam Ranh); Vụ mùa bội thu - Ngô Thanh Hà (lớp 2A Trung tâm Bảo trợ xã hội Ninh Hòa). Lứa tuổi THCS có các tác phẩm: Trung thu quê em - Nguyễn Ngọc Hồng Hân (lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Nha Trang); Trò chơi dân gian - Bùi Lâm Phương Nhi (lớp 7/2 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Cam Ranh)… So với những năm trước, năm nay chủ đề văn hóa truyền thống (Trung thu, múa lân, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian, lễ hội) có nhiều tác phẩm đẹp. Theo đánh giá của Ban tổ chức, tranh của lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học chất lượng tốt hơn so với tranh của lứa tuổi THCS.


Tuy có sự phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng của Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa trong những năm qua không có nhiều đột phá. Họa sĩ Lê Duy (thành viên Ban giám khảo) nói: “Tình trạng giáo viên can thiệp vào tranh khá phổ biến. Nhiều tác phẩm lộ rõ bàn tay sắp đặt của người lớn trong bố cục, tạo hình, tô màu làm mất đi nét hồn nhiên của tuổi thơ. Điều này dẫn đến nhiều tác phẩm na ná nhau, rất ít tác phẩm có nét riêng… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc thi”.  Họa sĩ Lê Duy lưu ý, các trường và các giáo viên hướng dẫn mỹ thuật không nên gò ép về đề tài mà nên để các em vẽ đúng suy nghĩ của mình, ở lứa tuổi mẫu giáo mà cứ ép các em vẽ về Trường Sa, an toàn giao thông… thì quá già dặn.


Trước tình trạng này, các họa sĩ cho rằng, Ban tổ chức cần thay đổi cách thức tổ chức cuộc thi. “Theo tôi, thay vì nhận tranh đã hoàn thành, Ban tổ chức nên tổ chức cho các em thi vẽ trực tiếp (có thể tổ chức thi theo cụm) để tuyển chọn được những tác phẩm chân thực, phản ánh tâm hồn và năng khiếu thẩm mỹ của các em”, họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật đề xuất.


XUÂN THÀNH