10:01, 10/01/2016

Sẽ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách

Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là đề án số hóa truyền hình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 31-12-2016, các tỉnh thuộc nhóm 2 (trong đó có Khánh Hòa) sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự.

Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là đề án số hóa truyền hình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 31-12-2016, các tỉnh thuộc nhóm 2 (trong đó có Khánh Hòa) sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Hòa - Giám đốc Sở TT-TT về vấn đề này.


- Thưa ông, Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng dến đâu? Việc xây dựng và triển khai đề án có những khó khăn gì?


- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT-TT đã chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh xây dựng “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Ngày 12-8-2015, Ban chỉ đạo Đề án số của tỉnh đã họp phiên thứ nhất để đóng góp ý kiến cho dự thảo của đề án. Vừa qua, Sở TT-TT phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức chuyến đi học tập kinh nghiệm về việc tổ chức triển khai Đề án tại TP. Đà Nẵng. Hiện nay, sở và đài đang phối hợp hoàn chỉnh Đề án để trình Ban chỉ đạo của tỉnh trong thời gian sớm nhất.

 

Khi thực hiện đề án số hóa truyền hình,  Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chỉ đảm nhận vai trò sản xuất chương trình
Khi thực hiện đề án số hóa truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chỉ đảm nhận vai trò sản xuất chương trình


Việc Đà Nẵng thành công với đề án số hóa truyền hình đã tạo điều kiện cho các địa phương nhóm 2 học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những đặc thù riêng, trong khi thời gian qua, sự hướng dẫn, tập huấn của Trung ương quá ít nên việc triển khai khá khó khăn. Cụ thể: Việc chuyển đổi từ phát sóng truyền hình tương tự sang phát sóng truyền hình số là một quá trình phức tạp, có tác động xã hội rất lớn, liên quan đến hàng ngàn hộ dân đang dùng truyền hình tại địa phương. Do vậy, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ ích lợi và ủng hộ khi chuyển qua truyền hình công nghệ số. Tuy nhiên, thời gian qua, thông tin tuyên truyền từ Trung ương chưa đủ mạnh và cũng chưa có đầy đủ những tài liệu hướng dẫn chính thống để hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện công tác này.  

Địa bàn Khánh Hòa có nhiều khu vực ở vùng cao, khi phát sóng truyền hình số mặt đất chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều vùng “lõm” tín hiệu truyền hình số, nhưng đến nay công tác tổ chức khảo sát, đánh giá vẫn chưa được triển khai. Điều này liên quan đến việc tổ chức lại các trạm phát lại, nghiên cứu chỗ nào phải lắp đặt thêm trạm phát lại hoặc chảo thu vệ tinh cho phù hợp để đảm bảo người dân vẫn thu được tín hiệu truyền hình số sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự.


- Trước đây, tại cuộc họp về đề án số hóa truyền hình của tỉnh, ông có cho biết “chưa có doanh nghiệp (DN) nào đặt vấn đề triển khai cơ sở hạ tầng để thực hiện đề án số hóa truyền hình”. Vậy đến nay đã có DN nào tham gia chưa, hướng đề xuất của sở như thế nào?


- Hiện nay, ở khu vực miền Trung vẫn chưa có DN nào đăng ký với Bộ TT-TT về việc cung cấp hạ tầng truyền dẫn. Bên lề một cuộc họp tại Hà Nội, khi tôi đặt vấn đề này thì cán bộ Bộ TT-TT cho biết nên thuê truyền dẫn 1 trong 3 đơn vị: VTV hoặc VTC hoặc An Viên (hiện nay Mobifone đã mua lại An Viên). Về vấn đề thuê hạ tầng truyền dẫn của đơn vị nào, Sở TT-TT và Đài PT-TH tỉnh sẽ phối hợp tìm hiểu, đánh giá năng lực của các đơn vị cung cấp truyền dẫn và trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh.


- Một số tỉnh thuộc nhóm I khi triển khai Đề án số hóa truyền hình đã hỗ trợ người dân tiền mua đầu thu. Vậy khi xây dựng đề án này, Khánh Hòa có sự hỗ trợ cho người dân như thế nào?


- Hiện nay, trong 5 địa phương nhóm I mới có TP. Đà Nẵng hoàn thành việc chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự và phát sóng truyền hình số. 4 địa phương còn lại (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ) phải lùi thời gian phát sóng truyền hình số đến tháng 6-2016.

 

Đối với Đà Nẵng, các hộ thuộc quy định chuẩn nghèo của Trung ương được Bộ TT-TT hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số (đối với các gia đình có ti vi) từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Khi triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định chính xác số hộ thuộc diện được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số để báo cáo với Bộ TT-TT.


Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, xem xét các đối tượng hộ cận nghèo, gia đình chính sách… tùy theo điều kiện ngân sách để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số.


- Sở TT-TT đã thực hiện những gì để đẩy mạnh việc tuyên truyền Đề án số hóa truyền hình?


- Thời gian qua, Sở TT-TT đã hướng dẫn nội dung tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất cho Báo Khánh Hòa, Đài PT-TH tỉnh, Đài Phát thanh - Phát hình cấp huyện. Trong thời gian đến, Sở tiếp tục phối hợp với Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình mặt đất trên sóng KTV vào thời gian thích hợp giúp người dân trên địa bàn tỉnh có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết, hữu ích để đồng lòng cùng với tỉnh thực hiện thành công đề án.


Ngoài ra, chúng tôi cũng tranh thủ sự hỗ trợ những thông tin tài liệu tuyên truyền từ Ban chỉ đạo Trung ương về Đề án số hóa truyền hình thực hiện tuyên truyền lại qua kênh phát sóng của Đài PT-TH tỉnh, Đài Phát thanh - Phát hình cấp huyện, hệ thống Đài Truyền thanh không dây cấp xã và Báo Khánh Hòa.


- Xin cảm ơn ông!


X.T (Thực hiện)