10:06, 12/06/2016

Mang tiếng hát đến đảo xa

Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong chuyến công tác ra Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa qua không thể không kể đến những đóng góp của Đội Văn nghệ xung kích Sở Văn hóa - Thể thao.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong chuyến công tác ra Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa qua không thể không kể đến những đóng góp của Đội Văn nghệ xung kích Sở Văn hóa - Thể thao. Đội đã tích cực biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân Trường Sa và nhà giàn bằng tình cảm chân thành nhất.


Đến với Trường Sa, mỗi thành viên Đội Văn nghệ xung kích đều cảm nhận được vinh dự lớn lao của mình. Ông Bùi Duy Thanh - Đội trưởng Đội Văn nghệ xung kích chia sẻ: “Các thành viên trong đội có người đã ra Trường Sa biểu diễn 2 - 3 lần, có người mới đi lần đầu, nhưng ai cũng háo hức chuẩn bị, tập luyện với mong muốn mang lời ca, tiếng hát phục vụ quân và dân Trường Sa cũng như nhà giàn DK1. Thật ấn tượng, bởi ở những đảo nổi, đảo chìm chúng tôi đến, dù bên công sự, trước thềm nhà, trên sàn xi-măng nhỏ sát biển, các thành viên đội văn nghệ, bằng tình cảm của mình, đều biểu diễn hết mình”.

 

Một tiết mục giao lưu văn nghệ trên đảo Phan Vinh B
Một tiết mục giao lưu văn nghệ trên đảo Phan Vinh B


Hôm đoàn công tác đến thăm đảo Trường Sa Đông, diễn viên Bùi Lê Thanh Vy đã bật khóc nức nở sau khi hát bài Tiếng hát nơi đảo xa. Trong câu hát của chị, tôi nghe: “Em đến thăm anh giữa trùng khơi mênh mông/Em đến thăm anh nơi hải đảo xa xôi/…/Nghe em hát lòng anh vơi đi nỗi nhớ/Nỗi nhớ người lính đảo xa nhà/…/Khi tàu em xa khuất chân trời tím/Anh ngồi đây canh giữ biển trời/Và anh vẫn hát, vẫn hát cùng em/Khúc hát biển quê hương”. Chị tâm sự: “Hát bên cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong gió là một cảm giác thật đặc biệt và khó diễn tả. Càng xúc động hơn khi nghĩ đến cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, không quản ngại gian nan, khó khăn, thậm chí chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng lời ca, tiếng hát, chúng tôi muốn mang tình cảm từ tận đáy lòng mình gửi đến các anh”. Còn nhớ, hôm mới lên tàu, chị Thanh Vy vẫn chưa quen với sóng gió, sức khỏe không tốt, phải nhờ các bác sĩ trên tàu 561 chăm sóc, vậy mà khi đặt chân lên các đảo: Đá Lớn, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông… chị vẫn cháy hết mình khi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại những nơi đến thăm.


Diễn viên Mai Duy Hòa bộc bạch: “Dù đã từng đến Trường Sa biểu diễn, nhưng lần này, tôi vẫn tập luyện rất nhiều những bài hát về Trường Sa, về tình cảm đất liền với Trường Sa… Được hát dưới hàng cây bàng vuông, cây phong ba, trong tiếng sóng biển rì rào, trong tình cảm đầm ấm giữa đất liền và hải đảo, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng trào dâng niềm xúc động, chỉ biết gửi tình cảm vào trong lời ca, tiếng hát để tặng quân và dân Trường Sa, nhà giàn DK1”. Đáp lại tình cảm đặc biệt ấy, khi Mai Duy Hòa cất vang lời hát: “Bay qua Biển Đông/Mênh mông trùng khơi/Gửi miền biên cương xa xôi những ân tình…”, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, điểm đảo, nhà giàn đã hòa ca cùng anh.


Các thành viên khác của Đội Văn nghệ xung kích Sở Văn hóa - Thể thao như: Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Thu Thảo, K’Dung, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh… cũng đã gửi gắm niềm tin yêu, cảm phục đến cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa qua lời ca của mình. Trong tiếng hát của họ, tôi nghe có tình cảm nồng ấm của đất liền gửi đến quân dân Trường Sa, nhà giàn DK1.


Chia sẻ với chúng tôi, các chiến sĩ trẻ tại các đảo chìm (Đá Lớn, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát) hay đảo nổi (Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa), nhà giàn Huyền Trân… đều có chung cảm xúc: “Các anh, chị văn công vừa hát hay, diễn xuất giỏi vừa gần gũi, thân thương. Đối với chiến sĩ, đây là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao, giúp chúng tôi thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”.


Không chỉ biểu diễn thành công tại những điểm đảo, nhà giàn, Đội Văn nghệ xung kích còn là nòng cốt khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ trên tàu 561 (tàu chở đoàn công tác của tỉnh ra thăm quân và dân Trường Sa, nhà giàn DK1). Mỗi buổi tối, sau bữa cơm chiều, tất cả thành viên trong đoàn lại tập trung trên boong tàu cùng hát, cùng chia sẻ những tâm tình, những sáng tác mới về biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước. Những buổi sinh hoạt tập thể đó đã xóa đi khoảng cách về cấp bậc, chức vụ, tuổi tác giữa các thành viên; mọi người gần gũi, đoàn kết, yêu thương nhau hơn.


HẢI LĂNG