10:08, 04/08/2017

Võ cổ truyền Khánh Hòa: Quân số ít nhưng "chất"

So với mặt bằng chung của cả nước, đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Khánh Hòa có quân số khá khiêm tốn nhưng luôn gặt hái được huy chương tại giải quốc gia. 

So với mặt bằng chung của cả nước, đội tuyển võ cổ truyền (VCT) tỉnh Khánh Hòa có quân số khá khiêm tốn nhưng luôn gặt hái được huy chương tại giải quốc gia. Tại giải Cúp vô địch VCT toàn quốc lần 6 tổ chức ở Bình Định (cuối tháng 7), đoàn VCT Khánh Hòa đã xuất sắc giành vị trí thứ 5 toàn đoàn trên tổng số 21 đoàn tham dự...


Tốp 5 đơn vị đứng đầu trên bảng xếp hạng toàn đoàn tại giải theo thứ tự gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Công an, Quân đội và Khánh Hòa. Riêng 2 đơn vị dẫn đầu thì khỏi phải bàn, bởi không chỉ môn VCT mà bất cứ môn thể thao nào ở 2 địa phương này cũng không thiếu vận động viên (VĐV) xuất sắc để cạnh tranh huy chương. Trong khi đó, Bình Định là cái nôi của môn VCT nước ta nên các đoàn khác cũng khó có thể cạnh tranh vị trí với họ.

 

Đối với đoàn VCT tỉnh, tuy xếp thứ 5 nhưng nếu xét về số huy chương vàng (HCV), đoàn cũng đoạt được 4 chiếc, bằng với 2 đơn vị mạnh là Quân đội, Công an và chỉ thua họ 1 - 2 huy chương bạc (HCB), huy chương đồng (HCĐ). Cụ thể, đoàn VCT Khánh Hòa ở giải này đạt được 13 huy chương các loại (4 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ) ở cả 2 nội dung thi đấu hội diễn và đối kháng. Ở nội dung hội diễn quyền, các VĐV VCT tỉnh vẫn tiếp tục cho thấy được phong độ ổn định khi giành được 3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ và được đánh giá là đủ sức, đủ tầm để cạnh tranh huy chương ở tất cả các giải đấu toàn quốc. Bởi lẽ, hầu như năm nào cũng vậy, các VĐV VCT hội diễn quyền cứ “ra sân” là mang về huy chương. Đặc biệt, tại kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7-2014, chính VCT hội diễn quyền đã đoạt được HCV hiếm hoi cho tỉnh. Đó thực sự là một bước tiến lớn khi biết rằng trước đây, VCT chỉ là môn thể thao phong trào của tỉnh. Sân chơi lớn nhất dành cho những người yêu thích môn võ này có chăng cũng chỉ là các giải VCT cấp tỉnh hay thi thoảng được đại diện cử đi tham dự các giải đấu cấp khu vực, miền. Mãi đến năm 2010, môn VCT mới được đưa vào Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, được chú trọng đầu tư thì VCT bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ cả về mặt phong trào lẫn thành tích cao.

 

Đoàn vận động viên võ cổ truyền đối kháng tỉnh. (ảnh do đội tuyển cung cấp)

Đoàn vận động viên võ cổ truyền đối kháng tỉnh

 

Tuy vậy, môn VCT tỉnh chỉ khá mạnh ở nội dung biểu diễn quyền, còn ở nội dung đối kháng, việc đạt được thành tích ở giải quốc gia khó khăn hơn nhiều khi lực lượng của chúng ta quá mỏng. Đó chính là lý do đoàn VCT tỉnh thua điểm các đoàn bạn ở giải Cúp vô địch toàn quốc năm nay vì quá ít quân. Ông Trần Hậu Thành - Huấn luyện viên đội VCT đối kháng cho biết, đội tuyển VCT tỉnh hiện có khoảng 25 VĐV nam, nữ ở cả 2 nội dung đối kháng, hội diễn, trong đó đội đối kháng 8 VĐV. Tuy nhiên, không phải 8 VĐV này đều tham gia các giải đấu trong hệ thống giải toàn quốc (mỗi năm 3 giải gồm: giải trẻ, giải cúp và giải vô địch), mà chia đều mỗi giải từ 4 đến 5 VĐV và theo kiểu xoay vòng. Chẳng hạn, ở giải Cúp vô địch toàn quốc tại Bình Định vừa qua, quân số đoàn VĐV Khánh Hòa chỉ bằng 1/3 so với các đoàn khác. Dẫu vậy, các thành viên đội VCT đối kháng tỉnh cũng đã chứng tỏ được trình độ của mình khi giành được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Trong đó, nổi bật là 2 VĐV Huỳnh Tấn Phát (đoạt HCV đối kháng nam hạng cân trên 90kg) và Nguyễn Thị Bích Thủy (đoạt HCB nữ hạng cân trên 75kg). Ngoài ra, VĐV Nguyễn Thành Khoách cũng có HCĐ hạng cân trên 85kg. “Đây đều là lứa VĐV đã đủ độ chín để có thể cạnh tranh huy chương ở các giải đấu toàn quốc, đặc biệt sẽ là lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho việc chinh phục HCV nội dung đối kháng trong kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần 8 sắp tới”, ông Thành nói.


AN NHIÊN