10:10, 11/10/2016

Đẩy mạnh xã hội hóa thể thao

Từ trước tới nay, đối với sự nghiệp thể thao, quan điểm của tỉnh là tập trung gây dựng thể thao quần chúng, thể thao học đường, đồng thời đảm bảo phát triển tốt thể thao thành tích cao. Bởi lẽ, cả 3 lĩnh vực đều có mối quan hệ tương hỗ để thể thao phát triển.

Từ trước tới nay, đối với sự nghiệp thể thao, quan điểm của tỉnh là tập trung gây dựng thể thao quần chúng, thể thao học đường, đồng thời đảm bảo phát triển tốt thể thao thành tích cao. Bởi lẽ, cả 3 lĩnh vực đều có mối quan hệ tương hỗ để thể thao phát triển. Nhưng thể thao muốn phát triển đòi hỏi hội tụ đầy đủ các yếu tố: nguồn lực, đầu tư vật chất, quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thông qua hình thức xã hội hóa thể thao.


Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, thể thao Khánh Hòa muốn phát triển không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí ngân sách cấp, mà cần có doanh nghiệp tham gia. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới có thể trả lương cho các cầu thủ chuyên nghiệp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí thưởng “nóng” hàng trăm triệu đồng cho vận động viên, đội tuyển đạt thành tích cao ở các đấu trường quốc gia, quốc tế. Không nói đâu xa, chỉ riêng thể thao phong trào quần chúng, nhờ có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, người dân Nha Trang, du khách được tập thể dục, rèn luyện sức khỏe từ những dụng cụ thể thao miễn phí ở các công viên.

 

Vận động viên bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa  tại một giải đấu quốc gia
Vận động viên bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa tại một giải đấu quốc gia


Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, giai đoạn từ 2011 - 2015, công tác xã hội hóa bước đầu đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đối với một số đội bóng đá (đội tham dự V-League, U21, U11), bóng chuyền (trong nhà, bãi biển). Các đội bóng ngoài được hưởng các khoản chế độ theo quy định hiện hành còn được nhận hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng, đặc biệt năm 2014 là 26 tỷ đồng và năm 2015 là 41 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, thông qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp, hầu hết các đội bóng đá như: Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam, futsal Sanna; bóng chuyền Sanest, trẻ Sanna; bóng chuyền bãi biển Sanna đều thi đấu thành công và đạt thứ hạng cao tại các giải đấu chuyên nghiệp, trẻ toàn quốc. Chẳng hạn, gần đây nhất đội bóng Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam nhận danh hiệu đội bóng phong cách tại V-League 2016; đội bóng chuyền trẻ Sanna Khánh Hòa giành chiếc cúp lần thứ 3 liên tiếp tại giải vô địch trẻ toàn quốc; đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa giành cúp Hùng Vương, cúp PV Đạm Cà Mau khi mùa giải 2016 chưa kết thúc.


Tuy nhiên, trong dự thảo phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, ngành Thể thao tỉnh chỉ đề cập tiếp tục duy trì nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp như trước, chưa có kế hoạch, định hướng cụ thể đẩy mạnh công tác xã hội hóa các môn thể thao khác. Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh về kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 mới đây, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ngành Thể thao tỉnh cần chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với sự nghiệp phát triển thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.


Thiết nghĩ, bên cạnh tiếp tục duy trì thường xuyên nguồn lực xã hội hóa 2 môn bóng đá, bóng chuyền như hiện nay, ngành Thể thao tỉnh cần có kế hoạch, định hướng thu hút, “giữ chân” doanh nghiệp đầu tư cho các môn thể thao khác.


AN NHIÊN