08:07, 09/07/2018

Khi World Cup trở thành… Euro

Nhìn vào 4 cái tên đội bóng ở vòng bán kết World Cup 2018, người ta có thể lầm tưởng đây là bán kết của Euro - giải vô địch bóng đá châu Âu. Bởi lẽ, không còn bóng dáng của đại diện của các châu lục khác, đặc biệt là các đội bóng Nam Mỹ. 
 

Nhìn vào 4 cái tên đội bóng ở vòng bán kết World Cup 2018, người ta có thể lầm tưởng đây là bán kết của Euro - giải vô địch bóng đá châu Âu. Bởi lẽ, không còn bóng dáng của đại diện của các châu lục khác, đặc biệt là các đội bóng Nam Mỹ. 
 
Ở vòng 1/8 World Cup 2018, châu Âu có 10 đội bóng, châu Á: 1 đội, Nam Mỹ: 5 đội. Trong đó, châu Á chỉ là sự bất ngờ đến từ Nhật Bản, còn những đội bóng có đủ thực lực tranh chấp ngôi vô địch World Cup 2018 chỉ đến từ châu Âu và Nam Mỹ. Tuy Nam Mỹ chỉ có 5 đội, so với 10 đội của châu Âu, nhưng họ vẫn được đánh giá rất cao thông qua thành tích trong quá khứ. 

 

Bán kết World Cup 2018 chỉ còn là sự “nội chiến” giữa các đội bóng châu Âu.
Bán kết World Cup 2018 chỉ còn là sự “nội chiến” giữa các đội bóng châu Âu.
 
5 đội đến từ Nam Mỹ gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Colombia và Mexico đã từng nắm trong tay 9 chức vô địch World Cup. Trong đó, Brazil đang thống trị thành tích World Cup với 5 chức vô địch, Argentina và Uruguay với 2 chức vô địch. Trong khi đó, 10 đội bóng châu Âu gồm: Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga, Croatia, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh, nhưng số chức vô địch World Cup lại chỉ là 3, chia đều cho 3 đội bóng: Pháp, Tây Ban Nha và Anh. 9 chức vô địch World Cup so với 3, đó là một con số vượt trội hết sức rõ ràng.
 
Nhưng trong 8 đội bóng vào tới tứ kết World Cup 2018, chỉ còn 2 đội bóng Nam Mỹ là Brazil và Uruguay, còn lại tới 6 đội bóng châu Âu là: Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Nga và Croatia. Và cho đến thời điểm hiện tại, 4 đội bóng bước vào vòng bán kết đều đến từ châu Âu là Pháp, Bỉ, Anh và Croatia. Thậm chí, trong đội hình tiêu biểu tứ kết World Cup 2018, cũng không có bất cứ cái tên nào khác ngoài những cầu thủ châu Âu. Điều đó khiến cho người ta có cảm giác đây là một bán kết Euro chứ không phải là bán kết một kỳ World Cup. Vậy điều gì đã giúp cho các đội bóng châu Âu “thống trị” World Cup một cách gần như tuyệt đối như vậy?
 
Đầu tiên, với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của các loại sơ đồ chiến thuật, bóng đá đã ngày một khoa học hơn, chặt chẽ hơn, đồng đội hơn. Với lối chơi này, các đội tuyển châu Âu thường không quá phụ thuộc vào cá nhân xuất sắc nào, trong khi các đội tuyển Nam Mỹ thường xuyên phụ thuộc vào một vài cá nhân nào đó. Chẳng hạn như Argentina phụ thuộc vào phong độ của Messi, Brazil phụ thuộc vào Neymar, Philippe Coutinho, Uruguay phụ thuộc vào Edinson Cavani, Luis Suarez… Chính vì sự phụ thuộc đó khiến cho lối chơi của các đội bóng Nam Mỹ dễ đoán, dễ phong tỏa, dễ khống chế. Còn ở phía ngược lại, lối đá của các đội bóng châu Âu khó đoán hơn nhiều. Cũng từ đó, lối đá mang đậm tính cá nhân, rườm rà hoa mỹ không cần thiết ngày càng không còn đất diễn. Có thể dễ dàng thấy, 2 lần vô địch World Cup của Uruguay là từ những năm 1930 và 1950, lần gần nhất Argentina vô địch World Cup từ năm 1986, và gần nhất cũng chỉ có Brazil năm 2002. Nhưng trong 5 kỳ World Cup gần đây nhất, có tới 4 lần các đội bóng châu Âu lên ngôi vô địch. Điều đó đã phản ánh được phong cách bóng đá hiện đại của châu Âu đã thắng thế.
 
Ngoài ra, có thể nhận thấy hầu hết các đội bóng châu Âu đều rất chú trọng phát triển những tài năng trẻ, và họ đang hưởng thành quả với hàng loạt ngôi sao trẻ trung đã là trụ cột ở các câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Trong khi đó, các đội bóng Nam Mỹ vừa có độ tuổi trung bình khá cao, vừa phải dựa vào những ngôi sao đã xấp xỉ tuổi 30 như: Lionel Messi, Luis Suarez, Marcelo… Chính tốc độ và sức mạnh là 2 thứ vũ khí lợi hại nhất để các đội bóng châu Âu hạ gục các đội bóng Nam Mỹ. Lối chơi rườm rà, hoa mỹ, quá chú trọng vào kỹ thuật cá nhân cùng tiểu xảo của các đội bóng Nam Mỹ, vừa khiến cho họ mất đi tốc độ tấn công, mất đi sự bất ngờ, đồng thời còn tốn thời gian chết vô ích. Trong các trận đấu mà những đội bóng Nam Mỹ bại trận, họ đều có thời gian khống chế bóng lẫn số đường chuyền vượt trội, nhưng đáng tiếc, để chiến thắng người ta cần những bàn thắng thực tế, và các đội bóng châu Âu lại có được điều này.
 
Một số đội bóng Nam Mỹ như: Brazil, Uruguay… cũng đang dần hướng theo con đường hiện đại, nhưng đáng tiếc vẫn còn khá nửa vời. Vẫn cần những sự đổi mới một cách triệt để hơn, để bóng đá Nam Mỹ lấy lại vị thế vốn có.
 
Trần Khánh