04:06, 18/06/2018

Công nghệ đã thay đổi bóng đá như thế nào?

Ngay từ trước khi World Cup 2018 diễn ra, nhiều người đã nói đây sẽ là một World Cup của công nghệ, bởi lần đầu tiên rất nhiều công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Và quả thực, đã có nhiều sự thay đổi đi kèm với những công nghệ ấy tại World Cup 2018.

Ngay từ trước khi World Cup 2018 diễn ra, nhiều người đã nói đây sẽ là một World Cup của công nghệ, bởi lần đầu tiên rất nhiều công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Và quả thực, đã có nhiều sự thay đổi đi kèm với những công nghệ ấy tại World Cup 2018.


Có 4 công nghệ đáng chú ý được áp dụng tại World Cup 2018, đó là: Goal-Line dùng để xác định bóng đã lăn qua vạch vôi khung thành hay chưa; Video Assistant Referees (VAR) dùng để hỗ trợ trọng tài trong những tình huống đưa ra những quyết định nhạy cảm; Electronic Performance & Tracking Systems dùng để hỗ trợ theo dõi về mặt y tế cho các cầu thủ trên sân; công nghệ Telstar 18 dùng cho quả bóng sử dụng chính thức tại World Cup 2018 của hãng Adidas. Trong đó, tạo nên ảnh hưởng lớn nhất cho bóng đá chính là công nghệ Goal-Line và VAR.

 

Trọng tài tham khảo tình huống trận đấu thông qua công nghệ VAR  ở một trận đấu tại World Cup 2018.

Trọng tài tham khảo tình huống trận đấu thông qua công nghệ VAR ở một trận đấu tại World Cup 2018.


Goal-Line đã được áp dụng lần đầu tại World Cup 2014 ở Brazil. Công nghệ này tương tự như công nghệ Hawk-Eye chuyên xác định bóng đã ngoài vạch hay chưa trong tennis, sử dụng thông tin từ 14 máy quay tốc độ cao, tín hiệu sẽ được gởi thẳng tới đồng hồ thông minh của trọng tài thông báo về việc bóng đã lăn qua vạch vôi khung thành hay chưa. Như vậy, việc xác định bóng đã lăn qua vạch vôi khung thành hay chưa, đã có bàn thắng hay không sẽ chính xác hơn, chứ không phải thông qua những quyết định có phần cảm tính từ trọng tài chính và trọng tài biên trong những trường hợp xảy ra quá nhanh và quá khó quan sát. Kể từ đó, trong những trường hợp tương tự, cầu thủ chỉ việc chờ phán quyết của trọng tài, chứ không có gì phải tranh cãi, bởi sự chính xác của công nghệ này là không có gì phải bàn cãi. Tiêu biểu chính là bàn thắng của Paul Pogba (đội tuyển Pháp) vào lưới thủ thành Matt Ryan của đội tuyển Australia, khi bóng đập xà ngang dội xuống đất sau vạch vôi.


Công nghệ VAR được hiểu là sử dụng nhiều góc máy video khác nhau, bao gồm cả các máy quay làm chậm nhằm đánh giá chính xác một tình huống để hỗ trợ trọng tài điều khiển các trận đấu bóng đá. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng vào một kỳ World Cup, với 33 camera khác nhau đặt tại các sân vận động, trong đó có 8 camera quay chậm, 6 camera siêu chậm và 2 camera chuyên để bắt việt vị. Các trọng tài VAR ngồi trong phòng riêng, có nhiệm vụ giám sát những lỗi trong 4 tình huống sau: bàn thắng và phạm lỗi dẫn đến bàn thắng, phạt đền và phạm lỗi dẫn đến phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp, nhận dạng sai cầu thủ. Khi trọng tài chính cần những hỗ trợ từ trọng tài VAR, hoặc các trọng tài VAR cảm thấy có những trường hợp cần thông báo để trọng tài chính cân nhắc lại quyết định, hình ảnh quay chậm sẽ được hiển thị cho trọng tài chính thông qua màn hình được đặt ở bên ngoài đường biên các sân vận động.


Đã có khá nhiều đội tuyển đã được “hưởng lợi” từ các phán quyết thông qua công nghệ VAR. Chẳng hạn như Diego Costa (đội tuyển Tây Ban Nha) không phạm lỗi với Pepe trước khi ghi bàn vào lưới đội tuyển Bồ Đào Nha, quả phạt đền cho đội tuyển Pháp cho pha phạm lỗi của đội tuyển Australia với Antoine Griezmann, hoặc đội tuyển Peru được hưởng phạt đền sau tình huống phạm lỗi của Poulsen (đội tuyển Đan Mạch) trong vòng cấm… Đó đều là những phán quyết của trọng tài sau khi tham khảo công nghệ VAR, và rõ ràng với những hình ảnh quay chậm từ nhiều góc độ, cực kỳ chi tiết, thì độ chính xác của nó là không cần phải bàn cãi.


Dĩ nhiên, điều gì cũng có tính 2 mặt của nó. Mặt tốt của công nghệ đó là việc giảm tải cho trọng tài trên sân, giúp họ tập trung hơn vào chuyên môn. Trọng tài biên không phải quá chú ý vào những pha bắt việt vị, trọng tài chính không phải lo lắng những quyết định của mình có thể là sai lầm lớn ảnh hưởng trầm trọng tới kết quả của trận đấu, bởi tất cả đã có VAR hỗ trợ. Qua đó, tình trạng cầu thủ chơi tiểu xảo, các kịch sĩ chuyên qua mắt trọng tài, những đội bóng chuyên “quây” trọng tài gây sức ép có lợi cho họ… sẽ giảm đi rất đáng kể. Còn mặt trái của nó, chẳng hạn như thời gian chết của trận đấu sẽ nhiều hơn, cảm xúc từ những bàn thắng sẽ giảm đi thông qua sự can thiệp của công nghệ… Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những lợi ích mà công nghệ mang đến vẫn là vượt trội, và vì một trận đấu công bằng hơn, người ta vẫn chấp nhận “sống chung” cùng công nghệ.


TRẦN KHÁNH