11:06, 03/06/2018

Chuyện bản quyền truyền hình World Cup

Chưa bao giờ câu chuyện bản quyền truyền hình World Cup lại nóng như năm nay. Dĩ nhiên, chỉ đối với người Việt Nam mê bóng đá!

Chưa bao giờ câu chuyện bản quyền truyền hình World Cup lại nóng như năm nay. Dĩ nhiên, chỉ đối với người Việt Nam mê bóng đá!

 

Nếu vài chục năm trước, chúng ta an phận với việc nửa đêm thức dậy ngồi ngóng xem đài truyền hình có “câu” được sóng của thiên hạ hay không, thì chuyện không xem được World Cup là bình thường. Nhưng kể từ năm 2006, khi Việt Nam đã bỏ 2 triệu USD để mua bản quyền truyền hình World Cup, chuyện xem trực tiếp các trận đấu của sự kiện này là điều mặc nhiên với người Việt.


Đúng vậy, đến World Cup 2010 thì người Việt chi 2,7 triệu USD để xem bóng đá; và con số này tăng lên đến 7 triệu USD tại World Cup 2014. Và con số này năm nay, theo tin hậu trường thì phía bán rao 15 triệu USD, nhưng VTV đang cố đàm phán còn 8 triệu USD với một sự tự tin kiểu: để đến chợ chiều thì cá cũng phải bán thôi, vì không bán cho mình thì bán cho ai? Không bán thì cá ươn thôi!


Chuyện bản quyền truyền hình World Cup là một câu chuyện kinh doanh thuần túy. Chúng ta - những người mê bóng đá, đã góp tiền để mua chứ không ai khác. Chính cái phí thuê bao hàng tháng, công xem quảng cáo của chúng ta đã giúp nhà đài có tiền mua bản quyền. Thậm chí nhà đài còn có lãi to nếu họ biết cách kinh doanh.

 

Bản tin ngày 2-6 của Fox Sports tiếng Việt nêu rõ Việt Nam là nước còn lại  chưa có bản quyền World Cup 2018 - (Ảnh chụp màn hình)

Bản tin ngày 2-6 của Fox Sports tiếng Việt nêu rõ Việt Nam là nước còn lại chưa có bản quyền World Cup 2018 - (Ảnh chụp màn hình)

 

Cụ thể, trong đợt World Cup 2014, giá quảng cáo một spot (30 giây) ở giữa trận là 150 triệu đồng (khung giờ 2 - 8 giờ), 180 triệu đồng ở khung giờ 23 giờ. Vào vòng loại trực tiếp, giá quảng cáo vọt lên đến 200 - 250 triệu đồng một spot. Đến tứ kết, bán kết và chung kết thì đến 250 - 300 triệu đồng/spot. Với giá này, khai thác đủ 64 trận với bình quân mỗi trận 10 phút ở giữa trận đấu, VTV thu về khoảng 20 triệu USD, trong khi giá mua về được chốt dưới 10 triệu USD.


Năm nay, khi các đơn vị truyền hình khác đều nói không với bản quyền truyền hình World Cup vì không kham nổi tài chính, thì chỉ duy nhất VTV đồng ý đứng ra đàm phán. Theo ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN, FIFA có quy định yêu cầu tất cả quốc gia phải phát sóng World Cup trên đài quảng bá để phục vụ công chúng. Do đó, nếu VTV mua được cũng sẽ không có chuyện được độc quyền mà buộc phải chia sẻ theo một trong hai hình thức, hoặc các đài khác tiếp sóng sạch hoặc tiếp trọn gói cả trận đấu lẫn logo của VTV kèm quảng cáo trước, trong và sau trận đấu.


Do đó, cho dù mua hơn giá World Cup 2014, nếu như VTV kinh doanh hợp lý, có kế hoạch chuẩn bị sớm cũng như cho các đài, các đơn vị kinh doanh đủ thời gian chuẩn bị, thì lợi nhuận chắc chắn sẽ không ít. Nhưng khi World Cup chỉ còn khoảng 2 tuần thì mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu.


Cụ thể, tối 2-6, một bản tin từ Fox Sports được viết bởi nhà báo Tyler Dang đã khẳng định Việt Nam là quốc gia cuối cùng chưa có bản quyền truyền hình World Cup 2018!


Bản tin đã dẫn nguồn từ một công bố của FIFA về vấn đề bản quyền truyền hình World Cup năm nay, theo đó, FIFA lên danh sách có tất cả 219 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắm để bán bản quyền, và tính đến ngày 2-6-2018 tất cả đều đã có bản quyền - kèm theo tên cả đơn vị đã mua - trừ Việt Nam!


Trong khi đó, hai người láng giềng sát chúng ta là Lào và Campuchia đều đã có bản quyền. Cụ thể, đơn vị mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 cho Lào là TVLAO CO.LTD và Campuchia là CBS-Cambodia Broadcast Network System.


Rõ ràng là bản quyền World Cup đối với VTV thuần túy là vấn đề kinh doanh, và không hề chịu lỗ nếu khai thác tốt. Không nên suy nghĩ theo hướng “nó không bán cho mình thì chẳng bán được cho ai”, bởi người bán chắc chắn không muốn tạo tiền lệ xấu cho những mùa World Cup sau.


C.D (Tổng hợp)