10:03, 04/03/2018

Arsene Wenger, khi lòng tự trọng là quá xa xỉ

Arsene Wenger là một vị huấn luyện viên tài năng và đáng kính trọng hàng đầu giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Với 22 năm tận tụy tại Arsenal, tất cả những gì mà vị huấn luyện viên này đóng góp cho Arsenal nói riêng và bóng đá Anh nói chung, đáng giá trên là không có gì quá. Nhưng vấn đề là, tất cả những mà Arsene Wenger đã gầy dựng đang lụi tàn dần theo thời gian.

Arsene Wenger là một vị huấn luyện viên tài năng và đáng kính trọng hàng đầu giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Với 22 năm tận tụy tại Arsenal, tất cả những gì mà vị huấn luyện viên này đóng góp cho Arsenal nói riêng và bóng đá Anh nói chung, đáng giá trên là không có gì quá. Nhưng vấn đề là, tất cả những mà Arsene Wenger đã gầy dựng đang lụi tàn dần theo thời gian.
 
Huấn luyện viên Arsene Wenger.
Huấn luyện viên Arsene Wenger.
Kể từ năm 1996, cuộc đời Arsene Wenger đã bắt đầu gắn liền với Arsenal như là một phần máu thịt. Với Wenger, tình yêu đối với bóng đá, tình yêu đối với Arsenal là quá lớn, lớn đến mức nó vượt qua cả tình cảm của gia đình. Một con người mà chấp nhận ly hôn với vợ vào năm 65 tuổi chỉ vì một lý do duy nhất, đó là không thể thực hiện lời hứa rời bỏ công việc huấn luyện để chuyên tâm cho gia đình. Một con người từ bỏ rất nhiều lạc thú đời thường, toàn tâm toàn ý cho Arsenal như Arsene Wenger, chắc chắn xứng đáng được kính trọng.
 
Nói về tài năng của Arsene Wenger, bất kỳ ai hiểu biết về bóng đá đều phải công nhận đó là sự thật không thể lay chuyển. Một vị huấn luyện viên đưa Arsenal từ một câu lạc bộ thuộc hàng khá lên thành một trong những ông lớn hàng đầu của bóng đá Anh, cũng như thế giới; một vị huấn luyện viên có thể dành chức vô địch Ngoại hạng Anh với thành tích bất bại, mà cho tới nay vẫn chưa có câu lạc bộ nào làm được; một vị huấn luyện viên đã làm thay đổi cả tư duy chiến thuật, triết lý bóng đá của nước Anh; một vị huấn luyện viên có thể xem như là một trong những người đặt nền móng cho bóng đá tấn công cống hiến mà những huấn luyện viên tài năng thế hệ sau như Pep Guardiola, Jurgen Klopp… đang theo đuổi. Một vị huấn luyện viên như vậy sao có thể không có tài năng?
 
Nhưng thời gian luôn có thứ có thể thay đổi tất cả. 22 năm, Ngoại hạng Anh đã trở thành giải đấu hàng đầu thế giới, các câu lạc bộ có lên có xuống theo một đồ thị hình sin như là một quy luật tất yếu, các cầu thủ đến rồi lại đi, không biết bao nhiêu huấn luyện viên đã thay đổi câu lạc bộ, nhưng Arsene Wenger vẫn sừng sững ở đó, ngôi vị huấn luyện viên lâu dài nhất Ngoại hạng Anh là không gì lay chuyển. Vấn đề là, Wenger đã không còn là Wenger của ngày trước, thời gian đã bào mòn đi tất cả những gì tốt đẹp nhất, sắc xảo nhất của vị huấn luyện viên này, chỉ còn để lại một Wenger xấp xỉ 70 tuổi, và đang tầm thường hơn bao giờ hết.
 
Arsenal của Arsene Wenger đang tầm thường đến nỗi chỉ mới có đúng 1 trận thắng, trong những lần gặp các câu lạc bộ trong top 6 trên bảng xếp hạng mùa giải 2017-2018 này. Đó là một Arsenal đã hầu như không còn hy vọng lọt vào top 4 khi đang nằm ở vị trí thứ 6, thua đội xếp thứ 4 tới 10 điểm. Có lẽ, sự tầm thường của Wenger đã lên tới đỉnh điểm sau 2 trận thua chỉ cách nhau vài ngày với cùng 1 đối thủ Manchester City, và cùng 1 tỷ số 0-3. Tuy nói cho cùng, thua một đội bóng đang có thể xem là mạnh nhất Ngoại hạng Anh không phải là điều gì đáng xấu hổ. Nhưng cái cách mà các Pháo thủ thi đấu một cách bạc nhược, vô hồn như một sự xem thường những cổ động viên đội gió tuyết đến sân, cũng như việc ôm mặt bất lực của Arsene Wenger ngoài sân chỉ cho thấy hình ảnh của một vị huấn luyện viên tầm thường đã không còn nhận được sự ủng hộ từ chính các học trò của mình.
 
Nếu xét về mặt lực lượng, trong tay Wenger cũng không hề thiếu những hảo thủ. Bỏ qua những thói quen chi tiêu chi li tiết kiệm, Wenger đã dần đưa về những bản hợp đồng bom tấn. Chẳng hạn như Alexandre Lacazette là Vua phá lưới Ligue 1, Aubameyang là Vua phá lưới Bundesliga, Mesut Ozil là nhạc trưởng của đội tuyển quốc gia Đức, hoặc những Henrikh Mkhitaryan, Aaron Ramsey, Shkodran Mustafi, Hector Bellerin, Granit Xhaka… đều là những cầu thủ tài năng. Nhưng vấn đề là, tư duy chiến thuật của Arsene Wenger đã lỗi thời, trong khi các kiểu sơ đồ chiến thuật đang được thay đổi từng ngày từng giờ, thì Wenger vẫn như đang dừng lại với cái nhìn cách đây xấp xỉ 20 năm, vẫn đang mải miết đi tìm những Thierry Henry, Dennis Bergkamp, Robert Pires… trong những hình hài mới.
 
Chính vì vậy nên Arsene Wenger thích sử dụng những “gã công tử” như Henrikh Mkhitaryan, Mesut Ozil, Aaron Ramsey, Aubameyang… và sẵn sàng tung hết họ ra sân để chứng minh triết lý bóng đá của mình vẫn đúng đắn. Nhưng có lẽ ở độ tuổi xấp xỉ 70, Wenger đã quên đội hình bất bại của Arsenal năm 2004 là được xây dựng trên nền tảng những “đấu sĩ” như Sol Campbell, Kolo Toure, Patrick Vieira… những người luôn sẵn sàng lao vào những cuộc đấu tay đôi với quyết tâm chiến đấu cao nhất. Thiếu đi chất thép nơi tuyến giữa, thiếu đi sự máu lửa và nhiệt tình thi đấu, những “gã công tử” của Wenger là không có đất để “múa” khi gặp những đối thủ mạnh thực sự. Và lỗi chắc chắn không thuộc về họ, mà phải thuộc về một Wenger đang “tầm thường hóa” của một Arsenal hùng mạnh.
 
Như Mourinho đã từng ca thán một cách ghen tỵ với Arsene Wenger, khi vị huấn luyện viên này là huấn luyện viên một câu lạc bộ lớn duy nhất ở Ngoại hạng Anh không chịu áp lực sa thải, dù cho Arsenal đã hơn 20 năm chưa biết tới chức vô địch Ngoại hạng Anh cũng như cúp châu Âu nào. Lý do hết sức đơn giản, đó là vì những ông chủ của Arsenal chỉ quan tâm tới lợi nhuận, và Arsene Wenger đáp ứng tốt được điều đó khi lợi nhuận của Arsenal vẫn tăng trưởng đều. Nhưng một huấn luyện viên có được tôn trọng hay không, ngoài tài năng ra thì còn lòng tự trọng của chính huấn luyện viên đó, mà có vẻ như đối với Wenger, lòng tự trọng đang là thứ gì đó quá xa xỉ.
 
Cho dù đối với bất cứ ai, lòng tự trọng luôn là một tính cách hết sức quan trọng, và đối với những huấn luyện viên các câu lạc bộ lại càng là như thế. Sự tự trọng khiến cho họ có rất nhiều lý do để từ chức mà không đợi câu lạc bộ sa thải. Đó có thể là không thể vực dậy câu lạc bộ sau một thời gian sa sút, có thể là không thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra, có thể là cảm thấy nên nhường vị trí cho những người trẻ hơn, và cũng có thể là đã cạn kiệt cảm hứng muốn đi tìm một môi trường tươi mới hơn… Lòng tự trọng khiến cho người ta thêm kính trọng họ, và ngược lại. Arsene Wenger không đủ lòng tự trọng, cũng như không đủ can đảm để từ chức bởi đơn giản Arsenal là tất cả đối với vị huấn luyện viên này, mà đá quyền quyết định cho những ông chủ. Nhưng những ông chủ cũng không đủ can đảm sa thải Wenger, bởi thay đổi huấn luyện viên là sẽ đi kèm với mạo hiểm về doanh thu, điều mà họ không mong muốn. Và những người yêu mến Arsenal là người hứng chịu hậu quả của cái vòng lặp hèn nhát ấy.
 
Nhưng dù sao, mọi chuyện đều sẽ phải có điểm chấm dứt của nó, và chuyện gì đến sẽ phải đến, cho dù sớm hay muộn. Chỉ đáng tiếc một điều, sự kính trọng và hình ảnh mà Arsene Wenger có được sau 22 năm tại Arsenal đã mất mát trầm trọng một cách hết sức đáng tiếc. Wenger hoàn toàn có thể ra đi một cách vinh quang hơn nhiều sau chiếu cúp FA mùa giải 2016-2017, tựa như sir Alex Ferguson giải nghệ trên đỉnh vinh quang sau khi Manchester United lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2012-2013. Nhưng Wenger lại chọn một cách thức khác, một cách mà lòng tự trọng đã được đặt ở vị trí thứ yếu. Và đó thực sự là điều đáng tiếc nuối đối với một huấn luyện viên có thời gian cống hiến cho Ngoại hạng Anh dài nhất như Arsene Wenger.
Cao Duy