11:08, 28/08/2017

Những cái tên mang nhiều kỳ vọng

SEA Games 29 đã đi đến những ngày thi đấu cuối. Ở đó, đã có những giọt nước mắt cay đắng vì thất bại; có những giọt nước mắt tức tưởi vì thua oan; và cũng có rất nhiều giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. 

SEA Games 29 đã đi đến những ngày thi đấu cuối. Ở đó, đã có những giọt nước mắt cay đắng vì thất bại; có những giọt nước mắt tức tưởi vì thua oan; và cũng có rất nhiều giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. 

 

Đúng là chiếc huy chương vàng (HCV) luôn được chờ đợi nhất tại SEA Games luôn là môn bóng đá nam, nhưng đáp lại sự mong chờ cùa người hâm mộ lại là sự thất vọng lớn. Đúng là có một nỗi thất vọng khác mang tên Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng khi thất bại ở nội dung sở trường đã giúp tay súng này đi vào lịch sử nền thể thao Việt Nam với 1 HCV và 1 huy chương bạc Olympic…


Nhưng, như Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn phát biểu trước giới truyền thông sau khi 2 bộ môn điền kinh và bơi lội kết thúc thi đấu: “U22 Việt Nam gây thất vọng, nhưng thể thao Việt Nam thành công tại SEA Games 29”.


Thành công ấy, theo như ông Trần Đức Phấn nhìn nhận, dĩ nhiên không phải đến từ vị trí thứ 2 hay thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương, đạt mục tiêu đề ra hay không của đoàn Việt Nam. Thành công ấy đến từ những nỗ lực hết mình, những tiến bộ vượt bậc, ngoài mong đợi của các vận động viên, nhất là các môn thi trong hệ thống Olympic.


Thật vậy, thất bại của U22 Việt Nam hay sự thất vọng với nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh đã nhanh chóng được khỏa lấp và bị lãng quên bởi kỷ lục vàng của điền kinh với 17 HCV, gấp đôi số huy chương Thái Lan đạt được ở bộ môn này, của bơi lội với 10 HCV với nhiều kỷ lục được phá, của những màu HCV lịch sử mang dấu ấn cá nhân như Lê Tú Chinh, hay đồng đội như ở môn bóng bàn nam...

 

 

Niềm vui của Kim Sơn trên bục nhận huy chương vàng

Niềm vui của Kim Sơn trên bục nhận huy chương vàng

 

Điều đáng nói, những chiếc HCV ấy đã cho thấy sự thành công của các tuyển thủ Việt Nam ở các bộ môn trọng điểm trong hệ thống Olympic, cho thấy sự đầu tư đúng hướng của thể thao Việt Nam cho những môn mũi nhọn là bơi lội và điền kinh. Đó là bệ phóng để thể thao Việt Nam hướng tới những sân chơi lớn hơn, thoát khỏi cái “ao làng” SEA Games bao năm vốn vẫn chỉ là cuộc chơi nghiêng về những môn thi đấu thế mạnh của đơn vị chủ nhà; vốn đầy rẫy sự cám cảnh cho các vận động viên luôn đặt tinh thần thể thao, sự trung thực lên hàng đầu lại tức tưởi để vuột vàng chỉ vì sự thiên lệch của trọng tài, hay chứng kiến những điều trái khoáy kiểu như vận động viên chủ nhà… chạy về đích ở môn đi bộ… như ở đại hội này.


Sự thành công nữa ở đại hội lần này đó là những tài năng trẻ của ngành Thể thao hoặc tiếp tục tỏa sáng, hoặc để lại dấu ấn khó quên. Ở đó, không thể không nhắc tới kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên với 8 HCV đạt được trên đường đua xanh, tái lập kỳ tích cô đạt được ở SEA Games 2 năm trước và phá 3 kỷ lục tại đại hội. Ở đó, người ta bất ngờ và cũng là sự thán phục đối với Nguyễn Hữu Kim Sơn - kình ngư mới 15 tuổi đã giành vàng và phá kỷ lục SEA Games đã được thiết lập cách đây 15 năm. Anh cũng chính là 1 trong 2 cái tên kình ngư nam giành vàng tại đại hội, cùng với Huy Hoàng. Ở đó có vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh với 3 HCV cho riêng mình ngay lần đầu tiên tham dự SEA Games…


Kết quả thi đấu của các vận động viên ở đại hội lần này cũng là cơ sở để ngành Thể thao rà soát và đầu tư trọng điểm cho mục tiêu ở ASIAD vào năm tới, trước khi nghĩ tới sân chơi xa hơn, lớn hơn là Olympic 2020. Ánh Viên sẽ tiếp tục được đầu tư để vươn tầm xa hơn, ngoài ra có thể thêm nhiều cái tên nữa được bổ sung sau đại hội lần này, Lê Tú Chinh hay Kim Sơn chẳng hạn… Tất cả vì mục tiêu vươn tầm ra thế giới của thể thao nước nhà.


Những cái tên ấy còn rất trẻ và mang biết bao kỳ vọng!


B.T