07:03, 09/03/2012

Nhà văn Văn Biển Người dồn hết tâm huyết cho tuổi thơ

Đầu năm 2010, tôi nhận được tập sách Chú khỉ cộc đuôi của nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển gửi tặng. Tập sách do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, dày ngót 100 trang, khổ 13 x 19cm.

Đầu năm 2010, tôi nhận được tập sách Chú khỉ cộc đuôi của nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển gửi tặng. Tập sách do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, dày ngót 100 trang, khổ 13 x 19cm. Đây là tập sách cho tuổi nhi đồng, gồm 6 truyện, trong đó câu chuyện nào cũng hóm hỉnh, dễ hiểu, kèm theo những bức tranh minh họa hài hước, sinh động của họa sĩ Khánh Duy đã cuốn hút các độc giả “nhí” khắp mọi miền đất nước. Công ty Cổ phần Sách Thương Huyền (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Năm 2011, tập truyện Chú khỉ cộc đuôi được tiêu thụ rất mạnh, chỉ trong quý đầu phát hành đã bán hết một nghìn bản. Năm 2012, nhà sách sẽ phối hợp với NXB Kim Đồng tái bản với số lượng gấp đôi so với lần xuất bản đầu.

Nhà văn Dương Duy Ngữ, người có nhiều năm làm công tác biên tập xuất bản ở NXB Quân đội, sau khi đọc Chú khỉ cộc đuôi đã nhận xét: “Tôi bái phục cụ Văn Biển, một người đã ngoài 80 tuổi mà vẫn còn viết ra được những câu chuyện cho các độc giả “nhí” tinh tế, hóm hỉnh quả đáng trân trọng”. Tôi đồng cảm nhận với nhà văn Dương Duy Ngữ, sau khi đọc xong Chú khỉ cộc đuôi bỗng thấy tâm hồn lâng lâng, nhớ về tuổi ấu thơ của mình. Chao ôi! Sao nó hồn nhiên, đẹp đẽ nhường vậy. Tất cả những kỷ niệm sâu lắng ở chuỗi ngày tuổi thơ đều được nhà văn viết trong Chú khỉ cộc đuôi với một bút pháp tinh tế, hồn nhiên làm cuốn hút người đọc ở mọi độ tuổi.

1
 

Cái cảm xúc hân hoan khi đọc Chú khỉ cộc đuôi chưa phai thì tôi lại được nhận một tập sách thứ hai của nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển có tên Hiệp sĩ vô hình. Đây là tập sách viết cho lứa tuổi thiếu niên. Tập sách do Công ty TNHH Sách Phương Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành quý III/2011; dày trên 300 trang, khổ 13 x 21cm. Hiệp sĩ vô hình gồm 60 câu chuyện nói về những việc làm, hành động và suy nghĩ, trí tưởng tượng của trẻ thơ. Tên của tập sách được tác giả đặt là Hiệp sĩ vô hình, nhưng qua thể hiện ở 60 câu chuyện, nó không vô hình chút nào. Trong đoạn kết của câu chuyện “Những chuyện gì xảy ra sau khi có hình trở lại” ở phần cuối sách có đoạn: …Tôi giàu hơn nhà khoa học nọ biết bao, ông ta chỉ có một khúc xương con thú. Còn tôi có trong tay khá nhiều dữ kiện. Nhất là khi người ta đã vô tình để lại dấu vết - dù chỉ là một vết sẹo ở lòng bàn tay phải, có giọng nói với cử chỉ hào hiệp…, miễn người ta không vô hình… Thông qua những câu chuyện trong tập sách giúp cho trẻ em có một lý tưởng sống đẹp, biết yêu quý thiên nhiên, yêu quý những sự vật sống quanh mình dù đó chỉ là những vật dụng nhỏ như chiếc bút, cục tẩy…

Nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển tên thật là Phạm Văn Biển, sinh ngày 15-12-1930, nguyên quán xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện ông đang sống ở TP. Nha Trang. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Sau khi học xong phổ thông trung học, ông theo học ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sau đó về công tác ở Tổng cục Mỏ - Địa chất. Ông rẽ sang con đường văn nghiệp do chính chú ruột mình - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gợi ý. Ông nhớ lại: “Đầu năm 1964 xuất hiện một tấm gương lao động giỏi ở Ba Vì. Một người nuôi bò sữa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đó là Anh hùng Hồ Giáo, một người con Quảng Ngãi. Thấy tôi có năng khiếu văn chương lại đã có vài ba tác phẩm nhỏ xuất hiện trên báo chí, chú Đồng đã khuyên tôi lên Ba Vì tìm hiểu viết về anh Hồ Giáo. Nghe lời chú, tôi khoác ba lô lên Ba Vì. Qua một thời gian sống với Anh hùng Hồ Giáo, tôi đã cho ra đời tập sách Cô bê 20 (do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1968). Tập sách đã gây được tiếng vang, được các độc giả nhỏ tuổi đón đọc; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và NXB Kim Đồng trao giải thưởng đặc biệt năm 1968”.

Sau thành công của tập sách đầu tay, nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển dấn thân vào nghiệp văn chương. Ngoài viết văn xuôi, ông còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim và làm thơ. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Mười ngày làm khách lạ (xuất bản năm 1972), Chú bé vô hình (1996); Từ không đến có (2001), tập truyện ngắn Chú khỉ cộc đuôi; về kịch bản có các vở: Trăn trở (Nhà hát kịch Việt Nam dựng), Chuyện cổ Bát Tràng, Đêm Stockholm, Bất hạnh, Que diêm thứ 8, Chiếc gương chàng ngốc… Nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển hiện đang sống ở khu đô thị Phú Quý, thuộc phường Vĩnh Nguyên. Ông nay đã ngoài 80 tuổi, tuy sức khỏe không được tốt nhưng vẫn say sưa sáng tác. Hiện nay ông đã hoàn thành liên tiếp 3 tập truyện dành cho tuổi teen sẽ được xuất bản trong năm nay, đó là các tập: Tôi bị bắt cóc; Cửa hàng các giấc mơ và Chuyện về nàng Bạch Tuyết. Với tấm lòng yêu quý trẻ thơ, một nhà văn tuổi già nhưng tâm hồn tươi trẻ, hy vọng nhà văn - nhà biên kịch Văn Biển sẽ còn nhiều tác phẩm hay dành cho các bạn đọc nhỏ tuổi.

XUÂN TUYNH