05:03, 03/03/2012

Miệt mài cùng văn hóa Raglai

Hàng chục năm nay, ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) có một người đàn ông vẫn thầm lặng với công việc sưu tầm, biên soạn các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Raglai.

Hàng chục năm nay, ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) có một người đàn ông vẫn thầm lặng với công việc sưu tầm, biên soạn các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Raglai. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, dù trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, anh vẫn một lòng một dạ canh cánh với vốn văn hóa cha ông truyền lại. Anh là Mấu Quốc Tiến, người dân tộc Raglai, hiện đang sinh sống ở huyện Khánh Sơn.

Có một điều khá thú vị đó là khi lên huyện Khánh Sơn hỏi về anh Mấu Quốc Tiến thì dường như ai cũng biết. Từ người già đến các em học sinh, từ các vị lãnh đạo huyện đến người dân bình thường mỗi lần nhắc tới anh, họ đều dành cho anh một tình cảm đặc biệt và gọi anh với cái tên thân mật “Chamale’ Tiến”. Còn với những người trong nghề, họ đặt cho anh biệt danh là “người sưu tầm văn hóa Raglai”. Anh luôn tự dặn mình phải cố gắng đi, cố gắng nghe, cố gắng chép lại thật nhiều những bản sử thi của người Raglai, những làn điệu dân ca, những bài mã la được truyền lại qua nhiều thế hệ… Trăn trở trước sự mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống Raglai, từ năm 1985, anh đã “theo chân” các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ để miệt mài tìm kiếm, ghi chép lại vốn văn hóa của tộc người mình. Hơn nửa cuộc đời mình, anh chưa bao giờ quản ngại núi cao, rừng sâu, dù trời mưa hay nắng, hễ nghe thấy một cụ già nào đó còn nhớ được đoạn sử thi, hay những làn điệu dân ca, anh lại vượt núi, băng rừng đi tìm gặp. Đã từng có dịp cùng anh đi điền dã để tìm kiếm, ghi chép lại những làn điệu hát ru của người Raglai, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả, sự kiên nhẫn cũng như thái độ làm việc nghiêm túc của anh. Với một công việc thầm lặng, anh cứ lặng lẽ trên con đường gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Bởi cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào cũng dần mai một. Và đó cũng là điều khiến anh thấy băn khoăn. “Đồng bào Raglai ngày xưa có đời sống tinh thần cũng phong phú lắm. Có kể sử thi, có đàn Chapi, có hát ru, có đánh mã la… Vào các ngày lễ như lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cưới hỏi…, xóm làng luôn rộn vang những làn điệu dân ca, dân vũ. Nhưng càng ngày, lớp trẻ càng ít quan tâm đến những điều đó, còn lớp người già cũng thưa thớt dần. Mình cố gắng đi tìm và giữ gìn lại để một mai nếu có điều kiện còn biết mà truyền lại cho thế hệ sau”.

Nghệ nhân Dân gian Mấu Quốc Tiến (phải) trong một chuyến đi điền dã để ghi lại những lời hát ru của người Raglai.
Nghệ nhân Dân gian Mấu Quốc Tiến (phải) trong một chuyến đi điền dã để ghi lại những lời hát ru của người Raglai.

Đối với người Raglai ngày xưa, Akhàt Jucar Raglai - sử thi Raglai được coi là báu vật, là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi người và thường được diễn xướng bằng lối kể có làn điệu. Trong ngôi nhà sàn, bên bếp lửa hồng, vào những buổi nhàn rỗi khi lúa bắp đã vào kho hay vào lúc lên rẫy, lên nương người già lại kể Akhàt Jucar cho con cháu, dân làng nghe. Trên môi người già, qua giọng kể trầm bổng, Akhát Jucar lan khắp làng trên xóm dưới. Nhưng hiện nay, những bản sử thi Raglai đang dần mai một và mất đi, người nhớ sử thi cũng thưa dần. Người già lo lắng cho số phận của những bản sử thi, chính vì vậy khi gặp được người như anh Mấu Quốc Tiến, họ đã nhiệt tình kể từ ngày này qua ngày khác để anh ghi chép, thu âm lại. “Mỗi ngày, thấy con cháu làm ăn khá giả, lớp già như chúng tôi mừng lắm. Nhưng bây giờ mọi người lo chuyện làm kinh tế nên ít người còn cần đến những lời kể của người già. Thấy anh Tiến cần mẫn ghi chép lại từng câu sử thi, tôi như thấy được an ủi phần nào”, Nghệ nhân Dân gian Cao Thị Quang - thôn APA 2 (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) tâm sự. Không chỉ có sử thi, các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống khác của người Raglai ở Khánh Sơn cũng đang dần mai một.

Theo đuổi con đường sưu tầm biên soạn văn hóa dân gian Raglai, đến nay, anh Mấu Quốc Tiến đã đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam những tác phẩm như: Truyện cổ Raglai, Luật tục Chăm và Luật tục Raglai, Tín ngưỡng người Raglai ở Khánh Hòa và đặc biệt là cuốn Sử thi Uđai - Ujac. Sau khi được xuất bản vào năm 2004, cuốn sử thi này đã đem lại sự ngạc nhiên cho nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian bởi sự đồ sộ của nó. Với những đóng góp không biết mệt mỏi, mới đây, anh Mấu Quốc Tiến đã vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.

Hiện nay, Nghệ nhân Dân gian Mấu Quốc Tiến vẫn tiếp tục với công việc thầm lặng của mình. Hy vọng rằng, với những việc làm tích cực của anh, sẽ có một ngày các loại hình văn nghệ dân gian của đồng bào Raglai sẽ được lớp trẻ chú ý hơn.

NHÂN TÂM