03:03, 02/03/2012

Thất bại cần thiết

Trong các trận giao hữu giữa tuần qua, trận đấu đáng chú ý nhất có lẽ là trận giữa đội tuyển bóng đá Anh gặp á quân thế giới Hà Lan.

Trong các trận giao hữu giữa tuần qua, trận đấu đáng chú ý nhất có lẽ là trận giữa đội tuyển bóng đá Anh gặp á quân thế giới Hà Lan. Đây là trận đấu đầu tiên của Huấn luyện viên (HLV) tạm quyền Stuart Pearce. Người ta muốn xem ông sẽ xoay xở ra sao, các cầu thủ sẽ thi đấu thế nào khi “vị thuyền trưởng” Capello vừa rời khỏi “con tàu”…

Anh không thiếu cầu thủ giỏi nhưng cái dở của họ là khả năng gắn kết với nhau. Tuyển Anh sau thời lứa Alan Shearer chưa bao giờ lấy được lòng tin của giới hâm mộ dù họ có những cầu thủ tốt. Lối chơi thiếu gắn kết, nổi tiếng bởi những trò đình đám bên ngoài sân cỏ hơn là chuyên môn dường như trở thành đặc trưng của đội bóng xứ sương mù trong thời gian gần đây. Có lẽ đó là lý do khiến Liên đoàn Bóng đá Anh chấp nhận bỏ cá núi tiền để “rước” về nhà cầm quân vừa giỏi chuyên môn vừa nổi tiếng cứng rắn để tái thiết “Tam sư”. Trong thời gian cầm quân, ông Capello cũng có một số thành tích nhất định nhưng vẫn chưa thỏa mãn được kỳ vọng của các cổ động viên. Tuy nhiên, chừng đó cũng là quá tốt đối với một tập thể gồm các ngôi sao lắm tiếng thị phi như vậy. Những vấn đề mà ông Capello đối mặt không chỉ là tìm ra chiến thuật hợp lý (vai trò nào cho Gerrard, Lampard) mà còn phải giải quyết những chuyện không hề đơn giản như chuyện các cô bồ của các tuyển thủ, chuyện lùm xùm giữa các cầu thủ với nhau (Terry - Bridge), mới đây là chuyện phân biệt chủng tộc và chiếc băng thủ quân của Terry… Nói chung ông cũng dần dần giải quyết được mọi rắc rối và tuyển Anh bắt đầu đi vào quỹ đạo và chuẩn bị cho giải đấu quan trọng Euro 2012. Thế nhưng chỉ vì cái nguyên tắc cứng rắn và cái tôi quá lớn, ông đã chọn cách ra đi đầy bất ngờ trước thềm Euro 2012 chỉ vài tháng.

Vấn đề là các cầu thủ sẽ chơi như thế nào trong thời gian còn lại khi mà vị thuyền trưởng gắn bó với họ cả một thời gian dài, cùng nhau chuẩn bị và vượt qua vòng loại khốc liệt đã ra đi? Đó là điều nhiều người hâm mộ rất muốn biết bởi trên thực tế, các tuyển thủ vẫn chưa thực sự gắn kết và điều giúp họ chơi tốt trong thời gian vừa qua chính là nhân tố Capello.

Để chuẩn bị cho trận đấu này, HLV tạm quyền Stuart Pearce cũng khá đau đầu vì sự vắng mặt của các cầu thủ trụ cột. Nhưng điều đó lại là cơ hội để các cầøu thủ trẻ cống hiến. Trước một đối thủ mạnh như Hà Lan, đội tuyển Anh đã chơi một trận đấu thực sự nỗ lực. Chỉ 60 phút, họ đã bị dẫn trước 0-2 và nhiều người nghĩ trận đấu đã an bài vì tuyển Anh nổi tiếng chơi tệ trên sân nhà. Thế nhưng khác với những lần trước, các cầu thủ trẻ đã thể hiện tinh thần thi đấu và ý chí quyết tâm. Sau khi bị dẫn bàn, đội tuyển Anh thi đấu rất hay, tổ chức được những pha tấn công khá bài bản. Và chỉ trong vài phút cuối trận, những nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng 2 bàn thắng đẹp mắt để gỡ hòa 2-2. Nhưng rồi thật may Robben (Hà Lan) đã nâng tỷ số lên 3-2 chỉ sau khi Ashley Young gỡ hòa có 1 phút.

Tại sao bị ghi bàn thắng quyết định vào phút bù giờ cuối cùng lại là may cho tuyển Anh? Thực ra, nếu kết quả 2-2 được giữ nguyên, có lẽ báo chí Anh sẽ tâng bốc các cầu thủ của Stuart Pearce lên tận mây xanh và như thế, các cầu thủ sẽ chẳng rút ra cho mình được điều gì. Trong thời gian HLV Capelllo còn nắm quyền đã từng phát biểu một câu đại ý rằng giới truyền thông Anh đang khiến bóng đá Anh không phát triển. Thật vậy, truyền thông Anh Quốc rất thích bươi móc chuyện đời tư, kết tội nếu đội nhà thi đấu kém nhưng cũng sẵn sàng ca ngợi quá lời nếu họ chơi tốt. Chính cách phản ánh như thế khiến nhiều ngôi sao cảm thấy tự mãn hoặc tự ti dẫn đến việc để tạo lập được một sự đoàn kết trong nội bộ là điều rất khó khăn. Cho nên nếu hôm qua, tuyển Anh không thua trước Hà Lan, chắc chắn báo chí xứ sương mù sẽ xem đây là một thành tích và sẽ ca ngợi quá lời. Nhưng trên thực tế, tuyển Anh hiện nay còn rất nhiều điều đáng bàn. Thứ nhất đó là chiếc băng thủ quân. Sở dĩ ở Anh, chiếc băng này quan trọng vì đó là biểu tượng của sự đoàn kết. Trao nó cho người không xứng đáng, chắc chắn cả đội tuyển sẽ chệch choạc. Chẳng thế mà HLV Capello nhất quyết phải giữ nó cho Terry bằng được vì ông biết nếu trao cho người khác thì nội bộ sẽ lủng củng lập tức. Hôm qua, nó được trao cho Scott Parker, một cầu thủ chẳng mấy ấn tượng trong vai trò thủ lãnh. Ở tuyển Anh, đôïi trưởng không phải chỉ giỏi chuyên môn (nếu thế thì Rooney thừa sức), mà phải có cái uy đủ lớn để khiến các cầu thủ triệu phú khác phải nghe. Màn trình diễn tạm được của các cầu thủ là sự cố gắng về tinh thần chứ về lâu dài tuyển Anh cần có một đội trưởng khác để thúc đẩy toàn đội.

Vấn đề thứ 2 là màn thể hiện của các cầu thủ luống tuổi. Cho đến giờ, tuyển Anh không còn phải đau đầu với vị trí của Lampard hay Gerrard như trước bởi ảnh hưởng cũng như sự đóng góp của họ cũng đã “nhạt” dần. Thế nhưng, HLV có dám gạt bỏ họ để sử dụng các cầu thủ trẻ hơn để tìm sự tươi mới cho đội tuyển hay không vẫn còn là vấn đề. Thời gian còn lại là quá ít để thay đổi mạnh mẽ, nhưng nếu cứ để thế này thì tuyển Anh sẽ mãi trồi sụt bất thường. Vì thế, trận thua Hà Lan là điều cần thiết để họ biết mình đang ở đâu và có sự làm mới chính mình để chuẩn bị cho đấu trường Euro sắp đến.

L.Q