09:06, 10/06/2011

Nét độc đáo của nền văn hóa Chăm

Tại Festival Biển 2011, lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trưng bày hiện vật với chủ đề “Những pho tượng nữ thần và các linh vật của văn hóa Chăm”.

Tại Festival Biển 2011, lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trưng bày hiện vật với chủ đề “Những pho tượng nữ thần và các linh vật của văn hóa Chăm”. Đây là những hiện vật quý, phản ánh nét độc đáo của nền văn hóa Chăm thuở xa xưa trên dải đất miền Trung.

Với ưu thế nằm ở vị trí có nhiều người qua lại (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang), mỗi kỳ diễn ra Festival, Bảo tàng tỉnh luôn có những hoạt động thiết thực để tham gia. Nếu như đa phần các hoạt động của Festival đều mang tính náo nhiệt, thì khi bước chân vào không gian của Bảo tàng tỉnh, chúng ta cảm nhận đó như một nốt trầm đầy lắng đọng để đắm vào mình những giá trị văn hóa được cất lên từ mỗi cổ vật. Chuẩn bị cho Festival Biển 2011, nhiều ngày qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã và đang nỗ lực để hoàn thành 2 hoạt động là Hội chợ tranh nghệ thuật và triển lãm “Những pho tượng nữ thần và các linh vật của văn hóa Chăm”. Ngoài ra, Bảo tàng còn hỗ trợ Hội Nghệ nhân sinh vật cảnh TP. Nha Trang trưng bày các tác phẩm sinh vật cảnh độc đáo.

Không gian của Hội chợ tranh nghệ thuật là khu vực công viên bờ biển đối diện số 16 Trần Phú. Với diện tích mỗi gian khoảng 18m2, trong các ngày từ 9 đến 15-6, hơn 10 họa sĩ trong và ngoài tỉnh sẽ trưng bày các tác phẩm hội họa trên những chất liệu khác nhau như sơn dầu, đá quý, vỏ ốc… Hội chợ tranh là nơi để công chúng có dịp thưởng lãm những tác phẩm mang đậm dấu ấn dân tộc, thời đại và cá nhân. Qua đây, những người yêu hội họa có thể tìm cho mình những tác phẩm ưng ý để bổ sung vào bộ sưu tập cá nhân.

Khác với hội chợ tranh, bên trong Bảo tàng tỉnh là không gian những giá trị độc đáo của nền văn hóa Chăm một thời hưng thịnh trên dải đất miền Trung. Tại triển lãm lần này, chủ ý của những nhà tổ chức muốn tôn vinh giá trị thẩm mỹ, lối tư duy nghệ thuật mang đậm màu sắc tôn giáo, được thể hiện trên các hiện vật về nữ thần và linh vật của người Chăm xưa. Công chúng sẽ có dịp thưởng lãm 23 tác phẩm điêu khắc gồm các bức tượng, bức phù điêu về hình tượng nữ thần, linh vật. Những hiện vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ VIII và được tìm thấy từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận. Bên cạnh đó, triển lãm còn có gian trưng bày 20 nhạc cụ và trang phục truyền thống của người Chăm. Bước vào không gian triển lãm, người xem như lạc vào một thế giới ẩn chứa những huyền tích mang màu sắc tôn giáo trong văn hóa của dân tộc Chăm một thuở xa xưa. Triển lãm giới thiệu một cách khá đầy đủ hình tượng về các nữ thần trong thần thoại người Chăm như thần Uma và các hình tướng của Uma, thần Latmy… Cùng với đó là nhiều linh vật có thật và linh vật huyền thoại như voi, trâu, sư tử, rắn, chim… Trong đời sống của người Chăm cổ, những linh vật này là biểu tượng cho ước muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Hình tượng các nữ thần và linh vật được triển lãm đều là những tác phẩm điêu khắc thủ công với những đường nét họa tiết độc đáo của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Mỗi tác phẩm đều thể hiện những nét văn hóa phồn thực đặc trưng trong quan niệm về một thế giới chốn “bồng lai tiên cảnh”. Đó cũng là lý tưởng của người xưa về một cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.

Cán bộ Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng đang sắp đặt các hiện vật phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh.
Gian trưng bày các nhạc cụ và trang phục truyền thống cho người xem thấy được sự hiện hữu của văn hóa người Chăm xưa trong cuộc sống của người Chăm hôm nay. Các nhạc cụ như trống paranưng, trống ghi năng, kèn saranai, đàn kanhi… đã được người Chăm sử dụng từ xa xưa, nay vẫn còn được sử dụng trong các lễ hội truyền thống. Những bộ trang phục cũng thể hiện được truyền thống văn hóa của người Chăm với những chiếc áo dài và khăn đội đầu đặc trưng. Nằm trong hoạt động triển lãm hiện vật văn hóa Chăm, Bảo tàng tỉnh còn mời một số nghệ nhân người Chăm đến trình diễn cách làm gốm, dệt thổ cẩm của người Chăm.

Với những hoạt động mang tính độc đáo trên, những ngày qua đã có nhiều trường học và một số doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham quan triển lãm. Đáp ứng nhu cầu trên, ngoài lực lượng thuyết minh của Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào hôm khai mạc (ngày 9-6), đội ngũ thuyết minh của Bảo tàng tỉnh cũng đã sẵn sàng. “Qua những hoạt động này, chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo mọi người nét đặc sắc của nền văn hóa Chăm. Đồng thời, tạo nên tính đa dạng cho các hoạt động diễn ra trong Festival Biển 2011. Tuy gặp một số khó khăn về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất nhưng đến thời điểm này, tiến độ công việc vẫn diễn ra tích cực và hứa hẹn mang đến những khoảng thời gian ý nghĩa cho người dân và du khách”, ông Nguyễn Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

NHÂN TÂM