02:06, 14/06/2011

Sắc màu của tình hữu nghị

Được xem là một hoạt động “đinh” của Festival Biển 2011, chương trình biểu diễn ca múa nhạc quốc tế với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc và Cuba vào tối 12-6 đã mang đến cho người dân và du khách khoảng thời gian thấm đẫm tình hữu nghị quốc tế.

Được xem là một hoạt động “đinh” của Festival Biển 2011, chương trình biểu diễn ca múa nhạc quốc tế với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc và Cuba vào tối 12-6 đã mang đến cho người dân và du khách khoảng thời gian thấm đẫm tình hữu nghị quốc tế. Qua đó, công chúng có dịp hiểu thêm về ngôn ngữ âm nhạc, bản sắc văn hóa của “xứ sở kim chi” và quốc đảo Cuba.

Với mong muốn tạo sự giao lưu, hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trong lĩnh vức văn hóa nghệ thuật, từ đó thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới, lần đầu tiên chương trình ca múa nhạc quốc tế được đưa vào Festival Biển. Điều này đã tạo sự phấn khích cho công chúng. “Tôi từng xem biểu diễn nghệ thuật đương đại của Hàn Quốc và Cuba, nhưng đây là lần đầu được xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống của hai quốc gia này. Chính điều đó khiến tôi cảm thấy rất háo hức đón đợi phần biểu diễn của các nghệ sĩ”, anh Lê Anh Đức - một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Tiết mục múa quạt truyền thống của các nghệ sĩ Hàn Quốc.
Nếu như trong các kỳ Festival trước, người dân và du khách đã biết đến đoàn nghệ thuật Hàn Quốc với chương trình mang tên gọi “Đêm ca nhạc Hàn Quốc”, thì sự tham gia lần đầu của đoàn nghệ sĩ Cuba được giới truyền thông cũng như đông đảo công chúng quan tâm nhiều. “Lần đầu tiên chúng tôi có đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn trong Festival Biển của các bạn nên cảm giác rất đặc biệt. Đến đây, chúng tôi mong muốn được giới thiệu với các bạn âm nhạc truyền thống của đất nước chúng tôi với những điệu dân ca, dân vũ đầy tính ngẫu hứng, đậm chất Mỹ Latinh. Ngoài ra, chúng tôi muốn gửi đến các bạn thông điệp của người dân Cuba đối với Việt Nam rằng: Việt Nam luôn đẹp trong mắt người dân Cuba”, ông Geober Guiber Pardo - Vụ trưởng Vụ châu Á, Phi, Trung Đông và Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cuba chia sẻ.

Màn độc tấu nhạc cụ truyền thống của đoàn nghệ thuật Cuba.    
Không khí của đêm diễn trở nên sôi động, náo nhiệt ngay từ đầu với màn biểu diễn trống với tên gọi Culmori của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc. Được tạo nên bằng những vật dụng đơn giản như bình nước, thùng nhựa… tiếng trống Culmori qua phần trình diễn của các nhạc công Hàn Quốc tài ba có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người nghe. Điều đặc biệt của tiết mục này là khi nhịp trống vang lên có sự cộng hưởng với nước tạo nên sự độc đáo. Khi sự rộn ràng từ những chiếc trống vừa dứt, người xem lại được đắm mình cùng những vũ điệu múa quạt truyền thống của đất nước kim chi. Trong những bộ hanbook truyền thống, các vũ công đã gửi tới khán giả tiết mục múa Mu gung hwa. Những bước nhảy bay bổng gợi lên hình ảnh về những cánh chim thiên nga xinh đẹp. Ấn tượng nhất đối với công chúng trong phần biểu diễn của các nghệ sĩ Hàn Quốc đến từ các tiết mục hòa tấu của nhóm Huang Ji Ni. Bất ngờ hơn, những cô gái của nhóm Hoang Ji Ni không chỉ chơi các bản nhạc truyền thống như Ô na ra, Do ra ji, mà còn có sự kết hợp một cách tài tình khi thực hiện các bản nhạc cổ điển của Beethoven, nhạc hip hop, bản nhạc Dancing Queen của ban nhạc ABBA theo phiên bản Hàn Quốc trên những nhạc cụ truyền thống như đàn Arrirang, sáo trúc, đàn hồ… Và đặc biệt, những người yêu Nha Trang đều cảm thấy xúc động khi nghe bản nhạc Ơi! Nha Trang mùa thu lại về của nhạc sĩ Văn Ký được chính các cô gái Hoang Ji Ni thể hiện. “Hay quá. Đã từng nhiều lần nghe bản nhạc này, nhưng sao hôm nay tôi vẫn thấy có một điều gì đó rất mới lạ, một cảm giác rất đặc biệt”, nhà báo Lê Bá Dương (Báo Văn hóa) tâm sự.

Nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, phần trình diễn của nhóm nhạc dân gian Cuba mang đến một không khí lễ hội vui tươi của người dân khu vực Caribe. Với việc đề cao tính ngẫu hứng, phần biểu diễn của các nghệ sĩ Cuba được dàn dựng như một màn kịch ngắn có nội dung ca ngợi thần Orisha - vị thần của nghề rèn chế tạo vũ khí và nông cụ. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh, say mê lao động nhưng cũng rất ngoan cường trong chiến đấu bảo vệ đất nước; những cô gái xinh đẹp có tâm hồn trong sáng, thích vui đùa ca hát đã mang đến những ấn tượng sâu sắc của công chúng về mảnh đất, con người Cuba xinh đẹp. Không cần quá cầu kỳ trong việc chế tác nhạc cụ, những hiệu ứng âm thanh tạo nên từ các nghệ sĩ Cuba thực sự làm lay động người nghe. Mỗi tiếng trống, tiếng đàn, lời ca, điệu múa được các nghệ sĩ thực hiện đều mang đến cho người xem những cảm nhận về sự độc đáo, tính dân dã, ngẫu hứng, phóng khoáng nhưng cũng rất kiên cường, mạnh mẽ trong bản sắc văn hóa của người dân Cuba.

Khép lại đêm biểu diễn của 2 đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc và Cuba, điều đọng lại trong lòng mỗi người đó là bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi nước. Qua đó, những thông điệp thể hiện tình cảm hữu nghị, gắn bó được gửi tới mọi người. Đồng thời, chúng ta cũng học được nhiều điều trong việc giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

NHÂN TÂM