10:07, 14/07/2018

Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ diễn ra khi nào?

Đây cũng sẽ là lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ với thời gian gần 1 giờ 43 phút.

Đây cũng sẽ là lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ với thời gian gần 1 giờ 43 phút.
 
Theo NBC, nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 diễn ra cuối tháng 7/2018 sẽ khiến mặt trăng có màu đỏ ấn tượng, vẫn thường được gọi là "đỏ máu".
 
Nguyệt thực ngày 27/7 dự kiến có thể nhìn thấy được trong 1 tiếng 43 phút, khi mặt trăng hoàn toàn chìm trong bóng của Trái Đất – pha toàn phần. Hiện tượng độc đáo này sẽ không quan sát được từ Bắc Mỹ, nhưng những người quan sát ở các khu vực Nam Mỹ, Đông Phi, Trung Đông và Trung Á sẽ có thể trải nghiệm màn trình diễn này.
 
Nhà địa lý hành tinh Noah Petro tại trung tâm bay không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland nhận định đây là một lần nguyệt thực tuyệt vời, đặc biệt bởi thời gian dài nhất thế kỷ.
 

 

Nguyệt thực toàn phần quan sát tại đền Poseidon, Hy Lạp, 7/8/2017. Ảnh: Reuters
Nguyệt thực toàn phần quan sát tại đền Poseidon, Hy Lạp, 7/8/2017. Ảnh: Reuters
 
Nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng, Trái Đất và mặt trời thẳng hàng và mặt trăng trượt qua bóng của Trái Đất. Hiện tượng này xảy ra khoảng 3 lần mỗi năm, trong đó lần nguyệt thực trước xảy ra vào ngày 31/1 – trùng hợp với trăng xanh và siêu trăng.
 
Không giống như nhật thực, người xem nguyệt thực không cần đeo kính bảo vệ. Nói cách khác, nguyệt thực có thể được quan sát an toàn bằng mắt thường.
 
Khi mặt trăng trượt qua bóng của Trái Đất, nó sẽ mờ đi và tối dần, nhưng rồi hiện tượng đặc biệt sẽ xảy ra. “Khi hoàn toàn bị che khuất, mặt trăng sẽ có màu đỏ đồng hay đỏ máu” – Petro nói. “Nó sẽ trở nên đỏ đậm khi ở cực điểm của nguyệt thực.”
 
Màu sắc đặc biệt này xuất hiện do bầu khí quyển của Trái Đất phân tán ánh sáng từ mặt trời và phản chiếu lên bề mặt mặt trăng.
 
Theo NASA, thời điểm tốt nhất để theo dõi nguyệt thực còn phụ thuộc vào vị trí của bạn ở bán cầu Đông. Địa điểm phù hợp nhất để theo dõi sự kiện này từ bắt đầu đến kết thúc là Đông Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Á. Ở Nam Phi và Trung Đông, giai đoạn nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra vào khoảng nửa đêm theo giờ địa phương. Tại Ấn Độ và Trung Á, mặt trăng sẽ bắt đầu vào phần bóng của Trái Đất từ 10h44 đêm giờ địa phương, đạt đỉnh vào khoảng nửa đêm.
 
Trong khi đó, tại Nam Mỹ, Tây Phi và châu Âu, nguyệt thực sẽ chỉ thấy được một phần sau khi mặt trời lặn và khi trăng lên. Tại Đông Á, Australia và một số khu vực Tây Thái Bình Dương, nguyệt thực xuất hiện khi mặt trăng lặn và trước khi mặt trời lên ngày 28/7.
 
Ngoài xem trực tiếp, có những trang web cho phép xem nguyệt thực trực tuyến như Time and Date, bắt đầu từ 18h UTC (1 giờ sáng 28/7 tại Việt Nam).
 
Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 21/1/2019, quan sát được ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và một số khu vực châu Âu, châu Phi và trung tâm Thái Bình Dương. Nguyệt thực tiếp theo dài khoảng 1 giờ 2 phút./.
 
Theo VOV