11:02, 24/02/2018

Trừng phạt nặng Triều Tiên: Bước chuyển sang "giai đoạn 2" của Mỹ?

Ngày 23/2, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nhất nhằm gây sức ép với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Ngày 23/2, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nhất nhằm gây sức ép với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
 
Sau một thời gian với những thông tin tích cực trên bán đảo Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể là bước chuyển sang "giai đoạn 2" nhằm vào Triều Tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định sẽ vô cùng khó khăn và là “điều không may cho thế giới”.
 
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, Mỹ đã trừng phạt 1 cá nhân, 27 công ty và 28 tàu của Triều Tiên. Mỹ cũng đề xuất một danh sách các thực thể bị đưa vào danh sách đen theo các biện pháp trừng phạt riêng của Liên Hợp Quốc, một động thái "nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu hàng hải bất hợp pháp của Triều Tiên” . 
 

 

Chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Ảnh: Reuters.
Chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Ảnh: Reuters.
 
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump nhấn mạnh, đây sẽ là gói biện pháp trừng phạt nặng nhất từ trước đến nay nhằm chống lại Triều Tiên, tập trung vào cấm vận năng lượng, ngăn cản tiếp cận nguồn ngoại tệ của Triều Tiên. Sẽ có khoảng 50 tàu chở hàng, công ty vận tải biển và doanh nghiệp kinh doanh được phía Mỹ nêu đích danh ở gói cấm vận mới.
 
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo: “Nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả, Mỹ sẽ phải bước vào giai đoạn hai. Giai đoạn 2 sẽ khó khăn và có thể là điều rất không may cho thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng hi vọng sẽ không phải tiến đến giai đoạn này vì các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu quả. Sẽ rất tốt khi chúng ta đạt được thỏa thuận và nếu không được thì một điều gì đó có thể sẽ xảy ra”.
 
Mặc dù không đề cập cụ thể giai đoạn 2 là gì nhưng rõ ràng tuyên bố của ông Trump dường như ám chỉ đến giải pháp quân sự mà chính quyền của ông để ngỏ bấy lâu nay.
Mỹ luôn khẳng định muốn hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, với cách gia tăng sức ép tối đa buộc Triều Tiên phải hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên thực tế không chỉ có biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Triều Tiên trong nhiều năm qua đã đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt đơn phương và đa phương quốc tế, nhưng chương trình hạt nhân của nước này vẫn phát triển không ngừng .
 
Các chuyên gia phân tích quốc tế nhận định, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng không đủ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
 
Giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí Daryl Kimball cho biết: “Chỉ riêng các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng. Các biện pháp trừng phạt chỉ là một phần trong các giải pháp và chúng ta cần hướng Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.  Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng Triều Tiên sẽ không muốn đối thoại nếu các bên không sẵn sàng thảo luận những vấn đề mà họ cho là quan trọng”.
 
Triều Tiên chưa có phản ứng với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.  Hiện chưa rõ những bước đi mới nhất của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến  bầu không khí tích cực của các cuộc đối thoại liên Triều, nhưng cùng với sức ép gia tăng trừng phạt của Mỹ và các cuộc tập trận quân sự Mỹ- Hàn sắp diễn ra,  báo hiệu một bán đảo Triều  Tiên tiếp tục bão tố sau một thời gian lặng sóng./.
 
Theo VOV