11:10, 09/10/2017

Ứng cử Tổng Giám đốc UNESCO và mong muốn đóng góp của Việt Nam

Ngày 9/10 tới, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ở Paris, Pháp, sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu kín nhằm chọn Tổng Giám đốc mới của Tổ chức này, thay thế bà Irina Bokova, người sẽ rời cương vị này vào cuối năm nay sau 2 nhiệm kỳ.

Ngày 9/10 tới, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ở Paris, Pháp, sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu kín nhằm chọn Tổng Giám đốc mới của Tổ chức này, thay thế bà Irina Bokova, người sẽ rời cương vị này vào cuối năm nay sau 2 nhiệm kỳ.
 
Cuộc "đua tranh" này gồm có 8 ứng viên, gồm: Moushira Khattab (Ai Cập), Vera El Khoury Lacoeuilhe (Lebanon), Hamad Bin Abdulaziz Al-Kawari (Qatar), Audrey Azoulay (Pháp), Qian Tang (Trung Quốc), Polad Bulbuloglu (Azerbaijan), Phạm Sanh Châu (Việt Nam) và Saleh Mahdi Al-Hasnawi (Iraq).
 
Tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 202 (từ 4-18/10), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng Giám đốc UNESCO. Bầu cử sẽ bắt đầu vào cuối ngày 9/10.
 
Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội đồng Chấp hành UNESCO giới thiệu vào khóa họp tháng 11/2017.
 
Trang web chính thức của UNESCO khẳng định ứng viên đó phải có được đa số phiếu để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.
 
Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ nhậm chức vào ngày 15/11 với nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, trong khi Hội đồng Chấp hành (họp 2 lần/năm) sẽ hoàn thành dự thảo chương trình và ngân sách của UNESCO trong giai đoạn 2018-2021 để trình Đại hội đồng để phê chuẩn.
 
Ứng cử viên được lựa chọn làm Tổng Giám đốc phải là người có hiểu biết về UNESCO, có năng lực quản lý được Ban Thư ký giao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của UNESCO, trong đó có việc huy động nguồn lực tài chính, để bảo đảm tổ chức hoạt động hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ mà Hội đồng Chấp hành và Đại hội đồng UNESCO đề ra.
 
Ứng viên Phạm Sanh Châu: Nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu
 
Chính phủ Việt Nam quyết định chính thức giới thiệu Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về vấn đề UNESCO, Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO ứng cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021. 
 
Quyết định quan trọng này của Chính phủ Việt Nam dựa trên thiện chí cùng năng lực xuất sắc của ông Phạm Sanh Châu, người gắn bó nhiều năm với sự nghiệp của UNESCO và mong muốn của Việt Nam đóng góp cho UNESCO, Tổ chức được nhìn nhận là đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại.
 

 

Ứng viên Phạm Sanh Châu
Ứng viên Phạm Sanh Châu
 
Sinh ra trong một gia đình ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu được thừa hưởng truyền thống gia đình và nền tảng văn hóa Việt Nam - cội nguồn, đồng thời sớm được trải nghiệm, tiếp thu nhiều nền văn hóa như Myanmar, nơi ông sinh ra cũng như nền văn hóa Slave và Trung Đông vào thời niên thiếu khi ông theo gia đình đi công tác. Ông cũng đã được đào tạo bài bản tại Việt Nam và nhiều nước châu Âu, là người thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.
 
Đại sứ Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983 với trách nhiệm theo dõi các hoạt động chung của LHQ và vấn đề nhân quyền, vì thế ông nắm vững luật lệ, thủ tục và thông lệ của tổ chức LHQ. 
 
Đại sứ Phạm Sanh Châu được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Cộng đồng Pháp Ngữ (2000-2003), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (2011-2014). Qua đó, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm ngoại giao, hiểu biết quan hệ quốc tế cũng như trực tiếp tham gia vào các hoạt động đàm phán quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do giữa EU-Việt Nam, thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Đối tác EU-Việt Nam.
 
Trải qua việc đảm đương cương vị Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO (2000-2003), ông hiểu rõ về tổ chức và có những đóng góp cụ thể vào các hoạt động của UNESCO, đặc biệt các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO như khi tham gia soạn thảo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể; làm Phó Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO năm 2001 và Chủ tịch Nhóm soạn thảo Công ước 2005 về đa dạng biểu đạt văn hóa. Từng là Chủ tịch Nhóm các Đại sứ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại UNESCO (2002), ông tham gia điều phối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với tổ chức UNESCO và góp phần tạo đồng thuận để triển khai trên thực tế các ý tưởng của UNESCO.
 
Hai lần là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (2007-2011 và từ 2014 đến nay), cơ quan điều phối của 6 bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Đại sứ Phạm Sanh Châu là chuyên gia hàng đầu về di sản của Việt Nam, trực tiếp tham gia xây dựng các hồ sơ di sản, đặc biệt trong việc phát huy giá trị của các di sản vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Ông vừa là nhà quản lý chủ chốt của Việt Nam trong các lĩnh vực của UNESCO, vừa là người truyền bá, trực tiếp giảng dạy, góp phần đưa các ý tưởng lớn của UNESCO về giáo dục, khoa học, thông tin như xóa mù chữ, học tập suốt đời, xã hội học tập, thúc đẩy bình đẳng giới, chung tay vì di sản, mô hình tăng trưởng xanh... vào thực tiễn ở Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu không chỉ có kinh nghiệm chuyên môn phong phú mà còn có phẩm chất của nhà lãnh đạo và quản lý tài năng cùng với một sự quan tâm bản năng của ông đến con người.
 
Với hơn 16 năm gắn bó với UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu hiểu rõ về tổ chức, về các mục tiêu, chương trình, ưu tiên, các cơ hội cũng như các thách thức mà UNESCO đang phải đối mặt. Nếu được lựa chọn làm Tổng Giám đốc UNESCO, ông Phạm Sanh Châu sẽ nỗ lực tiếp tục triển khai các lĩnh vực ưu tiên hiện nay của UNESCO là châu Phi và bình đẳng giới, củng cố Ban Thư ký, minh bạch hóa công tác quản trị, xử lý những khó khăn về tài chính của Tổ chức, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của tố chức và năng lực cho nhân viên, giảm thiểu bất đồng, hài hòa lợi ích các quốc gia và tổ chức. Phù hợp với quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác với các nước đang phát triển, ứng cử viên của Việt Nam ủng hộ triển khai các giải pháp nhằm đạt đồng thuận trong UNESCO về các vấn đề chính trị, quản lý biến đổi xã hội, giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, bảo vệ văn hóa trong các xung đột vũ trang và quan tâm đặc biệt đến việc đối phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và hỗ trợ các nước đảo nhỏ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
 
Chính phủ Việt Nam tin rằng nhà ngoại giao chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm, nhà quản lý tài năng - Đại sứ Phạm Sanh Châu, một con người nhiều ý tưởng và đầy quyết tâm - sẽ tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân quan tâm đến UNESCO cũng như các hoạt động của UNESCO để cùng chung sức xử lý các thách thức đối với UNESCO. Qua đó, phát huy các thành quả mà UNESCO đã đạt được, nâng cao uy tín, vai trò, vị thế của Tổ chức này và xây dựng UNESCO ngày càng gần gũi, thiết thực với các cộng đồng và người dân trên toàn thế giới.
 
Theo baochinhphu.vn