07:10, 08/10/2017

Kinh tế thế giới phục hồi và cơ hội cải cách

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong một phát biểu mới đây nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, tạo điều kiện cho các nước thực hiện cải cách nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong một phát biểu mới đây nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, tạo điều kiện cho các nước thực hiện cải cách nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm.
 
Bà Lagarde cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đang phục hồi hay duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi hoạt động của các ngân hàng ngày càng ổn định, cũng như niềm tin của thị trường gia tăng. 
 
Trước tình hình khả quan này, bà Lagarde đặt ra vấn đề liệu thế giới có thể nắm bắt cơ hội này để phục hồi và xây dựng một nền kinh tế bao trùm hơn đem lại lợi ích cho tất cả. 
 
Tổng Giám đốc Christine Lagarde cho rằng các nước cần tiếp tục các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào công tác nghiên cứu và phát triển nhằm tăng năng suất lao động và thúc đẩy nhu cầu, từ đó làm giảm tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. 
 
Ngoài ra, tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như thực hiện đánh thuế lũy tiến có thể góp phần làm giảm tình trạng bất bình đẳng - vốn là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm nền tảng kinh tế của một quốc gia, làm xói mòn niềm tin trong xã hội và châm ngòi cho những căng thẳng chính trị, theo nghiên cứu của IMF. 
 

 

Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde - Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde - Ảnh: Reuters
 
Trong khi đó, IMF cũng vừa đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính khi hiện nay đang xảy ra tình trạng chính phủ các nước phụ thuộc vào nợ tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Các nghiên cứu phân tích về chi tiêu tiêu dùng và nợ của các hộ gia đình cho thấy, các nền kinh tế sẽ được lợi trong từ 2 đến 3 năm đầu khi các hộ gia đình nâng mức vay mượn. Tuy nhiên sau đó các nguy cơ có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính sẽ bắt đầu gia tăng một khi tăng trưởng kinh tế của các nước phụ thuộc vào việc người tiêu dùng vay mượn để chi tiêu. Và cứ 1 điểm phần trăm nợ tăng lên, nguy cơ xảy ra khủng hoảng cũng tăng khoảng 1 điểm phần trăm. 
 
Trong một diễn biến liên quan, tại một cuộc hội thảo ở London, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói với các đại biểu rằng "sẽ là không khôn ngoan nếu bỏ qua các đồng tiền ảo".
 
Một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình chấp nhận tiền ảo là sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, khi họ ngày càng ưa chuộng các loại tiền tệ mới "dễ dàng và an toàn hơn" so với các loại tiền tệ hiện có. Quá trình này có thể được đẩy nhanh hơn nếu các loại tiền ảo "thực sự trở nên ổn định hơn", bà Lagarde nhận xét.
 
Tuy nhiên, bà Lagarde lưu ý rằng một viễn cảnh như thế vẫn còn xa xôi. Bà cũng nói rằng các loại tiền ảo hiện nay là "biến động quá nhiều, quá nguy hiểm, đòi hỏi quá nhiều năng lượng để được tạo ra và những công nghệ đứng sau tiền ảo vẫn chưa thể được triển khai rộng rãi".
 
Theo VOV