11:08, 18/08/2017

Vì sao Tây Ban Nha trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố?

IS kích động những phần tử cực đoan tấn công để trả thù cho cái mà chúng gọi là "tội ác Tây Ban Nha gây ra chống lại người Hồi giáo".
 

IS kích động những phần tử cực đoan tấn công để trả thù cho cái mà chúng gọi là “tội ác Tây Ban Nha gây ra chống lại người Hồi giáo”.
 
Chấm dứt 13 năm yên bình
 
Vụ khủng bố ở Barcelona tối qua (17/8) đánh dấu sự kết thúc 13 năm “bình yên” ở Tây Ban Nha – khoảng thời gian nước này không phải chịu các cuộc tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Nói như vậy không có nghĩa là 13 năm qua những kẻ khủng bố không muốn ra tay ở Tây Ban Nha.
 
Con số cập nhật đến thời điểm này cho thấy, có ít nhất 13 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương sau khi một chiếc xe tải đâm vào đám đông người đi bộ ở khu vực du lịch nổi tiếng Las Ramblas tối 17/8 (theo giờ địa phương).
 
Cảnh sát trưởng vùng Catalonia cho biết đã có 2 nghi can khác bị bắt trong vụ tấn công này. Một trong hai nghi can bị bắt sinh ra ở vùng lãnh thổ Melilla của Tây Ban Nha ở miền Bắc Morocco. Đối tượng còn lại Driss Oukabir, là công dân Morocco. Nghi can người Tây Ban Nha bị bắt tại Alcanar, trong khi đối tượng Oukabir bị bắt ở Ripoll, phía Bắc Catalonia. Cả hai chưa từng có tiền sự.
 
Phát biểu khi có mặt tại Barcelona để trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ việc, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định vụ việc này do các "khủng bố thánh chiến" gây ra, điều này đòi hỏi phải có một phản ứng toàn cầu.
 
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, tờ Business Insider thông tin cho biết, trong khoảng nửa năm trở lại đây, Tây Ban Nha đã ngăn chặn ít nhất ba âm mưu tấn công nhằm vào người dân vô tội.

 

Du khách hoảng loạn chạy khỏi hiện trường vụ tấn công ở Las Ramblas, Barcelona. Ảnh: Reuters.
Du khách hoảng loạn chạy khỏi hiện trường vụ tấn công ở Las Ramblas, Barcelona. Ảnh: Reuters.
 
Tháng 11/2016, cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ một người Morocco gần Madrid, phá vỡ âm mưu tấn công theo kiểu sói đơn độc. Kế hoạch tấn công của đối tượng bị phát hiện sau khi an ninh Tây Ban Nha phát hiện những hoạt động bất thường của người này trên internet liên quan đến chủ nghĩa cực đoan.
 
Tháng 12/2016, một đối tượng âm mưu tấn công khủng bố khác cũng bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ. Tên này đã lập kế hoạch sử dụng xe tải để thực hiện một vụ tấn công tương tự như ở Nice trong ngày Quốc khánh Pháp khiến 86 người chết và 458 người khác bị thương.
 
Mới đây nhất, tháng 5/2017, cảnh sát đã bắt 2 người đàn ông Morocco ở Madird với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố bằng xe tải. Một trong số 2 đối tượng đã xin giấy phép lái xe tải –cùng loại với phương tiện tấn công khủng bố ở Nice, Pháp. Hai người này đều là thành viên của một mạng lưới khủng bố trực tuyến.
 
Lần cuối cùng Tây Ban Nha phải hứng chịu đòn tấn công từ các phần tử Hồi giáo cực đoan là vào tháng 3/2004 khi các phần tử của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đánh bom tàu điện ở Madrid, giết chết 191 người.
 
Kể từ đó, Tây Ban Nha đã tăng cường lực lượng an ninh, thu thập thông tin tình báo và theo dõi khoảng 1.000 đối tượng bị tình nghi có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 
Vì sao Tây Ban Nha trở thành mục tiêu?
 
Một chuyên gia phân tích tình báo nói với tờ The Times cho rằng, chính “sự hội nhập tốt hơn của người Hồi giáo” vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Tây Ban Nhà tránh được mức độ tấn công tương tự như ở Pháp.
 
Nhà phân tích này chỉ rõ: “Ở Tây Ban Nha không có sự phân biệt các khu của người da màu giống như ở Pháp. Sự hội nhập của cư dân theo đạo Hồi là tốt hơn ở Pháp, sự triệt tiêu không phải quá lớn”.
 
Tuy nhiên, điều này cũng không giúp Tây Ban Nha có thể “miễn nhiễm” với các phần tử cực đoạn. Theo tờ The Times, Tây Ban Nha trở thành mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan vì những luận điệu kích động cho rằng người Tây Ban Nha phải trả giá vì dám phá hủy luật lệ Hồi giáo ở vùng Andalusia cổ xưa khi người Moor làm chủ khu vực này từ năm 711 đến 1492.
 
Vào thời điểm này năm ngoái, bộ máy tuyên truyền của IS đã tìm cách kích động thù hận khi nhắc nhở các phần tử cực đoan rằng chính các chiến binh Tây Ban Nha đã giết chết 60.000 người Hồi giáo trong trận chiến al-Uqab năm 1212.
 
IS không ngừng kêu gọi những phần tử cực đoan này tăng cường chống phá tại các điểm nóng du lịch như Las Ramblas ở Barcelona bằng xe tải và thuốc nổ để trả thù cho “những tội ác mà Tây Ban Nha gây ra chống lại người Hồi giáo”.
 
Chính IS cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố ở Las Ramblas, Barcelona ngày 17/8. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác thực./.
 
Theo VOV