11:06, 27/06/2016

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc

Những năm qua, việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" luôn được các đơn vị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai sâu rộng, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc trong toàn ngành.

Những năm qua, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được các đơn vị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai sâu rộng, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc trong toàn ngành.



Hàng năm, ngành LĐ-TB-XH đều xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng trong toàn ngành về những chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện nhiệm vụ về quản lý trên các lĩnh vực lao động, việc làm, người có công, bảo trợ xã hội... Nhờ đó, công việc luôn được đội ngũ cán bộ, công chức xử lý nhanh, gọn và hiệu quả. Ngành còn thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực hiện các chuẩn mực đạo đức gắn với nhiệm vụ chuyên môn của ngành với 100% cán bộ, đảng viên. Qua đó góp phần không nhỏ nâng cao chất công việc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Hệ thống thông tin thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động được hình thành. Các hình thức giao dịch việc làm được phát triển, nhất là hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ 2 lần/tháng, giúp tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 10.000 lao động/năm. Bình quân mỗi năm, ngành thực hiện nhiệm vụ giải quyết việc làm cho khoảng 26.000 lao động. Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực; quy mô, chất lượng được nâng lên; công tác tuyển sinh có nhiều đổi mới, chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Mỗi năm, ngành tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 24.000 người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến nay đạt 47,5%.

 

Dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội  và công tác xã hội thị xã Ninh Hòa
Dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội thị xã Ninh Hòa


Bên cạnh đó, ngành còn kịp thời tham mưu, thực hiện các chính sách, giải quyết tốt các chế độ đối với hơn 8.500 người có công với cách mạng và thân nhân; tập trung xử lý cơ bản hồ sơ và chính sách tồn đọng. Đến nay, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ xây dựng 350 nhà, sửa chữa 289 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách với kinh phí 18,7 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, đoàn thể. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đặc biệt, tại các cơ sở bảo trợ xã hội, 799 đối tượng luôn nhận được quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viên.


Ngoài ra, các phong trào thi đua yêu nước được ngành triển khai sâu rộng, tạo được không khí thi đua sôi nổi. Qua đó, mỗi năm ngành có từ 5 - 10 đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hơn 95% cán bộ, công chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến và 10 đơn vị đạt vững mạnh, xuất sắc.


Ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, nhiệm vụ, công việc thuộc từng lĩnh vực trong ngành rất khó khăn, phức tạp bởi phải phục vụ nhiều đối tượng, từ doanh nghiệp đến công nhân lao động, học sinh học nghề, đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, tệ nạn xã hội… Thế nhưng, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức của ngành đều có ý thức tự phấn đấu, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, với phương châm hoạt động “Trách nhiệm, dân chủ, đoàn kết, đổi mới”, ngành phấn đấu giải quyết việc làm cho 15.000 lao động/năm; đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn dưới 2% (theo chuẩn mới); chăm lo tốt để tất cả đối tượng bảo trợ xã hội, người có công được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách… Cùng với đó, không ngừng xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa công sở với tác phong làm việc văn minh, lịch sự, tận tình chu đáo trong tiếp công dân. Các vấn đề phát sinh sẽ được giải quyết, điều chỉnh ngay từ cơ sở, không để xảy ra trường hợp vi phạm, bị khiếu kiện hoặc gây phiền hà cho công dân…


V.G