10:10, 26/10/2017

Những đổi thay ở Cam Hòa

Đầu năm 2017, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) mới đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đầu năm 2017, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) mới đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, đến tháng 10, xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Xã đang chuẩn bị các bước cuối cùng để được chứng nhận xã NTM.


Vượt lên khó khăn


Với diện tích khoảng 600ha, Cam Hòa là một trong những vựa xoài lớn của huyện Cam Lâm. Xoài, lúa và khoai sáp là 3 cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng và cũng là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên tính đến đầu năm 2017, Cam Hòa mới đạt 12 tiêu chí xây dựng NTM, còn nhiều tiêu chí chưa đạt, nhất là khâu cải thiện thu nhập, hộ nghèo, nhà tạm… Đây là những chỉ tiêu khó trong xây dựng NTM và liên quan sát sườn đến đời sống dân cư.

 

Theo ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa, để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, lãnh đạo xã xác định bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm hướng đi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, cần phải chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua một thời gian, nhiều nông dân đã thay giống xoài mới, đồng thời cải tiến kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đến khi nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cam Lâm” đối với 3 loại xoài gồm: xoài Úc, cát Hòa Lộc và canh nông được xây dựng, vận hành, các tổ hội nghề nghiệp gắn bó với cây xoài cũng được hình thành, hỗ trợ nhau phát triển theo hướng bền vững. Với cây lúa, ở những diện tích kém hiệu quả, Cam Hòa chuyển dần sang trồng khoai sáp, một loại cây trồng cho thu nhập tốt hơn. Hiện nay, toàn xã có hơn 400ha lúa, 120ha khoai sáp. Hợp tác xã trồng khoai sáp Cam Hòa cũng được thành lập nhằm gắn kết những người cùng sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, là một xã có cả kinh tế vườn đồi, đồng bằng lẫn nuôi trồng thủy sản, xã đang tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tiếp tục tìm kiếm cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, chăn nuôi tập trung theo quy hoạch và trồng trọt cây trồng giá trị kinh tế cao, nhất là cây ăn quả đang được hình thành trên địa bàn xã.


Từ những đổi thay nêu trên, xã Cam Hòa đã dần nâng cao chất lượng đời sống người dân bằng việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, đưa thu nhập bình quân đầu người chưa tới 25 triệu đồng năm 2016 lên 35 triệu đồng/người/năm vào tháng 10-2017. Đây là thành quả được xem là quan trọng nhất, giúp xã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu khác.

 

Một vựa xoài ở Cam Hòa

Một vựa xoài ở Cam Hòa

 

Nỗ lực không ngừng

 

Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Trái xoài hiện vẫn còn bấp bênh về đầu ra. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các xã nói chung, huyện cũng đã định hướng cho người dân chuyển dần sang trồng xoài chất lượng cao, để trái xoài vào được siêu thị cũng như xuất khẩu. Về cây khoai sáp, nhìn chung mỗi héc-ta cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/vụ, chưa thực sự là cây trồng có thể giúp nông dân đổi đời. Vì thế, huyện Cam Lâm nói chung và xã Cam Hòa nói riêng đang tiếp tục định hướng người dân đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo cách nghĩ, cách làm mới, sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và có liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM huyện Cam Lâm, đến tháng 10-2017, Cam Hòa đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Các chỉ tiêu quan trọng đều đã được xã hoàn tất. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, y tế, giáo dục, cơ sở vật chất đều đã đạt, an ninh trật tự được giữ vững.


Tuy nhiên, xã cũng nhìn nhận mức độ đạt chuẩn chưa cao, một số chỉ tiêu chưa bền vững. Ông Phan Văn Minh cho biết: “Cam Hòa có diện tích rộng, lên tới 3.800ha. Dân cư khá đông đúc với gần 3.500 hộ và gần 15.000 nhân khẩu. 80% người dân của xã có thu nhập chính từ nông nghiệp. Trong khi đó, mối liên kết giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm chưa được rõ nét, còn lỏng lẻo. Mức thu nhập của người dân vẫn còn bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 đang ở mức 4,56%... Đây sẽ là những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Cam Hòa phải tiếp tục phấn đấu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của nhân dân trong xã”.


Trong chuyến công tác mới đây của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Cam Hòa, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chánh Văn phòng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá: “Cam Hòa là xã còn nhiều khó khăn, điều kiện để phát triển kinh tế một cách đa dạng còn hạn chế, xuất phát điểm của xã không cao. Vì vậy, việc xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM là điều đáng ghi nhận. Hy vọng trong thời gian tới, cán bộ và người dân xã Cam Hòa sẽ tiếp tục tìm tòi, học hỏi và đưa ra được các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của người dân”.


Hồng Đăng