10:10, 31/10/2013

Một số tổ liên kết vẫn vướng đầu ra

Hiện nay, Cam Lâm đã có 12 tổ liên kết thuộc 10/12 xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình hoạt động cho thấy, khó khăn chủ yếu của một số TLK là đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, Cam Lâm đã có 12 tổ liên kết (TLK) thuộc 10/12 xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình hoạt động cho thấy, khó khăn chủ yếu của một số TLK là đầu ra cho sản phẩm.


Tích cực hoạt động


Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, Cam Lâm hiện có 12 TLK với 110 thành viên. Hội Nông dân huyện đã giúp các TLK vay vốn sản xuất, giá trị vay cao nhất là 20 triệu đồng/suất.  Như TLK nuôi gà sạch ở Cam An Bắc vay 400 triệu đồng, TLK sản xuất mía ở Cam An Nam vay 300 triệu đồng... Vốn vay được lấy từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện mở nhiều lớp tập huấn (trồng khoai sáp, trồng nấm rơm, nuôi vịt…) cho các thành viên TLK. Hội cũng liên hệ với Trung tâm Thương mại Maximark để bày bán khoai sáp Cam Hòa tại Trung tâm.


Nói về TLK sản xuất khoai sáp Đồng Bé (xã Cam Hòa), ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi: “Khoai sáp có thể trồng quanh năm, lãi gần 2-3 lần so với trồng lúa. Do vậy, từ năm 2009, nhiều bà con đã chuyển sang trồng khoai sáp. TLK sản xuất khoai sáp Đồng Bé thành lập tháng 6-2012 với 12 thành viên, sản xuất trên diện tích 12ha, hiện cho thu hoạch bình quân 1,5 - 1,6 tấn/sào. Các tổ viên thường xuyên được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bố hợp lý lịch trồng để đảm bảo thu hoạch lần lượt, không dồn ứ sản phẩm. Với giá bán khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí, trung bình bà con thu lợi 10 triệu đồng/sào/vụ”.

 

1
Diện tích trồng khoai sáp ở Cam Hòa tăng mạnh nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định.


Được biết, giai đoạn 2011-2012, huyện Cam Lâm đã xây dựng và triển khai 4 đề án phát triển sản xuất với sự tham gia của 2.775 hộ, Nhà nước hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng, hộ tham gia đóng góp hơn 400 triệu đồng; tổ chức 87 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 3.480 người. Với 12 TLK, 2 hợp tác xã, hiện nay, huyện đã có 10/12 xã đạt tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”. Huyện phấn đấu đến năm 2014 thêm xã Cam Hải Đông và năm 2015, xã Sơn Tân cũng đạt tiêu chí này.


Vướng ở đầu ra


Ông Nguyễn Lai phân tích, với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, các TLK trên địa bàn cơ bản hoạt động hiệu quả. Việc hình thành các TLK, xét theo tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có thể đánh giá đã góp phần tập hợp, định hướng nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí “Thu nhập”. Tuy nhiên, bên cạnh việc được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, hiệu quả hoạt động của các TLK bền vững hay không còn do tổ đó cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu, có đầu ra ổn định; nếu không, đều gặp vướng mắc.


Ví dụ, TLK thu mua mía ở Cam Hiệp Bắc hoạt động ổn định do ký hợp đồng với Nhà máy Đường Cam Ranh từ đầu vụ. 3 tổ thu mua mía khác (ở Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam Phước Tây) đang học tập cách làm này. Đối với TLK máy cày đất (Thành Đạt - xã Suối Cát, Gia Long - xã Cam Tân), do cày máy tiết kiệm thời gian, công sức, tổ luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các hộ muốn thuê cày, góp phần giúp bà con trồng trọt kịp thời vụ; cày máy lại sâu hơn, làm tăng năng suất, do đó vào vụ, tổ không lo thiếu việc. Hiện nay, tổ còn cho bà con nợ tiền thuê cày, tới vụ thu hoạch mới trả. Một số người trong tổ còn bao luôn từ khâu gieo sạ đến thu hoạch.


Còn ở xã Cam Tân, theo bà Lê Phạm Thùy Ngân - Bí thư Đảng ủy xã, tuy xã đã đạt tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất nhưng vẫn mong manh, vì chỉ cần TLK bị “vỡ” thì tiêu chí này lại không đạt. Thực tế năm 2012, Cam Tân có TLK lúa sạch nhưng nay không còn hoạt động do không có đầu ra. Ngược lại, TLK máy cày Gia Long thành lập cuối năm 2012 đầu 2013 lại hoạt động khá hiệu quả do đáp ứng đúng nhu cầu của nông dân. “Đảng ủy đang chỉ đạo Hội Nông dân xã phát triển thêm 1 - 2 tổ nữa để tiêu chí này đạt bền vững”, bà Ngân nói.


Ông Trần Vy Long cũng cho hay, chất đất ở Cam Hòa rất thích hợp trồng khoai sáp nên phong trào chuyển trồng lúa sang trồng khoai sáp đã lan rộng. Năm 2009, diện tích trồng khoai sáp chiếm khoảng 1ha, năm 2010 tăng lên 4ha, đến 2012, diện tích này (cả của người dân và các thành viên TLK) chừng 45 - 50ha! Diện tích tăng nhưng đầu ra chưa giải quyết được triệt để. Hiện nay, nông dân vẫn phải chờ tư thương tới thu gom, ra giá, nên quy luật “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn là vòng luẩn quẩn mà nông dân chữa gỡ được. Các thành viên TLK cũng chưa tránh được tình trạng này. Vừa qua, huyện đã khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích trồng khoai sáp. Ông Nguyễn Dương, thành viên tham gia TLK Đồng Bé từ ngày đầu cho biết, nghe nói khoai sáp Cam Hòa rất được ưa chuộng ở Phan Rang, Đắk Lắk… nhưng giá thu mua tại gốc thấp hơn giá bán tại những nơi này; tại Trung tâm Thương mại Maximark cũng bày bán nhưng không ghi xuất xứ nên khá ế ẩm. Ông Bùi Sương, tổ viên cũng đồng tình: “Khó nhất là đầu ra. Nếu có sự cạnh tranh thu mua giữa nhà máy, tư thương, chính quyền… thì nông dân sẽ đỡ hơn”.


Được biết, theo hướng dẫn, đối với tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”, chỉ cần có tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động là đạt. Tuy nhiên, để các TLK hoạt động bền vững, ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật…, còn cần giải quyết đầu ra. Có như vậy mới bảo đảm tính bền vững trong thực hiện tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”. Đây là vấn đề không chỉ của riêng huyện Cam Lâm.


TIỂU MAI