11:05, 14/05/2017

Sở Tư pháp: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thể chế

Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa cho biết, năm nay, đơn vị phấn đấu triển khai hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện cải cách hành chính, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế. 
 

Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa cho biết, năm nay, đơn vị phấn đấu triển khai hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện cải cách hành chính (CCHC), trong đó nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cải cách thể chế. 
 
Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính
 
Sở Tư pháp vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục gần 250 TTHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành. Trong đó, nhiều TTHC được cắt giảm mạnh thời gian giải quyết, như: chứng nhận huấn luyện chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật (giảm 90 ngày), phê duyệt trữ lượng khoáng sản (giảm 60 ngày), đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu (giảm 25 ngày)... Năm nay, sở phấn đấu giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng lượng hồ sơ được giải quyết sớm, đúng hạn; đẩy mạnh đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3; tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm xuống 0,07%.
 
Được biết, năm 2016, sở giải quyết 7.004 hồ sơ, trong đó 6.962 hồ sơ đúng và trước hạn, 42 hồ sơ trễ hạn. Bước đột phá của sở là ở lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp. Từ tháng 10-2016, nhờ phối hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, đến nay, sở đã cấp trực tuyến 136 trường hợp và cấp qua dịch vụ bưu chính 1.026 trường hợp. Riêng 4 tháng đầu năm, sở giải quyết 1.952 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp và chỉ có 2 hồ sơ trễ hạn. Sở cũng hoàn thành rà soát, công bố TTHC trong lĩnh vực tư pháp của 3 cấp. Hiện nay, đơn vị đang sắp xếp, bố trí lại bộ phận một cửa nhằm tạo sự thân thiện, thuận tiện hơn cho người dân. 
 
Để đẩy mạnh kiểm soát TTHC, sở tiếp tục công bố các TTHC, lập danh mục TTHC đã được ban hành tại các quyết định của UBND tỉnh còn hiệu lực và gửi cơ sở để niêm yết công khai. Sở cũng đôn đốc các cơ quan, địa phương rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, theo dõi các đơn vị đã cam kết cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, sở sẽ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC của tỉnh kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác CCHC. Quá trình kiểm tra, Sở Tư pháp sẽ quan tâm việc khắc phục của các đơn vị theo hướng đề xuất đã được sở gửi cho tất cả cơ quan, địa phương sau đợt kiểm soát TTHC năm trước; báo cáo UBND tỉnh xử lý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chậm khắc phục.

 

Bộ phận một cửa Sở Tư pháp

Bộ phận một cửa Sở Tư pháp

 
 
Tham mưu giải pháp đột phá 
 
Qua rà soát, đánh giá, Sở Tư pháp nhận thấy việc thực hiện một số TTHC còn vướng mắc. Vì vậy, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai 6 giải pháp đột phá cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, xây dựng quy trình giải quyết liên thông TTHC trong quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất; xây dựng quy trình giải quyết liên thông TTHC trong tách thửa, chuyển nhượng và tách thửa, tặng cho; rà soát, công khai bản đồ địa chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và địa phương; rà soát, hoàn thiện các quy định, VBQPPL về quản lý, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. 
 
1 trong 6 giải pháp là xây dựng mô hình thí điểm khu dân cư điện tử đồng bộ với tiến trình triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến. Theo đó, tỉnh sẽ chọn một số khu vực tập trung dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có công nghệ thông tin hiện đại, kết nối mạng với các doanh nghiệp, địa phương. Tại khu dân cư điện tử, người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin, nhập hồ sơ đăng ký, chuyển tiền phí, lệ phí thực hiện TTHC qua giao dịch điện tử mà không cần trực tiếp đến bộ phận một cửa của các cơ quan. Đây được xem là giải pháp để hướng người dân tiếp cận chính quyền điện tử. 
 
Hiện nay, kế hoạch đang được lấy ý kiến của các sở, ban, ngành trước khi chỉnh lý để trình UBND tỉnh ra quyết định. Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định, Sở Tư pháp sẽ có ý kiến góp ý đối với việc thực hiện các giải pháp của sở, ban, ngành; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, từ đó kiến nghị UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của các cơ quan thực hiện.
 
N.V