11:06, 12/06/2018

Quá thiếu nơi giữ trẻ

Sau vụ việc một bé trai 2 tuổi tử vong tại nhà trẻ tự phát tại thôn Phước Thượng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vừa qua, chuyện thiếu trường, thiếu lớp và an toàn cho trẻ mầm non vốn không mới, nay lại càng trở nên nóng bỏng, bức thiết.

Sau vụ việc một bé trai 2 tuổi tử vong tại nhà trẻ tự phát tại thôn Phước Thượng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vừa qua, chuyện thiếu trường, thiếu lớp và an toàn cho trẻ mầm non vốn không mới, nay lại càng trở nên nóng bỏng, bức thiết.


Loay hoay tìm nơi gửi trẻ…


Men theo con đường bê tông nhỏ dẫn vào khu dân cư bên sườn núi thuộc thôn Phước Thượng, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Ngọc Minh Quang. Trời đã nhá nhem tối, anh Quang vẫn đang loay hoay mở ti vi để 2 đứa con xem cho khỏi khóc. “Vợ chồng tôi có 4 đứa con. Hai cháu này sinh đôi, năm nay được 2 tuổi. Thời gian trước, tôi có gửi tại điểm giữ trẻ của bà Lê Thị Luyến ở gần nhà. Nhưng từ hôm xảy ra sự việc một bé trai tử vong tại đây, vợ chồng tôi đã phải thay phiên nhau ở nhà để trông con vì chưa tìm được nơi gửi trẻ ưng ý”, anh Quang kể.

 

1

Gửi con ở trường công lập đạt chuẩn quốc gia là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Trong ảnh: Trường Mầm non Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang).


Tan giờ làm lúc thành phố đã lên đèn, chị Lê Thị Châu - nhân viên một công ty tại Cụm công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh vội vàng đi đón con tại 1 nhóm trẻ gia đình. Hơn 2 năm qua, từ khi mới 8 tháng tuổi, ngày nào con chị cũng đều chịu cảnh gửi sớm, đón muộn vì ba đi làm xa, mẹ phải thường xuyên tăng ca. Chị chia sẻ: “Trường công yêu cầu hộ khẩu, lại giữ trẻ theo giờ hành chính. Hơn nữa trẻ nhỏ quá, chưa đủ 18 tháng thì không có trường công nào nhận… nên phải gửi nhóm trẻ gia đình”. Còn chị Nguyễn Thị Loan (quê Phú Yên), trú tại xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang - nhân viên một nhà sách thì phải thuê người giữ trẻ tại nhà với chi phí 5 triệu đồng/tháng. “Thời gian qua, có nhiều vụ trẻ bị bạo hành khiến tôi rất bất an. Tuy thuê người giữ trẻ, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm”, chị Loan tâm sự.


Qua khảo sát ở các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh, mạng lưới trường lớp xung quanh Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân. Bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh cho biết, trong tổng số 708 trẻ sinh năm 2013 đến 2017 là con công nhân đang làm việc tại đây được điều tra, thì có 329 trẻ có nhu cầu được chăm sóc, giáo dục, chiếm 46%. Hiện nay, phần lớn phụ huynh vẫn phải gửi con ở các nhóm trẻ tự phát, hoặc đưa về quê nhờ ông bà nội ngoại trông giúp.

Vừa gửi, vừa lo…


Nếu không được chỉ dẫn, chúng tôi khó lòng nhận biết 1 căn nhà tại phường Phước Long (TP. Nha Trang) lại là nơi trông giữ gần chục đứa trẻ, cháu nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi, ngồi còn chưa vững, đứa lớn nhất đã gần 4 tuổi. Không bảng hiệu, cửa đóng then cài gần như cả ngày, chỉ trừ khi đón và trả trẻ. Căn phòng phía sau nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông nhưng vừa là nhà bếp, vừa là nơi ăn, ngủ, vệ sinh của trẻ. Trong hơi nóng hầm hập của mùa hè và hơi lửa phả ra từ bếp gas đang đun nấu, gần chục đứa trẻ mồ hôi nhễ nhại dù quạt thổi vù vù. Trong phòng chỉ có vỏn vẹn vài chiếc bàn để các cháu ngồi ăn, vài tấm lát nền chống thấm cho các cháu ngồi sinh hoạt và ngủ trưa, với chiếc ti vi và vài ba món đồ chơi đã cũ.

 

Một nhóm trẻ tư thục tại xã Phước Đồng đã được cấp phép hoạt động, nhưng vẫn né tránh ống kính phóng viên.

Một nhóm trẻ tư thục tại xã Phước Đồng đã được cấp phép hoạt động, nhưng vẫn né tránh ống kính phóng viên.


Được biết, chỉ một mình bà Nh. - chủ nhà trẻ quán xuyến từ việc cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh, thi thoảng dạy trẻ vài bài hát rồi chờ ba mẹ hết giờ làm đến đón về. Bà Nh. vốn là công nhân đã nghỉ làm, chuyển sang trông trẻ được 7 năm. Ban đầu, bà chỉ nhận trông giữ vài trẻ là con cháu người nhà. Rồi người nọ truyền tai người kia, chủ yếu là người lao động thu nhập thấp, công nhân phải làm việc tăng ca tìm đến gửi con. “Họ đều là lao động nghèo, hộ khẩu nơi khác, con lại quá nhỏ nên không chen chân được vào trường công. Mỗi tháng tôi chỉ thu mỗi cháu 500.000 - 600.000 đồng, giữ từ sáng tới tối, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Quanh đây, có 3 người cũng tận dụng diện tích gia đình để nhận trông trẻ …”, bà Nh. cho biết.


Không riêng gì nhóm trẻ của bà Nh., điểm chung dễ thấy của những nhóm trẻ tự phát là phòng nhỏ hẹp, chật chội, đồ dùng, đồ chơi nghèo nàn... Dù biết không đảm bảo, song nhiều phụ huynh vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.


Riêng với gia đình anh L.P.Q, Công ty TNHH một thành viên Rapexco - Đại Nam chi nhánh Suối Dầu, Khu công nghiệp Suối Dầu, dù chuyện đã qua nhưng hậu quả để lại vẫn còn mãi. Vì hoàn cảnh, anh chị phải gửi con trai là L.P.K. khi đó chưa tròn 1 tuổi tại nhóm trẻ tự phát của một người trong xóm tại phường Phước Long, TP. Nha Trang. Một hôm đón con về, thấy con không tập trung, khóc và lịm dần, hai vợ chồng vội đưa đến bệnh viện kiểm tra thì nhận được thông báo từ bác sĩ: bé K. bị chấn thương sọ não. Hóa ra, trước đó 3 ngày cháu bị ngã ở nơi trông giữ nhưng chủ nhóm trẻ giấu nhẹm không nói cho gia đình biết. Giờ đây, tuy đã 5 tuổi nhưng nhận thức của bé chỉ bằng đứa trẻ lên 3…



Cần xây thêm trường, lớp


Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện nay chỉ số ít trường mầm non ngoài công lập được đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ sinh hoạt, học tập cho trẻ đầy đủ, bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… còn nhìn chung cơ sở vật chất, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đảm bảo. Ngoại trừ các trường tư thục, hầu hết giáo viên ở các nhóm lớp tư thục đều chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Do tỷ lệ giáo viên ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập đạt chuẩn chỉ hơn 56% nên chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế. Giáo viên thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nên việc dạy trẻ, cho trẻ ăn có thể không đúng cách, không đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng, cũng chưa biết nắm bắt tâm lý trẻ nên dễ xảy ra những hành động sai lệch. Trước đây, qua một số đợt kiểm tra, khảo sát tại một số trường, nhóm lớp mầm non tư thục, Sở GD-ĐT đã phát hiện một số nơi tính tiền ăn cho mỗi trẻ là 12.000 - 14.000 đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ chi một nửa để đi chợ, còn lại dùng để trả lương cho người dạy.

 

Các trường mầm non công lập hiện không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của phụ huynh. Trong ảnh: Trẻ tại một trường công lập TP. Nha Trang.

Các trường mầm non công lập hiện không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của phụ huynh. Trong ảnh: Trẻ tại một trường công lập TP. Nha Trang.


Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, tuy UBND các xã, phường đã tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở mầm non ngoài công lập, song vẫn chưa giải quyết dứt điểm được các nhóm trẻ tự phát. Mới đây, thành phố đã chỉ đạo phòng GD-ĐT và UBND 27 xã, phường thành lập các đoàn kiểm tra toàn bộ các cơ sở giáo dục mầm mon ngoài công lập trên địa bàn. Các cơ sở đủ điều kiện thì sẽ được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ để cấp phép hoạt động; còn cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ kiên quyết đình chỉ. Bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT thành phố cho biết, phòng đã thành lập 8 cụm chuyên môn mầm non và giao trách nhiệm cho các trường mầm non công lập hỗ trợ về công tác quản lý, chuyên môn đối với các nhóm, lớp mầm non tư thục. Phòng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho hiệu trưởng, chủ trường, chủ nhóm lớp và giáo viên của các cơ sở mầm non ngoài công lập.


Siết chặt kiểm tra, tăng cường chuyên môn... đối với các nhóm, lớp tư thục độc lập là điều cần thiết. Song vấn đề cốt lõi là nếu không giải quyết được tình trạng thiếu trường, thiếu lớp hiện nay thì việc các nhóm trẻ tự phát mọc lên đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, kéo theo những hệ lụy khó lường là điều tất yếu.



NGÂN LONG


 




Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 200 trường mầm non (168 trường công lập, 32 trường tư thục) và 385 nhóm, lớp độc lập tư thục (316 nhóm đã được cấp phép). Trong đó, TP. Nha Trang có 69 trường (25 trường tư thục) và 142 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đã được cấp phép. Riêng xã Phước Đồng, hiện có 2 trường mầm non công lập và 7 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được cấp phép. Trước đó, tháng 4-2018, UBND xã Phước Đồng phối hợp Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang đã kiểm tra điều kiện thành lập 4 nhóm trẻ độc lập trên địa bàn và sau đó đình chỉ hoạt động 2 lớp ở thôn Phước Tân và Phước Thủy do không đủ điều kiện về diện tích, trình độ giáo viên... Tuy nhiên, trước ngày xảy ra vụ việc tại nhóm trẻ tự phát ở thôn Phước Thượng, UBND xã không nắm được tình hình hoạt động của nhóm trẻ này.

________________________________________________________



Tỷ lệ ra lớp đối với trẻ nhà trẻ (dưới 36 tháng) năm học 2017 - 2018 trong toàn tỉnh chỉ đạt 24,2%, còn lại 75,8%, tương đương với gần 34.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ không được đến lớp; trong đó, TP. Nha Trang có 15.000 trẻ. Riêng xã Phước Đồng, có hơn 1.700 trẻ chưa được đến trường.