09:06, 15/06/2018

Ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện

Những năm gần đây, hệ thống bệnh viện (BV) liên tục được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư về chuyên môn, trang thiết bị và cải thiện đáng kể về thái độ phục vụ. Tuy nhiên, nhà vệ sinh BV vẫn là nơi chậm chuyển biến nhất. 
 

Những năm gần đây, hệ thống bệnh viện (BV) liên tục được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư về chuyên môn, trang thiết bị và cải thiện đáng kể về thái độ phục vụ. Tuy nhiên, nhà vệ sinh BV vẫn là nơi chậm chuyển biến nhất. 
 
Người dân chờ sử dụng nhà vệ sinh tại tầng trệt khu khám của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Người dân chờ sử dụng nhà vệ sinh tại tầng trệt khu khám của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
Ít điểm cộng hài lòng 
 
Tại khu khám bệnh BV Đa khoa (BVĐK) tỉnh, tình trạng nhà vệ sinh quá tải diễn ra đã lâu khiến nhiều bệnh nhân (BN) nam phải sử dụng nhà vệ sinh nữ hoặc ngược lại. Nguyên nhân của tình trạng này là do 3 tầng của khu khám bệnh chỉ có 6 nhà vệ sinh, trong đó một nhà vệ sinh ở tầng 1 có 2 phòng thì 1 phòng bị khóa cửa. Vì thế không đáp ứng nổi hàng trăm lượt BN mỗi ngày. Các nhà vệ sinh ở đây cũng không đảm bảo yêu cầu, nền nhà ướt, rác thải vứt cả bên ngoài thùng rác, thiếu giấy vệ sinh. Ở khoa Chẩn đoán hình ảnh, cũng có tình trạng nhà vệ sinh ở khu chụp X-quang bị khóa. Vì vậy, một số người nhà BN nam phải dùng ké nhà vệ sinh nữ. Nhà vệ sinh tại khoa Sản có đổi mới đáng ghi nhận là trước cửa phòng đều được bố trí chai dung dịch rửa tay nhanh, góp phần đảm bảo vệ sinh. Bà Lê Thị Thính (xã Vạn Phú, Vạn Ninh), đang chăm con sinh tại đây cũng thừa nhận, các nhà vệ sinh ở trong phòng khá sạch sẽ do được hộ lý thường xuyên quét dọn. Tuy vậy, do vòi nước bị hỏng nên nước vẫn rỉ ướt sàn. Còn nhà vệ sinh chung ở cuối hành lang thường xuyên bị tràn nước ra sàn do van khóa nước bị hỏng, bồn cầu có mùi hôi, bị hỏng chốt cửa, rất bất tiện.
 
Hộ lý khu vực cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) dọn dẹp vệ sinh.
Hộ lý khu vực cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) dọn dẹp vệ sinh.
 
Ở tuyến huyện, tình trạng quá tải không xảy ra nhưng một số thiết bị trong nhà vệ sinh… đều bị hỏng. Ví dụ như ở BVĐK thị xã Ninh Hòa, nhà vệ sinh chung đầu khoa Ngoại nước chảy tràn trên sàn do vòi rửa bị rỉ nước, bồn cầu bị mất miếng bệt ngồi; ở khoa Sản BVĐK huyện Diên Khánh, nữ phải dùng chung nhà vệ sinh nam, trong khi nhà vệ sinh nữ bị khóa… Chưa kể một số thiết bị trong nhà vệ sinh như: nắp bồn cầu, vòi xịt... đều bị hỏng; nền nhà đọng nước cáu bẩn; tình trạng thức ăn thừa đọng lại trong lavabo gây ngập, nghẹt đường ống thường xuyên xảy ra… Chia sẻ với người viết, nhiều BN, người nhà BN cho biết cực chẳng đã mới phải sử dụng nhà vệ sinh trong BV; sự xuống cấp, mất vệ sinh ở nhiều nhà vệ sinh BV khiến họ bị ám ảnh, không muốn quay trở lại.
 
Nỗi niềm của cơ sở y tế
 
Giải thích hình ảnh hai bên bệ bồn cầu bị đen, nhiều vết giày dép, bà Ngô Thị Thùy Trâm - hộ lý ở khu vực cấp cứu BVĐK tỉnh cho biết, các hộ lý chia nhau làm 3 ca trong một ngày. Nếu BN nhiều, chừng 1 giờ bà dọn 1 lần. Khi trời mưa thì tần suất dày lên, có khi phải dọn liên tục bởi mỗi lần có người ra vào là để lại vết giày dép ướt bẩn trên sàn. “Nhưng dọn dẹp bao nhiêu cũng không ngại nếu người dân có ý thức hơn. Có người say xỉn, ói ra ngay nền nhà, tôi nhắc vào nhà vệ sinh thì người nhà họ nói chúng tôi phải có trách nhiệm dọn dẹp! Chúng tôi đành tự an ủi, thôi cứ nghĩ như đang dọn cho nhà mình mà làm”, bà Trâm tâm sự. Cảnh người bệnh, người nhà dội nước lênh láng ra sàn nhà vệ sinh, không xả nước hoặc vứt giấy bừa bãi ngay cạnh có thùng rác khá phổ biến. 

 

Bà Ngô Thị Thùy Trâm dọn dẹp nhà vệ sinh của khu cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Bà Ngô Thị Thùy Trâm dọn dẹp nhà vệ sinh của khu cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
 
Lãnh đạo BVĐK tỉnh cũng thừa nhận, BV có quy mô 1.200 giường bệnh, nhưng thực tế, số lượt điều trị nội trú thường xuyên ở mức 1.400 giường bệnh. Mỗi ngày, BV còn có khoảng 1.500 lượt người khám ngoại trú, kéo theo con số tương đương người nhà BN. Trong khi đó, BV chỉ có hơn 100 nhà vệ sinh. Tuy BV còn có nhà vệ sinh công cộng nhưng do có hiện tượng người ngoài vào dùng nhờ nên tình trạng quá tải khó giải quyết. 
Theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV Việt Nam của Bộ Y tế, tiêu chí nhà vệ sinh BV được chia làm 5 mức. Ở mức 5, ngoài các tiêu chuẩn về gương, bồn rửa tay, xà phòng (nước rửa tay), dung dịch sát khuẩn, giấy vệ sinh, buồng vệ sinh riêng khép kín…, còn phải đạt ít nhất 1 buồng vệ sinh/6 giường bệnh. Mức 1 và 2 là chưa đạt.
Khảo sát trên toàn quốc của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy, nhà vệ sinh BV ở mức 5 chỉ đạt 2,1%; mức 4: 32,98%; mức 3: 46%; mức 1 và 2: 2% và 17%.
 
 
Báo cáo tại hội nghị Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV do Bộ Y tế tổ chức ngày 18-5-2018 cho thấy, qua khảo sát gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện, tại 29 BV tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước, 20% người kém hài lòng với thời gian chờ khám và nhà vệ sinh BV. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, hiện nay, có gần 19% nhà vệ sinh BV ở mức 1 và 2. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu nhà vệ sinh BV ở mức 1 và 2, đến 11 giờ người bệnh còn chờ khám đông thì BV không thể xếp hạng cao và giám đốc BV chịu trách nhiệm.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, BV luôn chú trọng công tác vệ sinh để phòng tránh nhiễm khuẩn BV, lây nhiễm chéo (giữa người nhà, BN và bác sĩ); đồng thời đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. BV đã tuyển nhân viên làm vệ sinh ngoại cảnh, phân công hộ lý thường xuyên vệ sinh hành lang. Hiện BV có 14 nhân viên đảm bảo công tác vệ sinh ngoại cảnh và nhà vệ sinh công cộng, chưa kể hộ lý của các khoa. Trước đây, BV có lập kế hoạch xin phụ thu thêm để phục vụ công tác vệ sinh nhưng không được chấp nhận. Trong khi đó, người bệnh, người nhà BN sử dụng thang máy, đi vệ sinh, tắm giặt tại BV và xả rác, gây mất vệ sinh. BV là đơn vị tự chủ về thu chi. Nếu BV đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác vệ sinh thì ảnh hưởng tới chi phí đầu tư trang thiết bị y tế, chuyên môn, thu nhập của bác sĩ, nhân viên. BV không thể lơ là với công tác chuyên môn, giữ chân bác sĩ. 
 
Cần ý thức của cả cộng đồng 
 
“Chúng tôi cũng chú trọng công tác tuyên truyền giữ gìn vệ sinh chung cho BN và người nhà. Tuy nhiên, số lượng BN đông, người nhà BN thì hay thay đổi. Nhiều người thiếu ý thức vẫn vứt rác bừa bãi, giặt phơi đồ vô tội vạ, thậm chí phóng uế, ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, còn tình trạng ban đêm, lợi dụng nhà vệ sinh là khu vực công cộng, một số đối tượng xấu lấy đây làm chỗ ẩn náu để tá túc sử dụng ma túy, tìm cơ hội trộm cắp…”, bác sĩ Xáng bày tỏ. Có trường hợp nhà vệ sinh đã phải khóa cửa do nhân viên dọn dẹp quá mệt khi phải thường xuyên lau dọn, nhắc nhở không xuể. Tuy nhiên, giám đốc BV nhận định cách làm này là sai, BV sẽ tăng cường kiểm tra, đảm bảo các nhà vệ sinh công cộng luôn mở cửa. Trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, BV đã có đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, từ đó đề ra biện pháp chống lây nhiễm chéo. Thậm chí, BV còn đăng ký phấn đấu đạt chuẩn vệ sinh BV cấp quốc tế. Hiện nay, BV đang kêu gọi nhà tài trợ để thực hiện đề án xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên BV; đồng thời liên hệ với Hội Doanh nhân tỉnh để mở thêm những nhà vệ sinh công cộng bên ngoài, quanh BV. 
 
Rất khó để duy trì một nhà vệ sinh sáng bóng, không mùi nếu như ý thức của người dân chưa được tăng lên. Tình trạnh thiếu ý thức trong bảo quản và sử dụng thiết bị trong nhà vệ sinh; thiếu nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí cũng là một rào cản để các BV thực hiện tốt công tác vệ sinh.
 
 HOA DUNG