11:03, 13/03/2018

Kỳ 2: Phía sau trang sử hào hùng

Sau sự kiện Gạc Ma, nhiều người lính đã trở về với cuộc sống bình dị. Người về quê vui thú điền viên, người vào tận Tây Nguyên tìm cuộc sống mới. Tuy nhiên, dù sống ở đâu, làm gì, họ vẫn luôn giữ vững phẩm chất người lính.

 

Sau sự kiện Gạc Ma, nhiều người lính đã trở về với cuộc sống bình dị. Người về quê vui thú điền viên, người vào tận Tây Nguyên tìm cuộc sống mới. Tuy nhiên, dù sống ở đâu, làm gì, họ vẫn luôn giữ vững phẩm chất người lính.


Trở về từ Gạc Ma


Qua sự giới thiệu của ông Thảo, chúng tôi đã kết nối được với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh (quê Quảng Bình, hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh) - nguyên tiểu đội trưởng công binh Trung đoàn 83 Quân chủng Hải quân tham gia bảo vệ chủ quyền Gạc Ma năm 1988. “Khi anh Phương ngã xuống, địch định cướp lấy cờ nhưng tôi giành lại được. Một tên địch đã đâm lê vào bả vai tôi, sau đó nổ súng bắn thẳng vào người tôi. Tôi được anh em đưa về đảo Cô Lin băng bó, rồi chuyển về đảo Sinh Tồn. Hơn 1 năm ròng rã, tôi được chuyển đi nhiều bệnh viện để điều trị. Cuối tháng 12-1989, tôi mới trở về quê hương thăm gia đình. Ở nhà nghe tin tôi hy sinh ở Trường Sa nên đã lập bàn thờ, xây mộ giả. Khi thấy tôi trở về ai cũng bất ngờ ”, ông tâm sự.

 

Các cựu chiến binh Trường Sa viếng khu tưởng niệm Gạc Ma.

Các cựu chiến binh Trường Sa viếng khu tưởng niệm Gạc Ma.


Trong buổi gặp mặt cựu binh Trường Sa được tổ chức tại TP. Cam Ranh năm 2017, chúng tôi may mắn được gặp những người lính Gạc Ma năm xưa. Đó là các cựu binh: Trương Văn Hiền (quê Hà Tĩnh, hiện sống ở Đắk Lắk), Lê Minh Thoa (Bình Định)... Năm 1988, ông Hiền (thuộc Tiểu đoàn 6 đo đạc hải đồ, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân) được điều động ra xây dựng đảo Gạc Ma. “Khi tàu HQ 604 bị bắn chìm, tôi cùng đồng đội nhảy ra khỏi tàu, trôi dạt trên biển, đến chiều cùng ngày thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt giữ”, ông Hiền nhớ lại. Theo ông Hiền, có 9 chiến sĩ Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ. Từ Gạc Ma, tàu Trung Quốc chở những người lính Việt Nam tới đảo Hải Nam, sau đó chuyển về nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Quốc). Thời gian đầu bị bắt giam, mọi người phải lao động rất vất vả, ăn uống kham khổ, lại bị tra hỏi rất nhiều. Khoảng một năm, khi tổ chức Chữ Thập đỏ quốc tế đến thăm, anh em mới được đối xử tốt hơn. Mỗi người được trao một mảnh giấy để viết thư về nhà. Hầu hết anh em đều báo về nhà là còn sống và khỏe mạnh. Thế nhưng, sau này khi về mới biết gia đình không nhận được thư.

 

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại đảo Trường Sa.  Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại đảo Trường Sa.

 

Hơn một tháng sau khi sự kiện 14-3-1988 xảy ra, Đại tướng Lê Đức Anh (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã có chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa. Tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-1988) tổ chức tại đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu bày tỏ quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Sau khi bị giam cầm hơn 3 năm, những người lính được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Khi về đến biên giới, Bộ Quốc phòng cho anh em an dưỡng tại Bắc Giang 1 tháng rồi mới về thăm gia đình. “Ngày tôi trở về, cả gia đình đều bất ngờ, bởi ở nhà đã nhận giấy báo tử và lập bàn thờ để hương khói. Bố mẹ già ôm tôi khóc. Suốt những ngày sau đó, họ hàng và người thân, xóm giềng đến hỏi thăm”, ông Thoa nhớ lại.


Sau ngày trở về, mỗi cựu binh Gạc Ma lại có một ngã rẽ cuộc đời khác nhau. Cựu binh Lê Minh Thoa quay lại công tác tại Lữ đoàn 125 (TP. Hồ Chí Minh). Đến tháng 11-1996, ông ra quân với quân hàm trung úy, tiếp tục bươn chải mưu sinh. Sau nhiều năm ở Sài Gòn, ông Thoa trở về Quy Nhơn bán phở và đặt tên quán là phở Trường Sa. Còn ông Hiền thì sau ngày trở về đã rời quê vào Đắk Lắk làm ăn. Nhưng di chứng những vết thương trong trận chiến ở Gạc Ma đã khiến sức khỏe ông bị giảm sút nhiều nên không làm được việc nặng. “Cuộc sống của tôi bây giờ khá vất vả, tuy nhiên, tôi vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi đã sống để trở về. Mong ước của tôi bây giờ là được một lần quay lại Gạc Ma để thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh”, ông Hiền tâm sự.


Kết nối đồng đội


Trở về từ Gạc Ma, vì mưu sinh, ông Lê Hữu Thảo đã từng có thời gian xuất khẩu lao động sang Đức. Khi trở về, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng ông đã dành phần lớn thời gian, công sức để đi tìm, thăm hỏi các gia đình trong số 64 liệt sĩ, kết nối những cựu binh còn sống. Bên cạnh đó, ông cũng là người kết nối với các nhà báo, các tổ chức xã hội để họ có sự quan tâm tới những gia đình đồng đội cũ còn khó khăn. “Đến nay, tôi và các đồng đội đã tìm kiếm được tất cả thân nhân của 64 liệt sĩ. Đây được xem là một chút động viên, an ủi những người đồng đội của mình. Trong dịp kỷ niệm năm nay, lẽ ra tôi vào Cam Ranh dự, nhưng vì còn nhiều cha mẹ của các đồng đội đã già yếu, không đi xa được nên tôi cùng với 11 đồng đội đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa tại Hà Tĩnh. Cùng với đó là lễ thả hoa đăng trên bãi biển Thiên Cầm, TP. Hà Tĩnh.  Đại diện gia đình 7 liệt sĩ từ Nghệ An đến Quảng Trị sẽ cùng tham dự lễ tưởng niệm này”, ông Thảo nói.

 

Cựu binh Lê Minh Thoa (bên trái) gặp lại đồng đội.

Cựu binh Lê Minh Thoa (bên trái) gặp lại đồng đội.


Trong dịp này, để tưởng nhớ tới những người đã khuất, các cựu chiến binh Gạc Ma còn tổ chức lễ tưởng niệm cho đồng đội tại Đà Nẵng và Phú Yên. Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ tổ chức lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm). Sáng 12-3, ông Thoa đã lên đường ra Đà Nẵng dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo ngày 14-3-1988. “Đúng ra tôi đi Khánh Hòa để dự lễ kỷ niệm 30 năm sự  kiện 14-3, nhưng do có một đồng đội ở Đà Nẵng vừa mất nên tôi đi Đà Nẵng để thắp hương cho đồng đội”, cựu binh Lê Minh Thoa cho biết.


30 năm đã trôi qua kể từ sự kiện 14-3-1988, hình ảnh những người lính cùng tạo thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. 64 người con đất Việt đã hy sinh trong sự kiện này sẽ mãi mãi được lưu danh... Tưởng nhớ đến những người lính đã nằm lại ở Trường Sa, chúng ta lại nhớ đến những người lính can trường đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; những ngư dân đang vượt sóng ra khơi làm nên những “cột mốc chủ quyền sống” trên Biển Đông. Trường Sa luôn trong lòng người dân Việt!


XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM