01:12, 02/12/2017

Làm lại từ đầu...

Với sản lượng xuất khẩu hàng năm 3.000 - 4.000 tấn thủy sản chất lượng cao, những năm qua, ngành nuôi lồng bè đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế thủy sản của tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi lồng bè, buộc người nuôi phải làm lại từ đầu…

 

Với sản lượng xuất khẩu hàng năm 3.000 - 4.000 tấn thủy sản chất lượng cao, những năm qua, ngành nuôi lồng bè đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế thủy sản của tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi lồng bè, buộc người nuôi phải làm lại từ đầu…

 

Vùng nuôi Cam Ranh khôi phục 30%

Vùng nuôi Cam Ranh khôi phục 30%


Gượng dậy sau bão


Từ trụ sở cũ của UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) nhìn ra biển Đầm Môn ngày nào lồng bè san sát nay chỉ còn là vùng biển hoang vắng. Ông Nguyễn Văn Hợp (thôn Đầm Môn) vẫn cặm cụi mót từng chiếc phuy, chắp từng mảnh cây để đóng lại lồng bè. Bão đã quật nát hơn 150 ô lồng bè của cha con ông, đẩy trôi ra tận Hòn Ông, cách địa điểm ban đầu hơn 4km, bây giờ số thu được chỉ là một mớ hỗn độn. Ông Hợp thở dài: “Bão đã “nuốt” toàn bộ bè tôm của cha con tôi với 12.000 con tôm hùm phần lớn ở độ tuổi sắp xuất bán, thiệt hại hàng tỷ đồng. Hiện nay, số tiền vay ngân hàng 300 triệu đồng không biết ngày nào trả được”.

 

Ông Nguyễn Văn Hợp cặm cụi sửa lại lồng

Ông Nguyễn Văn Hợp cặm cụi sửa lại lồng


Ông Huỳnh Trung Dũng (thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng) cũng thẫn thờ khi cả sản nghiệp hơn 300 ô lồng tôm hùm, trị giá hàng tỷ đồng bỗng chốc mất sạch. Mấy ngày nay, ông cùng các anh em thợ gom cây, mót lưới làm lại được 8 ô lồng nhưng khó khăn hiện nay là vật tư làm bè đang tăng giá. Bên cạnh đó là khoản vay ngân hàng 500 triệu đồng ông chưa biết lấy đâu để trả.


Vùng nuôi cá bớp, tôm hùm lồng vịnh Cam Ranh cũng thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Toàn bộ nhà bè 70 ô lồng với 8.000 con cá bớp (2 - 5kg/con), trị giá hơn 3,5 tỷ đồng của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Phúc - Mai Lệ Thương (Tổ dân phố Phúc Ninh, Cam Phúc Nam) bây giờ chỉ tìm được 30 chiếc phuy, 2 chòi canh, 1 nhà đặt máy nổ, còn lại mất sạch. Nhìn khung vỏ chiếc bè còn sót lại, bà Thương lo lắng không biết lấy gì làm lại trong khi tiền mua vật tư cao ngất.

 

Bà Thương thẫn thờ nhìn chiếc bè tơi tả

Bà Thương thẫn thờ nhìn chiếc bè tơi tả


Nuôi thủy sản đã nhiều năm nhưng vợ chồng ông Huỳnh Đoàn Ngà (Tổ dân phố 6, Bình Tây, Ninh Hải, Ninh Hòa) chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Toàn bộ số ô lồng nuôi 300 cá bớp, 400 cá mú, 5.000 hàu, 300 cá hồng và hơn 1 tạ ghẹ hầu hết ở độ tuổi sắp xuất bán đã “bay” theo cơn bão lớn, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Ngồi nhẩm tính lại công việc sắp tới mà lòng ông Ngà lo ngay ngáy. “Trước tiên là cất lại chòi để ở, còn việc phục hồi ô lồng chưa thể làm ngay vì chưa có tiền”, ông Ngà cho biết.


Những ngày qua, bà con nuôi lồng bè đang phải đối mặt với “cơn bão giá”. Vật tư làm lồng bè từ cây, phuy cũ, lưới, khuôn sắt… đều tăng vô tội vạ. Giống tôm cũng khan hiếm. Công thợ đóng bè tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng/công lên 600.000 đồng. Ông Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ: “Bây giờ thuê nhân công làm bè căng lắm, chỗ nào cũng sửa, vá, chỉ có nhà nào lâu nay nuôi thợ thì sẵn, còn không thì rất vất vả”.

 

Ông Nguyễn Thành Thênh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho hay, nhu cầu vật tư sau bão tăng khiến tư thương đẩy giá lên để hưởng lợi, giá vật liệu đã tăng từ 15 đến 20%. Các điểm bán từ Vạn Ninh ra tới Phú Yên đều tăng giá. Do hầu hết lao động trên lồng bè đã về quê, lao động tại chỗ không đáp ứng nổi nên công lao động tăng vọt.  

 

Huy động công thợ sửa lại bè

Huy động công thợ sửa lại bè

 

Mong sớm được hỗ trợ


Những ngày này, người nuôi trồng thủy sản đang mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất. Ông Huỳnh Trung Dũng kiến nghị Nhà nước tác động ngân hàng giúp bà con nuôi lồng bè phục hồi lại nghề sau bão. “Nghề nuôi tôm hùm hay cá bớp, giá trị tính bằng tiền tỷ và hầu hết bà con đều vay ngân hàng, nay mất trắng phải làm lại từ đầu. Huyện đã có văn bản kiến nghị tỉnh, Trung ương quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng giãn nợ, khoanh nợ và cho nông dân vay tiếp để tái sản xuất, ổn định đời sống…”, ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho hay, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với các đoàn thể, địa phương vận động người dân tự khắc phục; rà soát, thống kê thiệt hại báo cáo UBND thành phố xem xét; phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn xác minh, xem xét khoanh nợ đối với các hộ nuôi thủy sản, tàu thuyền có vay vốn ngân hàng. Hiện nay, 30% số lồng bè đã được khắc phục và thả giống, số còn lại đang tiếp tục khắc phục.


Theo số liệu của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh có tổng cộng 35.785 lồng nuôi thủy sản thiệt hại, tổng trị giá 4.649 tỷ đồng. Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, trước tình hình thiệt hại do cơn bão số 12 quá nặng nề, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.155 tỷ đồng để khôi phục đời sống và sản xuất. Đề nghị ngân hàng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân thiệt hại như: miễn lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới…; đồng thời hỗ trợ vay tín chấp với lãi suất Nhà nước hỗ trợ 100% trong 5 năm đầu và 50% trong 5 năm tiếp theo để ngư dân có điều kiện đầu tư, khôi phục sản xuất.


Hướng tới nuôi thủy sản bền vững


Nghề nuôi lồng trên biển là thế mạnh của Khánh Hòa, đóng góp giá trị cao vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Khó khăn hiện nay là sau bão người nuôi không đủ sức gầy dựng lại, vốn lưu động cũng đã kiệt quệ. Do đó, để phát triển nghề này một cách bền vững, cần định hướng lại nghề, xây dựng mô hình có khả năng vượt qua thiên tai. “Hiện tại, lồng nuôi Na Uy - Việt Nam hợp tác đáp ứng được điều đó. Có thể gọi là lồng thông minh, khi gặp bão, lồng tự động chìm xuống, hết bão lại nổi lên, tuy nhiên giá thành còn đắt (400m2 có giá thành 350 triệu đồng). Ngư dân có thể hợp tác để đầu tư mô hình nuôi bền vững. Các nhà khoa học cần ngồi lại để xác định vùng nào nuôi thuận lợi như: hướng gió, dòng chảy…”, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.


Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, nuôi trồng thủy sản vịnh Cam Ranh giai đoạn 2016 - 2025, định hướng năm 2035 là thu hẹp diện tích mặt nước nuôi để phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Theo quy hoạch tới năm 2035, TP. Cam Ranh dự kiến bố trí 490ha mặt nước tương ứng 24.000 lồng tại vùng mặt nước xã Cam Bình và Cam Lập nhằm đảm bảo định hướng phát triển kinh tế, đảm bảo mật độ lồng nuôi khuyến cáo 30 - 60 lồng/ha. Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục vận động các hộ nuôi trồng thủy sản liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm bảo nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai.


Phú Lâm