09:11, 10/11/2017

Gượng dậy sau bão

Sau bão, ngành nuôi trồng thủy hải sản tại huyện Vạn Ninh bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn lồng tôm bị đánh tan, hàng trăm tấn ốc hương chết, người nuôi lao đao. Thế nhưng, bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan, người dân Vạn Ninh đang gượng dậy khôi phục lại sản xuất…

Sau bão, ngành nuôi trồng thủy hải sản tại huyện Vạn Ninh bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn lồng tôm bị đánh tan, hàng trăm tấn ốc hương chết, người nuôi lao đao. Thế nhưng, bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan, người dân Vạn Ninh đang gượng dậy khôi phục lại sản xuất…

 

Một số hộ nuôi tôm hùm đã bắt đầu thả nuôi trở lại

Một số hộ nuôi tôm hùm đã bắt đầu thả nuôi trở lại

 

Làm lại từ đầu


Tại xã Vạn Thạnh, những ngày này hàng trăm lồng nuôi tôm hùm đang được các chủ bè hối hả sửa chữa để sớm đi vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thống (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cho biết, gia đình ông có khoảng 20 bè với 200 ô lồng. Bão đã đánh tan hết toàn bộ. Gia đình mới tìm lại được ít khung bè và hiện đang vận chuyển các phuy nhựa, gỗ và mua lưới đưa ra biển kết bè, làm lại lồng nuôi. “Mất thì cũng đã mất rồi, bây giờ ngồi than khóc cũng không giải quyết được gì. Ông bà ta có câu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, vậy nên phải sớm làm lại để khôi phục sản xuất càng sớm càng tốt”, ông Thống nói.

 

Tất bật sửa chữa lại bè nuôi trồng thủy sản

Tất bật sửa chữa lại bè nuôi trồng thủy sản


Ngồi trên bè tôm vá lại những tấm lưới bị sóng đánh rách tả tơi, bà Lê Thị Hiểu (thị trấn Vạn Giã) cho biết, gia đình bà có 20 bè với 200 lồng, mỗi lồng hơn 100 con tôm hùm, khoảng gần Tết là thu hoạch. Vậy mà, cơn bão đã quét sạch, thiệt hại ước hơn 3 tỷ đồng. Số tiền đầu tư nuôi tôm, gia đình bà chủ yếu vay ngân hàng. Bà Hiểu chia sẻ: “Để khắc phục, gia đình vừa phải vay ngoài hơn 100 triệu đồng. Chắc phải 1 tuần nữa mới khôi phục xong 20 bè. Để có giống thả nuôi, mấy ngày qua, tôi cũng đã liên hệ với những người chuyên bắt tôm hùm con và đã mua được hơn 100 con với giá hơn 1,4 triệu đồng/kg”.


Ở các vùng nuôi ốc hương, người dân Vạn Ninh cũng đang gượng dậy sau bão. Ông Mai Ngọc Lan cho biết: “Ốc đã chết sạch rồi, nợ nần cũng phải lo. Phải làm lại từ đầu để còn có tiền mà sống, trả nợ, trả lãi ngân hàng”.


Mong có chính sách hỗ trợ


Với những người nuôi trồng thủy sản chúng tôi gặp, có lẽ nỗi niềm lớn nhất của họ lúc này là khoản nợ ngân hàng, tiền vay ngoài. Tất cả đều mong Nhà nước, chính quyền địa phương và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ để người nuôi có động lực vươn lên sau bão. Ông Lê Công Ngọc (xã Vạn Hưng) cho biết, đợt bão lụt này gia đình ông bị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nguồn đầu tư nuôi tôm ông vay ngân hàng hơn 1,1 tỷ đồng. Điều ông đang lo lắng nhất là sắp đến kỳ trả lãi nhưng ông không biết lấy đâu ra tiền để trả. Ông Ngọc chia sẻ: “Mấy ngày qua, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, ăn ngủ không yên, tâm trí lúc nào cũng chỉ nghĩ đến khoản nợ ngân hàng. Tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giảm nợ cho gia đình. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn để chúng tôi tái sản xuất, sớm có tiền trả nợ. Hơn 20 năm gắn bó với nghề biển, bây giờ chúng tôi chỉ biết bám biển mà sống, chứ nếu bỏ nghề thì biết làm gì”.

 

Một số hộ nuôi ốc hương đã thả nuôi trở lại

Một số hộ nuôi ốc hương đã thả nuôi trở lại

 

Theo thống kê của huyện Vạn Ninh, toàn huyện có hơn 12.200 lồng tôm hùm, cá bớp bị đánh tan, ước thiệt hại gần 3.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có gần 650ha đìa nuôi ốc hương. Sau bão, toàn bộ số đìa bị hư hỏng nặng, ốc chết, thiệt hại ước khoảng gần 1.300 tỷ đồng.

Nhìn nét mặt, chúng tôi đọc được nỗi lo âu của ông Võ Nguyên Lý. “Bám nghề nuôi ốc hương đã hơn 30 năm, bây giờ thiên tai lấy đi tất cả. Tôi chỉ mong Nhà nước, địa phương, ngân hàng giãn khoản nợ 700 triệu đồng của gia đình, đồng thời có chính sách cho người dân vay vốn để tái đầu tư. Có như thế, chúng tôi mới có điều kiện làm ăn, trả nợ”, ông Lý nói.


Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Đợt bão lụt này, người nuôi trồng thủy sản huyện Vạn Ninh thiệt hại quá nặng nề. Phần lớn người dân vay vốn ngân hàng để nuôi trồng. Bây giờ, họ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay. Để giúp người dân có điều kiện vượt qua khó khăn, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho người dân vay vốn tái sản xuất”.


Có lẽ, khó có thể đong đếm chính xác những thiệt hại của người nuôi trồng thủy sản. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã và đang gượng dậy với hy vọng nghề nuôi trồng thủy sản sẽ khởi sắc trở lại... 

 
MẠNH HÙNG - VĂN GIANG

 


 



Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão


Ngày 10-11, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa bão, báo cáo nhanh tình hình khách hàng vay vốn và vốn vay bị thiệt hại; kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vốn vay, tiếp tục cho vay mới…, giúp khách hàng khôi phục và ổn định sản xuất; thực hiện các biện pháp xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, lập biên bản đánh giá, xác định mức độ thiệt hại về tài sản trên tổng số vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn và số vốn vay bị thiệt hại; lập hồ sơ khoanh nợ gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ theo quy định.


Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình có thiệt hại về người, hộ nghèo, hộ chính sách; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với người dân, những khu vực bị thiệt hại nặng nề do mưa bão.  

 



N.D