05:09, 16/09/2017

Tranh chiếm đất rừng Suối Sổ

Khu vực Suối Sổ (tiểu khu 180, thuộc địa giới hành chính xã Sông Cầu) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa quản lý...

Khu vực Suối Sổ (tiểu khu 180, thuộc địa giới hành chính xã Sông Cầu) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) quản lý. Thời gian qua, người dân thôn Sơn Thành (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) tranh chiếm nhiều héc-ta rừng tại đây nên đơn vị không thể triển khai trồng rừng. Huyện Khánh Vĩnh đã nhiều lần vào cuộc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.


Nhiều diện tích bị tranh chiếm


Giữa tháng 9, đến khu vực Suối Sổ, chúng tôi thấy một vùng đất rừng rộng lớn đã được phát dọn nhưng chưa thể trồng rừng. Nhiều chỗ cây dại, lau lách đã mọc lên quá đầu người, một số diện tích khác đã được người dân trồng bắp, chuối từ 3 đến 4 tháng nay. Ông Lê Xuân Lý - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Khi công ty tiến hành trồng rừng thì người dân thôn Sơn Thành kéo đến nhổ keo. Họ mang theo hung khí uy hiếp nhân viên nên việc trồng rừng phải tạm dừng”. Theo biên bản sự việc được lập ngày 5-4-2017, có hơn 40 người dân thôn Sơn Thành kéo đến ngăn cản việc trồng rừng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại tiểu khu 180, người dân nhổ bỏ 2.950 cây keo lai. Ngoài ra, cứ mỗi lần thấy người của Công ty Lâm sản Khánh Hòa vào khu vực này là người dân Sơn Thành lại kéo đến rất đông.

 

 Một khu vực rộng lớn tại tiểu khu 180 bị người dân thôn Sơn Thành lấn chiếm

Một khu vực rộng lớn tại tiểu khu 180 bị người dân thôn Sơn Thành lấn chiếm


Ông Cao Diễn - một trong số những hộ ngăn cản việc trồng rừng cho biết: “Toàn bộ diện tích khoảng 1,4ha tại khu vực Suối Sổ lâu nay Công ty Lâm sản Khánh Hòa trồng keo là của gia đình tôi khai phá, nay tôi lấy lại để canh tác. Trên diện tích này, gia đình tôi đã trồng bắp, chuối mấy tháng nay”. Trong khi đó, ông Cao Sông (thôn Sơn Thành) cho rằng: “Diện tích khoảng 1,6ha tại Suối Sổ của tôi là do cha tôi là ông Cao Banh khai phá, canh tác từ trước năm 1975. Cha tôi đã giao lại cho tôi nên sau khi công ty khai thác keo xong thì tôi lấy lại để sản xuất”.


Khi chúng tôi hỏi vì sao Công ty Lâm sản Khánh Hòa trồng, khai thác rừng tại khu vực này từ hơn 10 năm nay nhưng người dân không có ý kiến, đề nghị UBND xã can thiệp thì nhiều người dân cho rằng mình không biết. “Những lần công ty trồng, chúng tôi định nhổ bỏ keo để lấy lại đất nhưng họ bảo sau khi khai thác thì trả lại đất nên thôi không nhổ nữa”, ông Cao Sông nói.

 

Ông Cao Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết: “Trước đây, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Sơn Thành sinh sống, làm rẫy ở khu vực Suối Sổ. Sau này, khi thực hiện chủ trương định canh, định cư thì họ mới chuyển về sinh sống tại khu vực thôn Sơn Thành, nhiều hộ vẫn còn sản xuất tại khu vực này từ đó đến nay”. Cũng theo ông Toàn, trong số các hộ tranh chấp đất với Công ty Lâm sản Khánh Hòa, có 3 hộ là đồng bào DTTS nghèo được UBND xã đưa vào danh sách những hộ được giao đất từ diện tích bóc tách từ lâm phận của Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý. Vì thế, UBND xã đang tạm dừng việc cấp đất đối với 3 hộ này.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đất rừng sản xuất tại khu vực Suối Sổ thuộc tiểu khu 180 được Công ty Lâm sản Khánh Hòa tiếp nhận lại từ Lâm trường Sông Khế năm 1997. Diện tích đất này thuộc quy hoạch rừng sản xuất, được Nhà nước giao công ty quản lý. “Trước năm 2005, công ty đã tiến hành trồng rừng với tổng diện tích 20ha ở khu vực này, người dân không có phản ứng gì. Sau khi trồng rừng và khai thác được 2 lần thì các hộ lấn chiếm. Cụ thể năm 2011, người dân lấn chiếm 1,5ha, đến năm 2016, sau khi công ty khai thác gỗ rừng trồng thì lại phát hiện người dân lấn chiếm tiếp 6ha. Đầu năm 2017, công ty tiến hành trồng rừng trên diện tích được giao thì bị người dân xã Khánh Phú ngăn cản, tranh chiếm, việc trồng rừng đã phải ngưng lại cho đến nay. Hiện nay, công ty đã chỉ đạo Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Khánh Phú rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý”, ông Lê Đình Tấn - Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết.

 

Theo lý giải của nhiều người, nguyên nhân của tình trạng này có thể là do trước đây, khu vực này chưa có đường xe đi nên các hộ không quan tâm đến diện tích đất ở khu vực này. Hiện nay, khu vực này đã có đường nối Khánh Phú - Khánh Thành đi lại rất thuận lợi, đất ở đây lại phù hợp để trồng các loại cây ăn quả nên rất có giá trị.

 

Nhân viên Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Khánh Phú đo đạc diện tích đất bị người dân lấn chiếm

Nhân viên Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Khánh Phú đo đạc diện tích đất bị người dân lấn chiếm

 

Bao giờ mới được giải quyết?


Được biết, từ tháng 2-2017, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương có liên quan kiểm tra ngay hiện trạng. Đồng thời, giao cho UBND xã Khánh Phú vận động người dân chấp hành pháp luật, ngăn chặn các hộ có hành vi lấn chiếm trái phép đất rừng sản xuất để làm nương rẫy; nắm bắt cụ thể các hộ lấn chiếm đất rừng trái phép. UBND huyện Khánh Vĩnh còn đề nghị các bên có liên quan ngăn chặn, không để tình trạng lấn chiếm đất rừng sản xuất tiếp diễn nghiêm trọng. Tiếp đó, ngày 19-7-2017, ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chủ trì cuộc họp, đề nghị Công ty Lâm sản Khánh Hòa làm việc với các bên liên quan vận động người dân chấp hành pháp luật; điều tra nguồn gốc đất tại khu vực xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phận của công ty; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Dũng còn giao Công an huyện Khánh Vĩnh làm rõ các đối tượng không có nhu cầu canh tác, sản xuất nhưng vẫn tiến hành lấn chiếm hoặc xúi giục người dân lấn chiếm đất rừng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa…


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Khánh Vĩnh, công ty đã làm việc với UBND xã Sông Cầu và Khánh Phú để giải quyết, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Công ty đã nhiều lần báo cáo tình hình cho UBND huyện Khánh Vĩnh; đồng thời đề nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan can thiệp, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng để đơn vị tiến hành trồng rừng. Tuy nhiên, sau nhiều văn bản chỉ đạo của UBND huyện Khánh Vĩnh, tình trạng vẫn không có tiến triển, đến nay công ty vẫn chưa thể trồng rừng tại khu vực này dù mùa trồng rừng đã sắp kết thúc”.


Ông Cao Văn Toàn cho biết: “Hiện nay, có 19 hộ đồng bào DTTS nghèo ở thôn Sơn Thành đang thiếu đất sản xuất, trong đó có những hộ đang tranh chấp đất với Công ty Lâm sản Khánh Hòa. Người dân đề nghị cấp trên xem xét bóc tách, trả lại đất cho người dân tại khu vực Suối Sổ để họ có đất canh tác. Trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp đất, UBND xã đã đề nghị người dân không canh tác những cây trồng lâu năm trên diện tích hiện tại. Công ty Lâm sản Khánh Hòa tạo điều kiện để người dân thu hoạch các diện tích cây trồng ngắn ngày trên diện tích đất này; các hộ cam kết không phát chiếm rừng trồng trái phép. Các hộ đang có tranh chấp đất đã cam kết không lấn chiếm thêm và thu hoạch sản phẩm trên diện tích đã lỡ trồng, không canh tác thêm khi chưa giải quyết xong”.

 

Nhiều diện tích đất trong lâm phận của Công ty Lâm sản Khánh Hòa  bị người dân chiếm dụng

Nhiều diện tích đất trong lâm phận của Công ty Lâm sản Khánh Hòa bị người dân chiếm dụng

 

Được biết, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã tiến hành bóc tách đất tại khu vực thôn Giang Mương để giao cho người dân thiếu đất. Tuy nhiên theo ông Toàn, khu vực bóc tách đất khá xa thôn Sơn Thành, trong khi người dân khó khăn, không có phương tiện để đến đó canh tác.


Trước thực trạng đất rừng sản xuất của Công ty Lâm sản Khánh Hòa bị người dân chiếm dụng, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ngày 22-8, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Khánh Vĩnh đã vào cuộc. Qua làm việc với các bên liên quan, ông Lê Đình Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Khánh Vĩnh yêu cầu UBND xã Khánh Phú và Công ty Lâm sản Khánh Hòa xác định số hộ đã canh tác tại khu vực đất đang tranh chấp; nắm tình hình các hộ bị kích động để ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, UBND xã Khánh Phú phải đẩy mạnh tuyên truyền người dân không lấn chiếm diện tích đất còn lại khoảng 10ha của Công ty Lâm sản Khánh Hòa. Ông Chiến cũng yêu cầu UBND xã Khánh Phú phối hợp với UBND xã Sông Cầu, đơn vị chủ rừng xác định cụ thể các hộ lấn chiếm đất của Công ty Lâm sản Khánh Hòa để có hướng giải quyết.


Tuy người dân đã cam kết giữ nguyên hiện trạng diện tích đất tại khu vực Suối Sổ để chờ giải quyết, nhưng vào ngày 13-9, khi Công ty Lâm sản Khánh Hòa và UBND xã Khánh Phú đến khu vực Suối Sổ để phân định ranh giới, khoanh vùng diện tích với 6 hộ lấn chiếm chờ tìm hướng giải quyết; xác định phần diện tích chưa bị lấn chiếm để Công ty Lâm sản Khánh Hòa tiến hành trồng rừng thì tiếp tục phát hiện có thêm nhiều hộ khác vào lấn chiếm tại đây. Qua đo đạc hiện trường khu vực Suối Sổ, trong 2 ngày 13 và 14-9, Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Khánh Phú đã xác định được cụ thể danh tính 12 hộ lấn chiếm đất rừng sản xuất của công ty với tổng diện tích hơn 13,8ha. Con số vẫn chưa dừng tại đây khi vẫn còn một số hộ khác lấn chiếm nhưng trạm chưa xác định được cụ thể.


Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho rằng, hiện nay tỉnh có chủ trương bóc tách đất để giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Thực hiện chủ trương này, công ty đã bóc tách đất trong lâm phận của công ty quản lý để chính quyền địa phương giao cho người dân, qua 3 đợt đã tiến hành bóc tách hơn 4.112ha để bàn giao cho UBND huyện Khánh Vĩnh giao cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Chỉ tính riêng xã Khánh Phú, năm 2006 đã có 119,12ha, năm 2013 có 102,47ha, năm 2017 có 43,51ha. Nếu các hộ thực sự thiếu đất sản xuất, công ty sẵn sàng bóc tách để chính quyền địa phương giao cho người dân sản xuất. Việc người dân tự ý lấn chiếm đất đã được UBND tỉnh giao cho công ty quản lý rồi đề nghị bóc tách ngay tại diện tích ấy, nếu đáp ứng sẽ tạo tiền lệ xấu sau này.



BÍCH LA