04:09, 27/09/2017

Còn đâu thuở vàng son

Internet, nhạc và phim online dần thống lĩnh thị trường khiến các cửa hàng băng đĩa dần "rơi rụng". Băng đĩa một thuở vàng son nay còn đâu…

Internet, nhạc và phim online dần thống lĩnh thị trường khiến các cửa hàng băng đĩa dần “rơi rụng”. Băng đĩa một thuở vàng son nay còn đâu…


Nhớ về một thuở


Theo những người làm nghề kinh doanh băng đĩa, thời hưng thịnh nhất của nghề này là những năm giữa thập niên 90 đến khoảng năm 2008. Lúc cao điểm, Nha Trang có hàng trăm cửa hàng băng đĩa… Thời đó, Internet chưa phát triển, muốn xem phim hay nghe nhạc nhanh, sớm nhất chỉ còn cách ra tiệm mua, thuê đĩa. Cứ vài ngày là có hàng mới từ TP. Hồ Chí Minh chuyển ra, hoặc khách cần băng đĩa gì là điện thoại, nửa ngày sau có ngay. Mỗi cửa hàng phải thuê 2 - 3 nhân viên để bán hàng. Hàng lấy về chỉ vài tuần là bán sạch, nhiều người mê nhạc còn phải đặt hàng trước. Ông Trần Minh Thảo - Trưởng phòng phát thanh Đài Phát Thanh và Truyền hình Khánh Hòa nhớ lại: “Cách đây 10 năm, tôi thường đi mua băng đĩa nhạc vừa được phát hành về để phục vụ thính giả nghe đài các chương trình âm nhạc theo yêu cầu. Đến cửa hàng băng đĩa bao giờ cũng đầy khách vào ra. Nhiều phim truyền hình đang trình chiếu đã thấy khán giả ùn ùn đi mua đĩa phim để xem trước”.

 

1

Một số áp phích của các ca sĩ ngôi sao từ nhiều năm trước còn lại ở tiệm Thu Hương.
 


Nhắc lại những thăng trầm với nghề, ông Cường (CD Cường - 42 Yersin) cho biết, năm 1991, ông ký hợp đồng với Công ty Điện ảnh Khánh Hòa mở tiệm băng đĩa số 6 ở đường 2-4 Nha Trang. Ban đầu là cho thuê băng và đầu máy video, sau này chuyển sang bán CD, VCD, DVD. “Thời điểm đó, vợ chồng tôi phải thuê thêm 2 người làm nữa mới có thể làm hết việc. Kinh doanh băng đĩa rất phất, có nhiều người nhờ làm dịch vụ này mà trở nên giàu có”.


Ra đời năm 1999, tiệm băng đĩa của bà Thu Hương (92 Thống Nhất) cũng đã có những năm tháng được hưởng cảnh vàng son của nghề kinh doanh băng đĩa. “Khi ấy, nhà nhà có đầu máy nghe nhạc, xem phim nên băng đĩa đắt như tôm tươi… Chỉ việc lục tìm địa chỉ khách cũng mệt nhoài”, bà Hương nhớ lại. Đĩa bán chạy đến mức, khoảng những năm 2002 - 2003, ca sĩ Đan Trường trong lần ra Nha Trang biểu diễn đã 2 lần đến cửa hàng băng đĩa của bà Hương để ký tặng cho người hâm mộ. Bây giờ, trên cửa tiệm vẫn còn áp phích một số ca sĩ nổi tiếng một thời nay cũng đã phai bạc theo thời gian.


Ế ẩm “chợ chiều”


Trước đây, tại chợ Xóm Mới, chợ Bình Tân và nhiều con đường trên địa bàn TP. Nha Trang, mỗi đường có đến 4 - 5 cửa hàng bán băng đĩa nhạc. Bây giờ, đi dọc các tuyến phố, để tìm được cửa hàng băng đĩa cũng mỏi cả mắt. Cửa hàng băng đĩa Trí Thành trên đường Lê Lợi một thời “huy hoàng” đã dẹp tiệm từ mấy năm nay. Tiệm băng đĩa Hà Lai với 2 cửa hàng hiện nay cũng đã sang chủ và chỉ còn lại một shop nhỏ ở đường Phương Sài. Tiệm CD Hoàng đình đám một thời ở đường Ngô Gia Tự hiện nay cũng đã chuyển về đường Trịnh Phong, thu hẹp quy mô buôn bán. “Trước đây, nhà tôi phải thuê 4 - 5 người làm, còn hiện nay một mình tôi vừa làm vừa chơi. Số đĩa bán ra chắc chỉ còn 20% so với lúc trước”, ông Ngọc - chủ tiệm CD Hoàng cho biết.

 

Anh Nguyễn Quang Cường tìm đĩa nhạc cho khách

Anh Nguyễn Quang Cường tìm đĩa nhạc cho khách


Đến cửa hàng CD Cường, cửa hàng vắng hoe khách. Ông Nguyễn Quang Cường - chủ tiệm nói: “Nghề bán băng đĩa bây giờ như chợ chiều, chỉ có những người làm lâu năm như tôi mới đeo đuổi”. Ngồi với ông từ sáng đến gần trưa mới có một người khách đến mua một CD nhạc. Theo ông Cường, khách bây giờ đây mua đĩa nhạc chỉ còn rất ít. Đó là những người già không quen sử dụng công nghệ số, những người dùng đĩa để dùng trên xe hơi, người đi biển đánh cá dài ngày mua đĩa nhạc để giải trí, thi thoảng có thêm khách Việt kiều về nước. “Mặt bằng ở đây tôi thuê người quen với giá rẻ nên mới trụ lại được, chứ với vị trí đẹp như thế này mà cứ thẳng thắn tính giá thì chỉ có nước dẹp tiệm sớm”, ông Cường bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Hồng Thái - một người chuyên sưu tập đĩa CD cho biết: Xét về mặt chất âm, độ độc đáo và tính lịch sử, đĩa CD khó cạnh tranh với đĩa nhựa (vinyl). Xét về độ tiện lợi trong lưu trữ, sử dụng và quản lý, đĩa CD hoàn toàn thất thế trước file nhạc số. Nhưng ở một khía cạnh khác, đĩa CD vẫn có giá trị sưu tầm cao, và đối với những dòng đĩa cao cấp chất lượng âm thanh vẫn rất tốt, lại bền hơn vinyl. Rất có thể nền công nghiệp CD sẽ không bị rơi vào thời gian “chết” như đĩa vinyl từng đối mặt ở những thập niên 80, 90. Song về mặt số lượng, các nhà sản xuất sẽ chỉ ấn hành những bản ghi mang tính dấu ấn, kỷ niệm với chất lượng vượt trội và mức giá mang tính chất hàng sưu tầm.

Tại cửa hàng băng đĩa Thu Hương, chị Hương lắc đầu ngán ngẩm khi nghe chúng tôi hỏi chuyện kinh doanh, rồi chỉ lên các đĩa nhạc được sản xuất từ mấy năm trước vẫn còn tồn đến bây giờ. “Cái thời nghe nhạc phải dùng đầu máy nghe nhạc bằng CD, VCD… đã qua rồi. Bạn hàng của tôi bây giờ mua đĩa nhạc, hài chủ yếu là dân đi biển, một vài người mua đĩa bé Xuân Mai về để dỗ con ăn”, chị Hương nói. Vì băng đĩa ế ẩm nên chủ cửa hàng phải bán thêm card điện thoại, USB, pin… để duy trì cửa tiệm.  


Tình hình kinh doanh khó khăn, nên nhiều người đã phải chấp nhận đem các đĩa nhạc tồn kho quá lâu ra bán đồng nát. “Năm ngoái, có người từ Ninh Thuận ra mua với giá 30.000 đồng/kg, tôi có bán một ít. Bây giờ, người mua đồng nát trả giá 5.000 đồng/kg nên tôi quyết định không bán nữa. Thà mình tặng cho người nghe nhạc còn thấy hữu ích hơn”, chủ tiệm kinh doanh băng đĩa trên đường 23-10 cho biết.


“Thời đại công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính là có thể kết nối Internet để nghe nhạc, xem phim thoải mái. Ngày càng có nhiều trang web ra đời cho phép nghe nhạc, xem phim miễn phí với chất lượng khá tốt, tội gì phải bỏ tiền mua đĩa”,  Nguyễn Quang Hưng - chủ một quán cà phê ở Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang bày tỏ. Câu nói ấy nghe có vẻ phũ phàng nhưng đó cũng là quy luật của đời sống. Băng đĩa chỉ là phương tiện lưu giữ âm thanh, hình ảnh, và khi có phương tiện khác cung cấp, lưu giữ tốt hơn thì người tiêu dùng sẽ theo cái mới.


Có lẽ, những người kinh doanh băng đĩa không nghĩ đến việc ngày tàn của cái nghề này nhanh đến thế. Với nhiều người, việc buôn bán băng đĩa đã thành cái nghiệp, “bỏ thì thương, vương thì nặng”. “Tôi cũng lớn tuổi rồi nên cũng chỉ làm thời gian nữa rồi nghỉ. Cái nghề này chắc rồi cũng chỉ còn trong hoài niệm mà thôi”, bà Hương bày tỏ. Trong khi đó, theo ông Cường, kinh doanh băng đĩa không còn hưng thịnh như trước nhưng không dễ mà bị loại bỏ ra khỏi đời sống. Ở các nước phát triển, băng đĩa vẫn còn có đất sống. Trong cuộc chơi khắc nghiệt này phải có kinh nghiệm mới trụ lại được. “Bây giờ người mua đĩa chọn lọc hơn nên kinh doanh băng đĩa phải có kinh nghiệm, hiểu biết để chọn những băng đĩa phù hợp với thị hiếu của khách”, ông Cường nói.



THÀNH NGUYỄN