09:07, 18/07/2017

Im lặng là dung túng

Tuy những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ không lớn trong số các vụ phạm pháp, nhưng mỗi vụ đều để lại nhiều hệ lụy lâu dài, có khi suốt đời với nạn nhân gái.

Tuy những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em chiếm tỷ lệ không lớn trong số các vụ phạm pháp, nhưng mỗi vụ đều để lại nhiều hệ lụy lâu dài, có khi suốt đời với nạn nhân gái. Đáng nói, trong khi nhiều nhà loay hoay bảo vệ con thì một số khác lại đẩy nạn nhân và gia đình họ vào ngõ cụt của sự im lặng.

 

Trẻ em gái, đặc biệt ở vùng sâu, xa, miền núi, cần được đi học đều  và giáo dục kỹ năng phòng, chống  xâm hại. (Trong ảnh: Giờ học tăng cường tiếng Việt tại Khánh Vĩnh hè 2017)

Trẻ em gái, đặc biệt ở vùng sâu, xa, miền núi, cần được đi học đều và giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại. (Trong ảnh: Giờ học tăng cường tiếng Việt tại Khánh Vĩnh hè 2017)


Những nỗi đau…


Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Hoàng Đạo (sinh năm - SN 1998, trú huyện Cam Lâm) phạm tội hiếp dâm trẻ em được xử kín vào năm 2016. Éo le thay, bị cáo chính là cậu ruột của 2 nạn nhân (8 và 9 tuổi). Cho con về ngoại chơi, người cha bỏ về nhà, say xỉn, người mẹ thì mải kiếm sống, nên người cậu đã làm bậy với 2 đứa cháu gái mình. Bản án 18 năm tù Đạo phải nhận là thích đáng, nhưng đàng sau phiên tòa là biết bao nỗi ân hận, day dứt của những thành viên trong gia đình cũng như bóng ma dư luận đang chực chờ trên đầu 2 đứa trẻ vô tội.

 

Ở thị xã Ninh Hòa, bà Mai(*), dì hai của Thúy (SN 2002) cũng từng trải qua cảm giác choáng váng khi nghe cháu gái tiết lộ bị ông Nguyễn Văn Toàn (hơn 40 tuổi, hàng xóm) xâm hại. Bà Hương (mẹ Thúy) kể, tháng 4-2017, cô giáo báo cháu có biểu hiện học hành chểnh mảng, sa sút, nhưng lúc đó bà chỉ nghĩ chắc cháu chán học. Khi em bà về quê chơi, rủ Thúy tới nhà, người dì chợt nhận ra cháu bơ phờ, thất thần. Gạn hỏi, Thúy e dè kể: Khoảng cuối năm 2016, ông Toàn thường cho tiền, khen cháu mập mạp, dễ thương rồi lợi dụng cha mẹ vắng nhà, rủ cháu qua nhà mình và cưỡng hiếp. Ông Toàn hứa hẹn tặng điện thoại mới cho Thúy, lại đe dọa nếu không đáp ứng sẽ kể cho bạn bè Thúy biết. Vì xấu hổ, lại sợ cha mẹ đánh nên Thúy không dám nói ra. “Ai ngờ hàng xóm thân thiết mà làm chuyện đồi bại vậy”, bà Hương bức xúc.

 

Mẹ và dì hai Thúy bức xúc kể lại sự việc
Mẹ và dì hai Thúy bức xúc kể lại sự việc


Câu chuyện chấn động nhất ở vùng ven biển nghèo thị xã Ninh Hòa xảy ra giữa cha và... con gái. Chẳng ai để ý đến căn nhà nhỏ với gần chục đứa con của ông Lê Huế (SN 1954) cho đến khi chị Nga, con gái đầu của ông Huế, không chồng mà lần lượt sinh 2 con gái. Nhiều năm trôi qua trong câm nín, tới khi chị Nga không nín nhịn được trước việc người cha định xâm hại con gái út của chị (vừa là con, vừa là cháu ngoại của ông Huế) nên tố cáo. Chỉ khi đó, người ta mới biết, nếu tính theo tuổi con gái đầu, chị Nga đã bị người cha xâm hại ròng rã hơn 20 năm! Phiên tòa sơ thẩm đã mở 2 lần, bị cáo cũng đã thừa nhận, nhưng vụ án còn nhiều tình tiết phức tạp nên phải tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Rồi đây, sẽ có bản án thích đáng dành cho bị cáo, nhưng hậu quả mà Lê Huế đã gây ra, có lẽ chẳng án phạt nào xoa dịu được gia đình này. Theo một người dân gần đó, 2 con gái của chị Nga hiện nay 24 tuổi và 20 tuổi, nhưng đều không được nhanh nhẹn và cũng không biết chữ.


…và ngõ cụt


Đáng nói, trong khi nhiều nhà phải loay hoay bảo vệ con thì một số khác lại đẩy nạn nhân và gia đình họ vào ngõ cụt của sự im lặng...

 

Bà Hương kể, ngay khi biết chuyện, bà đã gọi ông Toàn sang nhà hỏi chuyện, ông này đã thừa nhận và còn năn nỉ xin tha thứ. “Lúc đó, vợ chồng tôi nghĩ, để việc vỡ lở, con mình sẽ chịu thiệt thòi, tương lai cũng bị ảnh hưởng. Vả lại, ông Toàn đã xin lỗi, nên cho qua. Ngờ đâu, sau đó, vợ chồng ông Toàn lại ngang nhiên nói với thôn xóm rằng đã lo lót vụ việc, còn thách đố chúng tôi thưa kiện. Cực  chẳng đã, ngày 15-4-2017, chúng tôi làm đơn tố cáo và cho con đi khám chứng thương theo giới thiệu của công an. Từ đó đến nay, con tôi thường xuyên khóc lóc, không dám đi học, đòi tự tử. Gia đình tôi phải cử người chăm sóc, canh chừng cháu. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm đưa vụ việc ra trước pháp luật”, bà Hương bức bối.


Trường hợp con chị Thanh (TP. Nha Trang) cũng éo le. Năm 2009, do sinh con khi còn học cao đẳng, chị Thanh đã giao con cho vợ chồng người dì nhận làm con nuôi. Tháng 8-2014, đón con về nuôi, chị thấy cháu kêu đi tiểu đau rát. Cháu kể, trước đó, anh Trần Vỹ Nhân (Bi, con trai dì) đã cởi đồ, sàm sỡ cháu nhưng chị không tin, cho là lời con trẻ. Bà ngoại cháu chợt nhớ lại vài lần tới thăm, thấy Bi ở trong nhà khóa cửa. Khi Bi ra, bà thấy cháu mình ở trong và khóc. Sự việc đã diễn ra vài lần. Khi đưa con đi khám, chị Thanh giật mình khi nhận kết quả. Chị trình báo công an, đồng thời đi chữa bệnh cho con. Trước cơ quan điều tra, Bi không thừa nhận nhưng với kết quả xác định cháu bị tổn thương vùng sinh dục, chị vẫn không thôi nghi vấn. Chị Thanh làm đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của vợ chồng người dì. Còn Bi thì thách thức và thậm chí đến tận trường học rượt bắt con chị. “Chiều đó, nếu má tôi không đến đón cháu kịp, không biết chuyện gì xảy ra…”, chị nói.   

 

Chị Thanh tại phiên tòa yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi tháng 4-2017
Chị Thanh tại phiên tòa yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi tháng 4-2017


Đừng im lặng!


Nhiều người tự hỏi, hơn 20 năm nín lặng, có thể vì chị Nga sợ cha đe dọa, vì tủi nhục, nhưng còn những người thân của chị, sao vẫn để tội ác diễn ra? Chính sự im lặng đã dung túng cho cái ác. Nhưng điều này không chỉ tồn tại ở gia đình chị Nga.


Đầu năm 2017, khi cháu Hiền (SN 2005, trú Cam Lâm) bị bạn của cha xâm hại tại nhà, người cha đã cấm con tiếp xúc với bên ngoại (mẹ cháu đã mất); ông cũng không tố cáo. Vụ việc đã “chìm xuồng” nếu chị gái Hiền và bên ngoại không mạnh dạn phản ánh lên đường dây nóng của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.


Trong đơn gửi tòa yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, chị Thanh ghi thêm dòng chữ: “Tôi sẽ làm đơn yêu cầu khởi tố hình sự”. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, chị vẫn chần chừ: “Công an đã nói không đủ bằng chứng, hơn nữa, dù sao cũng là người nhà…”. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng: “Tôi tính ôm con vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, tránh những lời dè bỉu, nhưng biết lấy tiền đâu chữa bệnh cho con. 2 năm rồi, cháu vẫn bị đau rát, chảy dịch ở vùng sinh dục. Không biết sau này cháu lớn lên có ảnh hưởng đến việc sinh đẻ không…”.


Theo bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ XHTD trẻ em. Đây chỉ là những vụ việc được tố cáo, còn nhiều trường hợp không được phát hiện hoặc phát hiện nhưng không trình báo. Còn theo thẩm phán Lê Thành Trung - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, trong các vụ án XHTD trẻ em mà tòa đã xét xử, đa số bị cáo đều có quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Năm 2016, có 17 vụ án mà bị cáo và bị hại có quan hệ ruột thịt, thân thiết, bằng 94,4% tổng số án liên quan đến XHTD trẻ em. Một số vụ án giao cấu với trẻ em hoặc hiếp dâm trẻ em mà người bị hại chưa đủ 13 tuổi, giữa nạn nhân và bị cáo còn có quan hệ tình cảm. Do đó, mức độ cảnh giác của gia đình nạn nhân đối với người phạm tội rất hạn chế. Mặt khác, do nhận thức pháp luật hạn chế nên một số người phạm tội không biết tuổi người bị hại, hoặc không biết hành vi phạm tội của mình cho đến khi bị khởi tố. Những năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xét xử loại án này và luôn có mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo.


Để ngăn chặn loại tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý thật nghiêm người phạm tội. Các cơ quan nhà nước và người dân cần tích cực phối hợp. Phụ huynh cần nâng cao nhận thức bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị XHTD. Khi có thông tin XHTD trẻ em, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Đừng im lặng, cũng đừng buông lời thiếu thiện chí!


NGUYỄN VŨ - HƯƠNG QUỲNH


(*)Tên của các nạn nhân và người thân nạn nhân đã được thay đổi.

 



Từ ngày 1-10-2010 đến hết 31-5-2017, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh đã thụ lý giải quyết 145 vụ án/151 bị cáo liên quan đến XHTD trẻ em. Riêng từ ngày 1-10-2016 đến 31-5-2017, hai cấp tòa đã thụ lý giải quyết 14 vụ án/15 bị cáo liên quan đến XHTD trẻ em. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ XHTD trẻ em tăng 8 vụ với 9 bị cáo, tương đương hơn 133%; như vậy, 6 năm qua, số vụ XHTD trẻ em tăng hơn 22%/năm.


Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (18001567). Khánh Hòa cũng thiết lập đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (3883040) để tư vấn, tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em.