08:06, 02/06/2017

Còn đâu sông Cạn?

Từ khi các doanh nghiệp đặt vòi hút, máy xúc… tận thu cát bồi, dòng sông Cạn đoạn chảy qua xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh bị sạt lở nghiêm trọng.

Từ khi các doanh nghiệp đặt vòi hút, máy xúc… tận thu cát bồi, dòng sông Cạn đoạn chảy qua xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh bị sạt lở nghiêm trọng. Mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. 
 
Một gốc dừa bật gốc nằm chỏng chơ bên bờ sông Cạn, đoạn qua thôn Hiệp Thanh, Cam Thịnh Đông.
Một gốc dừa bật gốc nằm chỏng chơ bên bờ sông Cạn, đoạn qua thôn Hiệp Thanh, Cam Thịnh Đông.
Sông “nuốt” ruộng đồng
 
Chúng tôi tìm về hạ lưu sông Cạn (TP. Cam Ranh) khi nghe người dân nơi đây phản ánh tình trạng sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát vô tội vạ. Đoạn qua thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông có nhiều đoạn dòng sông ngoạm sâu vào bờ ruộng, vườn tược hàng chục mét. Theo tìm hiểu, đoạn sông này có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát từ năm 2015. Người dân cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến dòng sông Cạn vốn hiền hòa ngày càng sâu, hung dữ và “nuốt” đồng ruộng, cây cối của người dân.
 
Ông Đoàn Quan Đang (49 tuổi, thôn Hiệp Thanh) cho biết, dòng sông Cạn khi xưa nhỏ hẹp rất đẹp. Làm ăn mấy chục năm ở đây, ông cũng không thấy sạt lở xảy ra, nhưng từ khi các doanh nghiệp đến khai thác cát thì nhiều diện tích đất nông nghiệp trôi xuống sông. Mảnh đất ông Đang trồng ớt cũng bị sạt lở theo phương thẳng đứng. “Ruộng ớt của tôi đã bị sạt lở vào 3m so với trước. Nhìn hàm ếch thế kia thì biết tình trạng đất trôi sông còn tiếp tục. Cứ tình trạng này thì dân không còn đất để sản xuất”, ông Đang nói.
 
Cách đó không xa, vườn xoài của ông Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Cam Thịnh Đông cũng đang bị sông “nuốt” dần. 5 cây xoài ven bờ sông Cạn ông trồng từ năm 1982 có gốc rất to nhưng cũng bị sạt xuống sông. “Hồi đó sông Cạn nhỏ lắm, không rộng như bây giờ. Do hút cát quá dữ, 2 bên bờ sụp xuống, đất cứ thế mất dần. Mảnh đất của tôi trồng xoài đã bị sông nuốt sâu vào 10m rồi, không biết bao nhiêu cây nữa sẽ trôi xuống sông”, ông Trung lo lắng.
 
Sạt lở do khai thác cát 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 14-4-2015, Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản cho phép Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Đại Cát khai thác cát trong diện tích hơn 2,1ha với khối lượng 15.000m3 trong 3 năm (mỗi năm 5.000m3). Tiếp đó, ngày 24-4-2015, Chủ tịch UBND tỉnh ký tiếp văn bản cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại dịch vụ Trung Hậu được khai thác cát trong diện tích 3,9ha với tổng khối lượng là 27.000m3 trong 3 năm. Đến tháng 2-2016, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định cho phép Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Cát Khánh khai thác diện tích 1ha với khối lượng 14.000m3 cũng trong 3 năm. Tất cả đều được cấp phép khai thác trên dòng sông Cạn. 
 
Ông Bạch Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, việc đánh giá tác động môi trường về hút cát là có, nhưng công tác đó được thực hiện như thế nào là việc của cấp trên. “Chúng tôi chỉ biết họ càng hút, bờ sông, đất nông nghiệp của người dân càng sạt lở. Cho nạo vét cát 3 năm với khối lượng cụ thể, nhưng thực tế số liệu này ai kiểm tra được? Nếu họ khai thác sâu hơn thì số lượng nhiều hơn, nhưng xã không thể nắm được. Xã không có kinh phí, không đủ năng lực để kiểm tra việc đó, ông Sửu chia sẻ.
 
Mảnh đất trồng ớt, rau... của ông Đang bị sông “nuốt” dần 3 - 4m.
Mảnh đất trồng ớt, rau... của ông Đang bị sông “nuốt” dần 3 - 4m.
Trong báo cáo mới đây gửi UBND TP. Cam Ranh, UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, vị trí thi công nạo vét của Công ty Đầu tư dịch vụ Cát Khánh đã gây sạt lở, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến diện tích đìa sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân. Vị trí nạo vét của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Đại Cát đã gây sạt lở nghiêm trọng đất của trại dừa do Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý.
 
 
Ngày 22-3, trong buổi tiếp xúc cử tri của HĐND TP. Cam Ranh, nhiều cử tri đã phản ánh tình trạng khai thác cát tại sông Cạn. HĐND thành phố sau khi kiểm tra thực tế đã có văn bản báo cáo cho rằng, do không thực hiện đúng quy định, thời gian nạo vét, vị trí và độ sâu nên đã làm sạt lở dọc theo bờ sông, bờ suối sông Cạn, ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và nơi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân…   
 
Thu hồi nếu làm sai
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều bức xúc phản ánh tình trạng này. TP. Cam Ranh cũng đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND xã Cam Thịnh Đông thường xuyên kiểm tra, giám sát các công ty này nhưng có nhiều bất cập khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. “Người dân phản ánh là đúng thực trạng. Các công ty khai thác cát chắc chắn có sai phạm, còn xử lý thế nào thì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”, ông Dũng cho hay.
Được biết, ngày 1-6, đoàn công tác của Sở Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp, ghi nhận các điểm sạt lở nghiêm trọng. Bước đầu, sở ghi nhận các khu vực sạt lở do hoạt động khai thác cát. Hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đang làm văn bản báo cáo UBND tỉnh về thực trạng và tham mưu hướng xử lý vấn đề này. 
 
 
Ngày 2-6, ông Đặng Văn Thứ - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND xã về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm. Tại buổi làm việc, UBND xã đã báo cáo tình trạng khai thác cát khiến sạt lở đất nông nghiệp nghiêm trọng; đồng thời, kiến nghị tỉnh chỉ đạo các công ty được cấp phép khai thác khoáng sản tại địa phương có cam kết bảo vệ môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân. 
 
Đồng chí Lê Đức Vinh ghi nhận ý kiến của xã và chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra hoạt động hút cát của các doanh nghiệp, nghiên cứu và có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở. Nếu phát hiện doanh nghiệp thực hiện khai thác không đúng giấy phép thì tiến hành thu hồi dự án ngay. 
 
 VĂN KỲ - VĨ CẦM