11:05, 26/05/2017

Bảo kê bán hàng rong

Hàng rong lấn chiếm lối đi bộ của khách du lịch; mỗi điểm bán ở đây muốn được bán yên ổn đều phải đóng phí sang nhượng, tiền "thuế" mỗi ngày. Đây là tình trạng đang diễn ra tại lối đi bộ dẫn vào Khu di tích Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang).

Hàng rong lấn chiếm lối đi bộ của khách du lịch; mỗi điểm bán ở đây muốn được bán yên ổn đều phải đóng phí sang nhượng, tiền “thuế” mỗi ngày. Đây là tình trạng đang diễn ra tại lối đi bộ dẫn vào Khu di tích Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang).
 
Hàng rong  bủa vây du khách
 
 
Con đường từ bãi giữ xe cho khách vào tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar dài khoảng 100m, rộng khoảng 6m. Đây là công trình được xây dựng với mục đích để du khách, người dân có thể đi bộ vào khu di tích mà không phải băng qua đường 2-4. Thế nhưng, ngoài công năng là đưa khách vào tham quan, con đường này còn là nơi để cánh hàng rong chèo kéo, bán hàng cho du khách mỗi ngày.

 

Hàng rong lấn chiếm gần hết lối đi của du khách

Hàng rong lấn chiếm gần hết lối đi của du khách

 
Hơn 7 giờ sáng, các quầy hàng rong đã bày sẵn dọc lối đi; người không biết, dễ hiểu nhầm đây là chỗ họp chợ. Muốn đi bộ vào khu di tích bằng con đường này, bất kỳ ai cũng phải vượt qua hơn chục lời mời chào đủ loại mặt hàng, đa số là đồ ăn, các loại trái cây… Bà T., bán trái cây cho biết, trước đây, bà thường gánh trái cây bán rong ở quanh khu này. Nhưng từ khi có con đường đi bộ, bà ngồi bán tại đây, nếu chính quyền địa phương ra quân dọn dẹp thì ôm hàng chạy, mấy bữa sau đâu lại vào đó. Vừa dứt lời, thấy có đoàn khách Trung Quốc đến, bà T. xổ một tràng lời mời chào bằng tiếng Trung. Có người dừng lại mua, bà bán được một trái dừa xiêm với giá 40.000 đồng!. 
 
Dọc đường đi bộ vào khu di tích, chúng tôi đếm được không dưới 10 điểm bán hàng, nhộn nhịp từ sáng đến chiều. Rác thải từ các sạp hàng, người bán vô tư vứt bừa bãi, chất từng đống nhỏ, rất mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là tại đây, chính quyền địa phương đã đặt khá nhiều biển cấm bán hàng rong, nhưng với thực trạng đang diễn ra, có vẻ những biển cấm này không có tác dụng.
 
Có bảo kê?
 
Trong vai người đi kiếm chỗ để bán hàng trái cây tại khu vực này, chúng tôi đã nhận được những lời cảnh báo “không phải ai cũng bán được ở đây”. Từ ông bảo vệ, bà bán cà phê cóc ven đường đều nói như vậy khi tôi ngỏ ý nhờ liên hệ để thuê chỗ bán. Thông qua bà G., người bán cà phê gần khu di tích, chúng tôi gặp được một thanh niên khoảng 25 tuổi, tự xưng là người quản lý khu vực bãi đỗ xe. Không vòng vo, thanh niên này cho biết, nếu muốn bán hàng rong quanh đây chỉ có 2 khu vực, một là phần đất của bãi đỗ xe, do người này quản lý, hai là đường đi bộ vào Tháp Bà đoạn dưới gầm cầu Xóm Bóng. Giá cả cũng rất rạch ròi, một chỗ bán thuộc phần đất của bãi đỗ xe có chiều ngang 2m, dài 1,5m giá thuê 100.000 đồng/ngày. “Anh chị bán ở đây thì yên tâm, vì phần đất này tụi em thuê hết rồi, không ai làm gì được. Còn vào trong kia, không biết giá cả thế nào, nhưng lộn xộn lắm, vừa rồi có hai bà tranh giành còn cầm dao đâm nhau. Đợt rồi mấy tay giang hồ khu dưới gầm cầu ra đây quậy đòi thu tiền cả khu vực của em, em báo công an, giờ hết dám rồi”, người này nói chắc nịch với chúng tôi, đảm bảo cứ đóng tiền đầy đủ, sẽ có hợp đồng tay, không ai dám vào quậy cả.
 

 

Bán hàng trong khu vực cấm bán hàng rong

Bán hàng trong khu vực cấm bán hàng rong

 
Tỏ vẻ không ưa vị trí này, chúng tôi tìm đến địa điểm sầm uất hơn là đoạn dưới gầm cầu Xóm Bóng, dường như đây là vị trí đắc địa nhất cho cánh hàng rong. Vừa đề cập đến chuyện muốn tìm chỗ bán trái cây, hơn chục con mắt liền quay về phía chúng tôi, có người gạt phắt ngay: “Ở đây hết chỗ rồi, không có chỗ đâu, muốn bán ra phía ngoài đường lớn”. Nài nỉ mãi xin chỉ bán sầu riêng, một người phụ nữ bị cụt ngón tay trỏ bàn tay trái mới tiếp chuyện chúng tôi, người này tự xưng tên Lùn, ở khu này, muốn bán gì phải hỏi qua bà. Bà Lùn cho biết, đất bán trong khu này đã có chủ hết, giờ chỉ còn một phần đất của bà đang cho người khác thuê, nếu chúng tôi muốn làm, bà sẽ bán đứt với giá 8 triệu đồng, nhưng phải cam kết chỉ bán sầu riêng. Người phụ nữ này còn bày vẻ và cảnh báo chúng tôi: “Bán ở đây, ai làm sao thì em cứ làm vậy, đã mua chỗ của chị là chị bảo kê, không đứa nào dám quậy cả, còn léng phéng tự ý vào bán, bị quậy phá, ôm đồ đi đổ hết thì đừng trách”. Người này còn nói thêm, mỗi ngày, cứ chiều chiều sẽ có một “thằng em” xuống thu tiền “này nọ” là 20.000 đồng/ngày, nếu muốn yên thân buôn bán thì cứ việc đóng, không cần hỏi nhiều. Khi đã tin tưởng, bà Lùn còn cởi mở, hướng dẫn chúng tôi cách nâng giá đồ bán ở đây, rồi chọn mua cân sao cho lời nhiều…
 
 
Không khỏi bất ngờ về việc làm giá đất ở lối đi bộ vào khu di tích, chúng tôi hỏi thêm vài người nữa, ai cũng một mực cho rằng, muốn kinh doanh thì phải theo luật ở đây, còn không thì đi chỗ khác. Như vậy, phần đất ở bãi đỗ xe và con đường đi bộ vào Khu di tích Tháp Bà Ponagar đã được một số đối tượng ngang nhiên làm giá, bất chấp quy định của chính quyền địa phương.

 

Cảnh buôn bán tấp nập diễn ra ngay trên lối đi bộ vào khu di tích

Cảnh buôn bán tấp nập diễn ra ngay trên lối đi bộ vào khu di tích

 
 
Kiên quyết xử lý
 
Được biết, khu vực đang diễn ra tình trạng bán hàng rong nói trên được UBND TP. Nha Trang giao cho phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ quản lý. Mang câu chuyện trên đến hỏi lãnh đạo 2 phường này, họ đều thừa nhận, việc buôn bán hàng rong, chèo kéo khách hàng tại khu vực lối đi bộ vào Khu di tích Tháp Bà Ponagar đã diễn ra trong thời gian qua, tuy các địa phương đã tổ chức ra quân giải tỏa, xử phạt, nhưng được một thời gian đâu lại vào đấy. Tuy nhiên, việc phân lô, chia sạp để buôn bán tại đây chưa ai biết. Ông Ngũ Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước nói: “Đúng là có tình trạng buôn bán hàng rong tại khu vực này từ lâu, nhưng quả thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về việc bảo kê, chia lô để buôn bán như thế này”.
 
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên, chiều 25-5, Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đã tổ chức cuộc họp khẩn với UBND phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước và Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại GNM - đơn vị được giao quản lý bãi đỗ xe tại khu di tích. Sau khi xem clip do phóng viên ghi nhận, ông Nguyễn Đình Anh Minh - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ cho rằng, đây là hành động trục lợi trắng trợn, bất hợp pháp trên đất công, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến địa phương. “Quả thực, tình trạng buôn bán hàng rong trên địa bàn giữa 2 phường Vĩnh Thọ và Vĩnh Phước lâu nay là có, vì chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên chưa xử lý dứt điểm được. Nhưng để đến mức một số đối tượng lợi dụng việc này để làm luật, lấy tiền bảo kê lô, sạp là không thể chấp nhận được. Tôi sẽ kiến nghị lên thành phố, đề nghị lực lượng công an vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng này”, ông Minh nói.
 
Còn ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang khẳng định: “Ngay trong tuần này, chúng tôi cùng các địa phương sẽ chuẩn bị lực lượng, phối hợp ra quân xử lý vấn nạn này, phải giải tỏa trắng, không để bất cứ ai được buôn bán tại đây. Về lâu dài, sẽ kiến nghị thành phố cho phép lập chốt trực tại đây, không để tái diễn. Về phía Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại GNM, chúng tôi sẽ yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng cho thuê đất trên bãi đỗ xe làm chỗ buôn bán, ai có sai phạm phải xử lý ngay, nếu không, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý theo quy định”.
 
Tình trạng bảo kê cho hàng rong buôn bán, chèo kéo khách du lịch đang diễn ra hàng ngày tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar làm ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt của thành phố. Liệu rằng, với quyết tâm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tình trạng này có được xử lý dứt điểm?
 
NHÓM P.V