06:04, 01/04/2017

Từ tháng Tư lịch sử...

42 năm sau ngày Nha Trang - Khánh Hòa hoàn toàn được giải phóng, vùng đất năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Những con người từng hy sinh một phần xương máu, công sức của mình cho trang sử cách mạng hào hùng, nay cũng phần nào hài lòng với những thành quả đạt được...

42 năm sau ngày Nha Trang - Khánh Hòa hoàn toàn được giải phóng, vùng đất năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Những con người từng hy sinh một phần xương máu, công sức của mình cho trang sử cách mạng hào hùng, nay cũng phần nào hài lòng với những thành quả đạt được...

42 năm - một chặng đường


Nằm trong lòng phố biển Nha Trang, căn nhà đơn sơ của Đại tá Nguyễn Quang Lâm - nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Binh đoàn 3, mấy hôm nay lúc nào cũng rộn ràng người vào ra. Khách của ông khi là vài phóng viên báo, đài, khai thác thông tin về trận đánh lịch sử trên đèo Phượng Hoàng năm 1975, có khi lại là những đồng đội cùng Sư đoàn 10 tìm đến để ôn lại những năm tháng hào hùng. Ở tuổi 83 nhưng Đại tá Nguyễn Quang Lâm vẫn khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn và trong ký ức của ông vẫn sống mãi từng khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến 42 năm về trước. Sau khi pha tách trà mời khách, ông tâm sự: “Trong đợt tiến công giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa thì trận đánh trên đèo Phượng Hoàng chính là trận đánh mang ý nghĩa quyết định cho việc giải phóng đồng bằng nhanh chóng, không đổ máu, không thương vong. Khi cánh cửa thép đèo Phượng Hoàng với 4.000 quân địch bị phá toang thì hầu như quân địch đã mất hoàn toàn nhuệ khí, lực lượng chủ lực đóng ở Ninh Hòa và Nha Trang chỉ còn biết tháo chạy. Qua đó, khẳng định vai trò to lớn của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trong việc giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa”.

 

Ông Nguyễn Quang Lâm (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội trong một lần về chiến trường xưa
Ông Nguyễn Quang Lâm (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội trong một lần về chiến trường xưa


Trong ký ức của người lính già, 42 năm trôi qua thật nhanh, tất cả như mới ngày hôm qua. Ông Lâm bồi hồi nhớ lại: “Nha Trang ngày ấy vẫn còn là đô thị nhỏ bé. Vậy mà giờ đây, Nha Trang đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, mang tầm vóc của một đô thị hiện đại với nhiều công trình kiến trúc lớn. Trong mơ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ thành phố lại có bước chuyển mình vượt bậc như vậy. Nhìn thành quả này, chúng tôi cũng cảm thấy an lòng cho những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc”.


Cùng đến nhà ông Lâm hàn huyên, Thượng tá Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên trợ lý tham mưu Quân đoàn 3 xúc động cho biết: “So với ngày mới giải phóng, Nha Trang - Khánh Hòa giờ đã quá khác xa. Chúng tôi may mắn vừa là chứng nhân lịch sử nhưng lại cũng chính là những người tham gia trực tiếp trong chặng đường đổi mới của tỉnh. Nha Trang giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, đời sống của người dân đã thay đổi toàn diện. Với thế hệ chúng tôi, thành quả này thật đáng trân quý”.


Uống nước nhớ nguồn


42 năm sau ngày giải phóng, niềm vui không hẳn chỉ có riêng những cựu binh Sư đoàn 10 như ông Lâm, ông Vĩnh... Đến thăm Nhà dưỡng lão và an dưỡng (thuộc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - NCC tỉnh) trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt già nua vì thời gian. Họ là những cụ ông, cụ bà, là NCC với cách mạng có hoàn cảnh đơn thân, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây. Hàng ngày, các cụ luôn được phục vụ tận tình, chu đáo từ miếng ăn, nước uống, giấc ngủ đến những nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt.

 

Đoàn viên Thành đoàn Nha Trang thăm hỏi, giao lưu với người có công
Đoàn viên Thành đoàn Nha Trang thăm hỏi, giao lưu với người có công


Bà Trần Thị Sương chia sẻ: “Từ ngày vào Nhà dưỡng lão và an dưỡng, tôi như gặp lại những người bạn cùng thời gian khổ, được cùng nhau trò chuyện, ôn lại kỷ niệm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Ở đây, chúng tôi luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo, ân cần. Từ phong cách phục vụ, chăm sóc đến cử chỉ, giao tiếp của cán bộ, nhân viên ở đây rất tận tình và chu đáo, lễ phép. Các món ăn được thay đổi luân phiên và được chế biến hợp với khẩu vị của người cao tuổi. Nơi đây thật sự là mái nhà nghĩa tình để chúng tôi vui sống, mãn nguyện”.


Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho NCC. Qua đó, động viên các cụ sống vui, sống khỏe. Chị Đồng Thị Huyền Thanh, nhân viên y tế Nhà dưỡng lao và an dưỡng cho biết: “Hầu hết các cụ sinh sống tại đây đều là người có công lao rất lớn đối với đất nước. Chính vì vậy, trong quá trình phục vụ, chăm sóc, chúng tôi luôn xem họ là người thân của mình để từ đó có thái độ, trách nhiệm tận tình chăm sóc, phục vụ chu đáo”.

 

Người có công được chăm sóc chu đáo
Người có công được chăm sóc chu đáo


Với những NCC, mỗi niềm vui mà họ nhận được của ngày hôm nay, chính là sự đền đáp của Đảng, Nhà nước, của cả cộng đồng cho những đóng góp của họ cho lịch sử dân tộc. Ông Lê Vinh Lợi - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc NCC tỉnh cho biết: “Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn xác định các cụ là những người có công lao rất lớn đối với đất nước nên phải tận tâm, hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Do đó, trong thời gian tới, trung tâm sẽ không ngừng nâng cao chất lượng điều dưỡng và chăm sóc các cụ. Đồng thời, tập trung nâng cao công tác tiếp đón và điều dưỡng luân phiên các đoàn NCC trong và ngoài tỉnh đến nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, tăng cường những hoạt động như: tư vấn sức khỏe, tham quan, giao lưu văn nghệ… nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho NCC”.


Ước mong của thế hệ trước


Có một điều đáng quý, dù đã hài lòng với cuộc sống hôm nay, song những NCC mà chúng tôi gặp, các cụ vẫn đau đáu về sự gìn giữ truyền thống cách mạng. Đại tá Nguyễn Quang Lâm tâm sự: “Thành tựu đổi mới như ngày hôm nay rất đáng tự hào, nhưng thế hệ trẻ phải luôn nhớ gìn giữ nền độc lập dân tộc. Có đổi mới như thế nào thì truyền thống cách mạng và bài học độc lập dân tộc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chỉ mong thế hệ sau nhớ lấy điều này mà không ngủ quên trên chiến thắng”.


Trong niềm vui sau bao năm giải phóng của các thế hệ tiền nhân, niềm ước mong về sự giữ gìn độc lập chủ quyền dài lâu dường như vẫn là nỗi niềm đau đáu. Hơn ai hết, họ là những chứng nhân với đầy đủ những trải nghiệm trong hành trình lịch sử của quê hương, đất nước. Nhớ về ngày hôm qua, để hôm nay, thế hệ đi trước nhắn nhủ đến những người sinh ra ở thời bình về những giá trị của độc lập. Cụ Võ Thị Bê, năm nay đã 92 tuổi (sinh sống tại Nhà dưỡng lão và an dưỡng) nhắn nhủ: “Tôi được sống đến ngày hôm nay đã là một hạnh phúc. Bởi trên mình tôi giờ mang đầy thương tích bởi 3 lần tù đày. Ai đã qua chiến tranh mới hiểu được giá trị to lớn của cách mạng. Các cháu giờ thì không còn khổ nữa nhưng phải luôn nhớ đến truyền thống của dân tộc. Rồi thế hệ những người như chúng tôi cũng sẽ ra đi, mong sao lớp trẻ vừa phát triển đất nước nhưng cũng giữ vững được hòa bình, độc lập”.


Đình Lâm - Văn Giang