10:04, 14/04/2017

Những người thợ điện đặc biệt

Sửa điện không cần cắt điện, thao tác ngay trên những đường dây đang mang dòng điện chạy rần rần, cảm giác ấy thật... đáng sợ! Nhưng với những người thợ điện đặc biệt này, đó chỉ là chuyện nhỏ.

Sửa điện không cần cắt điện, thao tác ngay trên những đường dây đang mang dòng điện chạy rần rần, cảm giác ấy thật... đáng sợ! Nhưng với những người thợ điện đặc biệt này, đó chỉ là chuyện nhỏ.

 

 


Sờ thấy điện chạy


Dưới cái nắng gay gắt những ngày đầu tháng 4, chỉ huy trưởng Ngô Trần Chỉnh cầm bộ điện đàm liên tục nhắc nhở: “Long và Duy lên bọc dây pha giữa và pha phải. Kiểm tra xem đã an toàn chưa rồi tiến hành bọc sứ pha trong và pha giữa nhé! Quyền và Quân chuẩn bị sẵn để lên thực hiện công tác tháo cò lèo (kẹp nối giữa 2 đầu dây) pha trong và cò lèo pha giữa. Khi tháo nhớ cố định đầu cò lèo ở vị trí an toàn rồi bọc lại vị trí giữa, dùng tấm thảm phủ đầu dây lại”.

 

Không cần cắt điện, nhóm công nhân chuẩn bị tiến hành gom đường dây trên lưới điện
Không cần cắt điện, nhóm công nhân chuẩn bị tiến hành gom đường dây trên lưới điện


Trên chiếc thùng cách điện của xe chuyên dụng, các anh Trần Phi Long và Nguyễn Hoài Duy đang tập trung cao độ để thực hiện công tác thu hồi nhánh rẽ lưới điện trên đường dây đang mang điện tại đường Nguyễn Tất Thành (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Dưới đất, các anh Nguyễn Xuân Quyền và Ngô Đình Quân đang mặc áo, đeo găng tay chống điện để chuẩn bị lên thay. Đây là công việc thường xuyên của Đội sửa chữa điện trên lưới điện đang mang điện (trực thuộc Xí nghiệp Xây lắp công nghiệp, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa).


Anh Trần Phi Long cho biết, trước đây, khi sửa điện thì 2 đầu dây phải cắt điện nên yên tâm sửa. Hiện nay, sửa điện ngay trên đường dây đang mang điện, cảm giác lúc đầu ai cũng sợ. Tuy được đào tạo bài bản, thực hành nhiều lần trước khi thi công thật nhưng không phải ai cũng có thể làm quen được ngay. “Mặc dù có phương tiện bảo hộ hiện đại nhưng thực tế dòng điện vẫn đang chạy trên đường dây. Khi sờ vào tôi có cảm giác dòng điện chạy rần rần giống như cầm vào ống nước đang chảy. Nếu không tập trung, tỉnh táo, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy tắc thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, anh Long cho hay. Trong khi đó, công nhân Nguyễn Hoàng Huy tâm sự: “Giai đoạn đầu học tập, chúng tôi còn rụt rè khi tiếp xúc trực tiếp với điện áp từ 22kv trở lên. Tuy nhiên, với trang thiết bị dụng cụ tuyệt đối an toàn được công ty đặt hàng từ các nước tiên tiến, đồng thời được trải nghiệm thực tế nên chúng tôi ngày càng tự tin, thao tác thành thục hơn”.


Ông Nguyễn Ngọc Đức - Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Xây lắp công nghiệp cho biết, mỗi ca công nhân sửa lưới điện đang mang điện chỉ trong vòng 1 tiếng là phải xuống để người khác lên thay. Do đặc thù công việc nên người tiếp xúc với lưới điện đang mang điện thường phải tập trung cao độ, dễ căng thẳng, mệt mỏi. Nếu chủ quan hoặc mất tập trung sẽ rất nguy hiểm.


Không bị gián đoạn cung cấp điện


Năm 2016, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa nhập xe gầu cách điện cùng toàn bộ trang thiết bị trị giá hơn 7 tỷ đồng để phục vụ việc sửa điện trên đường dây đang có điện, không cần phải cắt điện toàn bộ khu vực sửa chữa. Tháng 11-2016, lần đầu tiên công ty cho ra mắt đội sửa điện cùng với trang thiết bị này. Từ đó đến nay, đội đã sửa khoảng 10 lần các sự cố mà không cần cắt điện.

 

Chuẩn bị thực hiện sửa điện trên đường dây đang mang điện
Chuẩn bị thực hiện sửa điện trên đường dây đang mang điện


Ông Đức cho biết, công ty đã chọn 12 kỹ sư, công nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện về trình độ, tâm lý và sức khỏe để đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng. Sau đó, tiếp tục thực hành 6 tháng tại Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa một cách thuần thục rồi mới cho sửa trên đường dây đang mang điện. Giới thiệu về chiếc xe gầu đặc biệt này, ông Đức cho biết, phần quan trọng nhất trong xe này là cần và gầu. Các phần này được đảm bảo cách điện từ 35kV đến 50kV (trong khi đường dây hiện nay là 22kV), đặc biệt là gầu để công nhân đứng sửa chữa. Các kỹ sư được mặc bộ đồng phục bảo hộ cách điện khi làm việc trên đường dây. Trong nước mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ứng dụng công nghệ này để sửa điện.


Hiện nay, Xí nghiệp Xây lắp công nghiệp đang áp dụng công nghệ này để thực hiện thay thế sứ đỡ, xà đỡ, đấu nối các nhánh rẽ, thay thế sửa chữa một số thiết bị trung áp trên lưới. Ngoài ra, còn có thể sửa chữa các vị trí điện tiếp xúc xấu trên đường dây và thiết bị. Về hiệu quả có thể thấy, rõ nhất là việc không làm mất điện của khách hàng sử dụng điện trong quá trình sửa chữa. Đối với chủ đầu tư và các đơn vị thi công xây lắp, cách làm trên đáp ứng tốt nhu cầu tiến độ thi công, đưa nhanh các công trình vào hoạt động. Đối với ngành Điện, công tác này đã làm giảm thời gian và các thao tác đóng điện, ổn định cung cấp điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời sẽ dần thay thế một phần việc cắt điện khi cần sửa điện như hiện nay. “Công nghệ sửa chữa điện nóng là một trong những giải pháp lâu dài nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng dùng điện trong thời gian tới. Công ty đang tiếp tục cải tiến nhiều thủ tục, ban hành chương trình đăng ký công tác sửa chữa điện nóng chặt chẽ. Hiện nay, nhìn chung khách hàng phản hồi rất tích cực. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thông tin đến khách hàng về các tiện ích và chi phí sử dụng dịch vụ trong trường hợp khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này”, ông Đức cho hay.

 
Sẽ mở rộng mô hình


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cao Ký - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, việc áp dụng công nghệ sửa điện trên đường dây đang mang điện được mở rộng sẽ giảm thiểu thời gian mất điện thấp nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với lực lượng 12 kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp, công ty phấn đấu sẽ đạt khoảng 500 lượt sửa chữa mỗi năm. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đào tạo huấn luyện và mở rộng dịch vụ này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Được biết, hiện nay, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang triển khai nhiều dự án đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để vừa đem lại lợi ích cho khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí, nhân công, hướng tới giảm giá điện hoặc có thể cạnh tranh khi điện được bán theo giá thị trường. Ở Khánh Hòa hiện nay có khoảng 2.500 phút bị cắt điện mỗi năm. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang phấn đấu giảm còn dưới 100 phút vào năm 2020. Đó là tín hiệu đáng mừng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu dân sinh trong giai đoạn mới.


NHẬT THANH



 


Vệ sinh thiết bị điện mà không cần cắt điện


Không chỉ sửa điện trên đường dây đang mang điện, nhóm thợ điện đặc biệt này còn phụ trách việc vệ sinh sứ mà không cần cắt điện. Trước đây, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa phải cử công nhân định kỳ leo lên từng trụ điện để vệ sinh thiết bị nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố cháy nổ, gây cắt điện đột ngột. Làm theo cách này, ngành Điện phải cắt điện khu vực cần vệ sinh để đảm bảo an toàn cho người sửa chữa. Tuy nhiên, cách này ảnh hưởng đến khách hàng, tốn nhiều thời gian và công sức. Đó là chưa kể những thiệt hại do cắt điện gây ra.

 

Công nhân vệ sinh thiết bị điện mà không cần cắt điện
Công nhân vệ sinh thiết bị điện mà không cần cắt điện


 Đầu tháng 9-2015, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã đầu tư 1 máy vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Được biết, một máy cùng với 5 công nhân vận hành có thể làm vệ sinh 70 - 80 trụ điện mỗi ngày; trong khi theo cách truyền thống, nhóm công nhân 2 người chỉ làm vệ sinh được 5 trụ điện mỗi ngày.